Hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn bằng công nghệ hiện đại, chất lượng cao là sản phẩm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tạo ra nguồn nước sạch uống ngay với giá thành rẻ.
Lọc nước nhiễm phèn công suất cao
PGS.TS Vũ Đức Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) cho biết, hệ thống lọc nước nhiễm phèn được nghiên cứu và phát triển chung bởi VKIST và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.
Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến ngày càng phức tạp. Các nguồn nước nhiễm phèn và mặn với hàm lượng khác nhau, nhất là vào mùa khô. Bên cạnh đó, phèn sắt và phèn nhôm cũng là vấn đề lớn trong việc xử lý, cung cấp nước sạch cho người dân.
Do đặc thù ở khu vực này, phèn sắt và nhôm (tồn tại ở dạng phèn humic và fulvic), khó có thể loại bỏ bằng phương pháp thông thường. Các công nghệ lọc màng có thể đáp ứng được yêu cầu nước sạch tuy nhiên chi phí vận hành và bảo dưỡng rất lớn, do màng lọc thường xuyên phải thay thế.
Công nghệ lọc nước nhiễm phèn và nhiễm mặn đã được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) cùng nghiên cứu từ năm 2021.
Trải qua quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn khác nhau tại Đồng bằng sông Cửu Long, cuối năm 2023, VKIST đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ này bằng việc tích hợp hệ thống keo tụ, lắng, kết hợp hệ vi lọc, hệ lọc RO; khử khuẩn bằng đèn UV trước khi đưa vào bình chứa nước sạch để sử dụng.
Toàn bộ hệ thống được thiết kế trong container 20 feet, dễ dàng di chuyển, bảo đảm tính di động, đáp ứng nhu cầu cấp nước ăn, uống cho trường học, cụm dân cư, các cơ quan công sở và khu công nghiệp. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, hệ thống được thiết kế thông minh, chế độ vận hành tự động, dễ sử dụng. Hệ thống xử lý nước phèn, nước lợ thành nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo Quy chuẩn của Bộ Y tế, với công suất 12 khối/ngày đêm.
Công nghệ ban đầu đã được triển khai thử nghiệm tại Trường Tiểu học Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vào tháng 7/2022. Hệ thống vận hành ổn định và cung cấp nước cho trên 500 học sinh.
Tuy nhiên, hệ thống vận hành chưa thông minh, modul điện mặt trời phải lắp riêng, chưa tích hợp. Do đó công suất tối đa chỉ đạt 5 khối/ngày đêm và chi phí vận hành để sản xuất 1 khối nước sạch khoảng 1.800 đồng.
Tạo nguồn nước uống dồi dào cho học sinh
PGS.TS Vũ Đức Lợi cho biết, đến cuối năm 2023, modul điện mặt trời đã được tích hợp trong hệ thống xử lý, chế độ vận hành tự động, được thiết kế thông minh, công suất xử lý của hệ thống đạt 12 khối/ngày đêm và dễ sử dụng.
Ngoài ra, còn có chế độ tái sử dụng nước thải của quá trình lọc RO cho vệ sinh công cộng. Nhờ quá trình tối ưu hóa này, chi phí vận hành để sản xuất 1 khối nước sạch đã giảm xuống 1.400 đồng.
Hệ thống lọc nước này vừa được lắp đặt tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Hệ thống được đấu nối với nguồn nước máy để sản xuất ra nước sạch cho học sinh, giáo viên nhà trường uống hàng ngày.
Đây là hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn thứ 3 (sau tối ưu hóa) được lắp đặt tại miền Tây, sau tỉnh Bến Tre. “Chúng tôi mong muốn công nghệ mới này được chuyển giao, sử dụng rộng rãi ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm góp phần thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn”, TS Lợi nói.
Ông Trần Sung - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trần Đề cho biết, trường có gần 300 học sinh theo học với 8 lớp từ lớp 6 - 9 cùng 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hiện tất cả học sinh đều ở nội trú nên nhu cầu sử dụng nước uống khá lớn.
Năm 2018, khi trường được đưa vào hoạt động cũng được lắp đặt máy lọc nước cho các em sử dụng. Tuy nhiên sau một thời gian máy bị hư hỏng nhiều lần, phải sửa chữa với kinh phí lớn nhưng hiệu quả không lâu dài.
“Học sinh phải mua nước bình loại 5 - 20 lít để uống hàng ngày, khá tốn kém. Vì thế, việc được hỗ trợ hệ thống máy lọc nước hiện đại, công suất lớn, vận hành bằng năng lượng mặt trời giúp ích cho học sinh rất nhiều trong việc giải quyết nhu cầu nước uống hàng ngày, đỡ tốn kém cho phụ huynh, nhà trường tiết kiệm được chi phí tiền điện vận hành”, ông Sung nói.
PGS.TS Vũ Đức Lợi cho biết, các hệ thống cấp nước này sẽ được lắp đặt tại tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2024.