Lợi dụng Covid-19, thực phẩm bẩn “tấn công” Hà Nội

GD&TĐ - Những ngày qua, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc lợi dụng dịch Covid-19 vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…

Số gà ủ muối tiêu không hóa đơn chứng từ bị phát hiện bắt giữ.
Số gà ủ muối tiêu không hóa đơn chứng từ bị phát hiện bắt giữ.

Vận chuyển trong đêm

Chiều 26/5, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, từ ngày 20/5 đến nay, đơn vị đã liên tiếp phát hiện 3 vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Qua nắm bắt tình hình, Đội Cảnh sát kinh tế của quận phát hiện đối tượng thường xuyên sử dụng ô tô để vận chuyển, thu gom thực phẩm không rõ nguồn gốc, sau đó mang thực phẩm bán ra các khu chợ ở Hà Nội kiếm lời.

Ngày 23/5 Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang Hoàng Quang Lưu (SN 1983, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) sử dụng xe ô tô BKS 29H-46213 vận chuyển khoảng nửa tấn gà ủ muối nhập khẩu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Qua làm việc, Hoàng Quang Lưu khai nhận, số gà ủ muối trên được thu gom ở nhiều nguồn khác nhau, trị giá khoảng 30 triệu đồng. Theo Hoàng Quang Lưu, nếu bán trót lọt số hàng trên cho các nhà hàng trên Hà Nội thì có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Để tránh bị phát hiện, Lưu vận chuyển hàng hóa vào các tối cuối tuần, giao nhận hàng vào sáng sớm. Bằng cách này, Lưu đã vận chuyển và tiêu thụ số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc ra thị trường. Hiện, Công an quận Bắc Từ Liêm đã thu giữ toàn bộ số gà ủ muối tiêu trên, tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó (20/5), Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện 1 xe đầu kéo có 2 container đang dừng đỗ, bốc dỡ hàng hóa trên đoạn đường Tây Thăng Long (thuộc địa bàn phường Phúc Diễn).

Qua kiểm tra, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp Đội CSGT - TT đã phát hiện mặt hàng trong 2 container là các loại bánh kẹo do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, thời hạn in trên vỏ hộp và bao bì đã hết hạn sử dụng.

Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, chủ lô hàng khai nhận số hàng hóa được lấy từ nhiều nguồn sau đó giao nhận hàng tại một địa điểm thỏa thuận trước.

Không chỉ có thực phẩm bẩn, Công an quận Bắc Từ Liêm còn phát hiện 1 xe ô tô tải chở lượng lớn khẩu trang y tế không có nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, khoảng 16 giờ ngày 24/5 tại địa bàn phường Minh Khai, tổ công tác phát hiện xe ô tô 29C-849.41 chở lượng lớn khẩu trang y tế có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Lái xe khai nhận, số hàng trên do một người Trung Quốc thuê vận chuyển từ KĐT An Khánh (huyện Hoài Đức) về quận Bắc Từ Liêm để tiêu thụ. Qua xác minh, Đội Cảnh sát kinh tế quận xác định chủ lô hàng khẩu trang là Lin Xue Mei, (SN 1989, tạm trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm).

Tại cơ quan Công an, Lin Xue Mei khai nhận toàn bộ số khẩu trang trên được mua của một đối tượng trên mạng Internet, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, trị giá khoảng 40 triệu đồng. Nếu bán trót lọt số khẩu trang ra ngoài thị trường, có thể thu lời được gần 100 triệu đồng.

Công an quận Bắc Từ Liêm đã thu giữ toàn bộ số khẩu trang trên (khoảng 71.100 chiếc) và tiến hành điều tra, xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.

“Hàng nóng” song hành “thực phẩm bẩn”

Lô hàng khẩu trang không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng phát hiện thu giữ.
Lô hàng khẩu trang không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng
phát hiện thu giữ.

Tương tự các hành vi vi phạm trên, ngày 26/5, Công an quận Tây Hồ đã lập hồ sơ xử lý đối tượng vận chuyển trên 1 tấn hàng hóa nội tạng lợn không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, trên xe vận chuyển còn có nhiều công cụ như kiếm, đèn pin, dùi cui điện cất giấu trong bao tải.

Cụ thể vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 24/5, tổ công tác Công an quận và Trạm thú y làm nhiệm vụ tuần tra, phòng chống Covid-19 đã phát hiện 3 người đàn ông đang bốc hàng ở xe du lịch 16 chỗ BKS 14D-015.09 có biểu hiện nghi vấn.

Tiền hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe đã tháo hết ghế ngồi và cất giấu 29 thùng xốp chứa bao tải dứa màu xanh in chữ Trung Quốc. Kiểm tra bao tải phát hiện số lượng lớn nầm lợn đông lạnh đã bốc mùi. Tổng số tang vật là 1.450kg.

Các đối tượng còn cất giấu 45 đèn pin đa năng gắn liền dùi cui điện, bao bì in chữ nước ngoài và 36 thanh kiếm kim loại. Trong đó, có 12 thanh kiếm dài 100cm, 12 thanh kiếm dài 75cm, 12 thanh kiếm dài 50 cm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhóm đối tượng gồm Đoàn Công Thành (SN 1992, trú tại Quảng Ninh) là lái xe, Bùi Tuấn Anh (SN 1996, trú ở Quảng Ninh) và Nguyễn Mạnh Tường (SN 1977, trú ở Quảng Ninh) đều là lao động tự do.

Các đối tượng khai nhận, số thực phẩm nầm lợn đông lạnh trên do Đoàn Công Thành mua trôi nổi tại Quảng Ninh rồi vận chuyển đến khu vực chợ Nhật Tân (Hà Nội) tiêu thụ. Số công cụ hỗ trợ gồm kiếm và đèn pin dùi cui điện do Thành vận chuyển đến địa bàn Hà Nội giao cho người đặt mua. Hiện, Công an quận Tây Hồ đã lập hồ sơ xử lý vụ việc.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ chiều 26/5, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, cho hay đơn vị đã ban hành Văn bản 440 chỉ đạo Đội trưởng các Đội QLTT về việc thực hiện Công điện số 11 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Trong đó, có tăng cường phối hợp công tác quản lý giá và thông tin giá cả thị trường trên địa bàn Thủ đô.

“Các Đội QLTT phối hợp các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo thẩm quyền. Nhất là việc tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về)… để phòng, chống dịch Covid-19…”, ông Hùng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.