Lối đi nào cho thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo học Chương trình GDPT 2006.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) ôn tập thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) ôn tập thi tốt nghiệp THPT.

Nếu không đỗ tốt nghiệp, thí sinh sẽ phải dự thi với khóa đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018. Điều này gây không ít lo lắng cho một bộ phận phụ huynh – học sinh thế hệ “chuyển giao” giữa hai chương trình.

Không quá phức tạp

Thầy Phan Quốc Duy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), so sánh: Học sinh học Chương trình GDPT 2006 hiện nay thi tốt nghiệp với 3 bài thi bắt buộc gồm có: Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 2 bài tổ hợp tự chọn: Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và bài thi Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh thi 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Các môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Các môn học tự chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học - Công nghệ.

“Từ năm 2025, với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nếu thi lại sẽ thi theo Chương trình GDPT 2018. Thuận lợi là các môn thi theo chương trình mới hầu hết đều có trong chương trình 2006, trừ môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Do vậy, thí sinh cần bổ trợ thêm một số kiến thức mới ở Chương trình 2018, tham khảo kỹ đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố”, thầy Duy nhận xét.

Trong khi đó, thầy Phạm Đình Kha, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), cho rằng, ngoại trừ một số môn mới học như Giáo dục Kinh tế và Pháp luật thì lượng kiến thức phổ thông giữa hai chương trình học có nhiều nội dung cơ bản, không quá khác biệt; chủ yếu khác về phương pháp tiếp cận kiến thức, cách đánh giá, khả năng vận dụng kiến thức… Vì vậy, những thí sinh đã hoàn thành lớp 12 Chương trình GDPT 2006 chỉ cần bổ túc, hệ thống lại kiến thức môn học chỉ từ 2 - 3 buổi là có thể cùng tham gia dự thi với học sinh Chương trình GDPT 2018.

Theo thầy Phạm Đình Kha, hiện các trường THPT đều có một lượng thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhất định. Mỗi trường sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 đều xây dựng kế hoạch ôn tập từ 2 - 4 tuần để đáp ứng nội dung của Kỳ thi tốt nghiệp THPT yêu cầu.

“Thí sinh tự do, nếu có nhu cầu, đều có thể tham gia ôn tập tất cả môn học hoặc một vài môn cùng với học sinh lớp 12 của nhà trường. Là thành viên trong lớp, các em được hỗ trợ đề cương ôn tập, đề tham khảo, hoàn thành bài tập được giao, điểm danh… như học sinh khác”, thầy Kha thông tin.

Trong khi đó, cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, nêu thực tế của những năm chuyển giao từ chương trình giáo dục cũ và mới, thường những thí sinh tự do đều tự xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp.

“Dù chủ trương của Sở GD&ĐT là các trường hỗ trợ ôn tập cho thí sinh tự do nếu các em có nhu cầu. Nhưng trên thực tế, rất ít em liên hệ với trường để đăng ký ôn tập. Có thể các em chỉ dự thi 1 - 2 môn trong tổ hợp môn xét tuyển hoặc dự thi tất cả môn để xét tốt nghiệp nhưng đều đã có kế hoạch học ôn từ sớm”, cô Vân nhận xét.

Tổ hỗ trợ của Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến.

Tổ hỗ trợ của Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến.

Sớm có ngân hàng đề tham khảo của chương trình mới

Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) hàng năm có từ 20 - 25% học sinh lớp 12 không đỗ tốt nghiệp, tương đương với khoảng 20 em. Thầy Nguyễn Hữu Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Số học sinh không đỗ tốt nghiệp của kỳ thi năm nay sẽ trở thành thí sinh tự do nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT tại trường vào những năm tới. Trong giai đoạn ôn tập sau khi đã hoàn thành chương trình lớp 12, nhà trường thường tiếp nhận khoảng 3 - 5 em cùng tham gia ôn thi với khóa sau”.

Ngoài ra, số thí sinh tự do của nhà trường chủ yếu đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, không thể cùng tham gia ôn tập theo lịch học của trường. Với những thí sinh này, nhà trường đều hỗ trợ gửi đề cương ôn tập, đề thi tham khảo… nếu các em có nhu cầu.

Thầy Thịnh cho rằng, các trường đều có khả năng tiếp nhận bổ trợ kiến thức cho học sinh Chương trình GDPT 2006 để tham gia dự thi tốt nghiệp theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Việc bổ trợ là cần thiết để thí sinh có thể hệ thống lại các kiến thức cũng như cách vận dụng kiến thức vì một trong những thay đổi căn bản của Chương trình GDPT 2018 là chú trọng đánh giá năng lực học sinh hơn là kiểm tra kiến thức nên cấu trúc đề thi chắc sẽ có một số thay đổi so với hiện nay. Thời gian và hình thức hỗ trợ thí sinh tự do bổ trợ kiến thức có thể tùy vào từng môn học cụ thể.

Ở một hướng khác, thầy Phan Quốc Duy kiến nghị, sau khi có thông tư chính thức liên quan đến thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD&ĐT nên công bố đề thi minh họa sớm nhất có thể. Cũng có cùng quan điểm như vậy, thầy Nguyễn Hữu Thịnh cho rằng, ngay từ tháng 10/2024, Bộ có thể công bố đợt 1 đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 để làm tài liệu tham khảo cho thí sinh “chuyển giao” giữa hai chương trình có thời gian tự học, bổ túc kiến thức phù hợp.

Theo thầy Phạm Đình Kha, với thí sinh sinh năm 2006 không đỗ tốt nghiệp, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường THPT có những hỗ trợ cần thiết trong ôn tập, bổ trợ kiến thức để đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp chung với lứa thi năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ