Theo phản ánh của nhiều người dân xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), thời gian qua xảy ra tình trạng khai thác rừng trồng rồi lợi dụng chặt phá cây tự nhiên tái sinh, tại 2 tiểu khu 653 và 671 thuộc địa bàn xã Hướng Sơn.
Các cây tự nhiên tái sinh có đường kính từ 30-40 cm bị cắt hạ trong quá trình khai thác rừng trồng. |
Trình trạng này xảy ra gần đây, khi một đơn vị được cấp phép khai thác rừng trồng tại khu vực này. Tuy nhiên, người dân phát hiện rất nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên cũng bị đốn hạ rồi vận chuyển ra ngoài.
“Đơn vị trên không chỉ khai thác rừng trồng, mà cây rừng tự nhiên cũng bị cưa luôn. Khi cưa xong thì cho lên xe chở đi, nhưng không thấy ai nhắc nhở, xử lý gì cả”, ông Hồ Văn H – người dân địa phương cho hay.
Theo ghi nhận, tại một số vị trí có tọa độ: E00542389 - N01853221, E00542785 - N01852449, E00542859 - N01852396, nhiều cây rừng tự nhiên tái sinh bị cưa hạ, phần gỗ và cành lớn được đưa ra ngoài, chỉ còn lại gốc. Tại một số địa điểm khác cũng xuất hiện tình trạng cây tự nhiên bị cưa cắt.
Một cây tự nhiên tại tọa độ: E00542389 - N01853221 bị cắt, chỉ còn lại gốc. |
Sau khi thấy đơn vị này cưa hạ cây tự nhiên tái sinh, một số hộ dân đã vào 2 tiểu khu nói trên tiếp tục đốn những cây còn lại để lấy đất sản xuất.
Tìm hiểu được biết, vào năm 2020, diện tích rừng và đất rừng nói trên được phê duyệt phương án chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, được bàn giao cho huyện Hướng Hóa quản lý.
Thân gỗ bị cắt hạ nằm bên đường vận chuyển để tiện đưa ra bên ngoài. |
Sau khi Sở NN&PTNT đề nghị, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý chủ trương cho UBND huyện Hướng Hóa tổ chức khai thác, thanh lý diện tích rừng nhận bàn giao.
Tiếp đó, UBND huyện Hướng Hóa đã tổ chức đấu giá gần 96ha/381,56ha có rừng. Khi các thủ tục hoàn tất, người đấu trúng đã tiến hành khai thác. Việc khai thác rừng diễn ra từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa cho biết, người trúng đấu giá và khai thác rừng ở tiểu khu 653 và 671 là ông Phạm Văn Lương (trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), với diện tích gần 96ha. Quá trình khai thác, người trúng đấu giá chỉ được cưa cắt cây keo tràm và sao đen – là rừng trồng, còn các cây rừng tái sinh tự nhiên thì không được cắt hạ.
Quá trình khai thác có sự giám sát của một tổ quản lý, trong đó Phòng NN&PTNT huyện chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa. Đáng nói, đơn vị khai thác đã không ít lần cắt hạ cây rừng tái sinh tự nhiên để tiện đường vận chuyển, bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn tiếp tục lợi dụng khai thác rừng trồng để chặt phá hàng loạt cây tự nhiên?!.