Lộc biển đầu xuân

GD&TĐ - Đến biển Cửa Tùng, Cửa Việt… (Quảng Trị) những ngày sau Tết Nguyên đán, chúng tôi thấy niềm vui ánh lên trên khuôn mặt của nhiều ngư dân khi hàng loạt tàu đánh bắt của họ đã vươn khơi khai thác thủy hải sản ở ngư trường vịnh Bắc Bộ trở về đầy ắp khoang thuyền cá cơm, cá thu, cá ngừ, cá khoai, cá bớp… 

Lộc biển đầu xuân

Đã qua những ngày biển Đông không yên ả, nay dường như, mẹ thiên nhiên lại trở về sau giông tố, chắt chiu từng dòng sữa ngọt để nuôi sống ngư dân.

Những dự cảm tốt lành…

Cảng cá Cửa Việt, “khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” thật đông vui, lao xao tiếng nói cười của thương lái và người thân của các ngư dân đang đón đợi từng con thuyền cập bến. Nắng sớm nhuộm lên những mẻ cá cơm, cá thu, cá ngừ… lóng lánh như niềm vui của những con người miền biển thu được nhiều thành quả sau một chuyến ra khơi đầy gian khó. Những mẻ cá bắt đầu được chuyển lên bờ để sau đó tỏa đi khắp các vùng, miền.

Những ngày qua, rất nhiều ngư dân các vùng biển bãi ngang dọc suốt 75km đường bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã “trúng đậm”. Biển được mùa, lại bán được giá cao do người tiêu dùng đã bắt đầu sử dụng lại hải sản khiến ngư dân càng yên tâm, phấn khởi vươn khơi, bám biển. Theo quan niệm của dân làng biển, chuyến ra khơi đầu năm được mùa thì cả năm sẽ làm ăn khấm khá, thuận buồm xuôi gió.

Ông Võ Huynh, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ số hiệu QT 90019 (Cửa Việt) hồ hởi: “Đây là mùa cao điểm đánh bắt cá thu bằng lưới rê bùng nhùng, nhưng mùa này ra biển thường gặp sóng to, gió lớn nên tàu phải có công suất lớn mới bám trụ được dài ngày trên biển.

Gia đình tôi vừa rồi đã đầu tư gần chục tỷ đồng để cải hoán, nâng công suất lên 1.200 CV với chiều dài thân tàu là 23 m, chiều rộng 6,5 m. Bây giờ sóng to, gió lớn không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Mới 2 chuyến biển (mỗi chuyến kéo dài từ 15 - 20 ngày) sau khi cải hoán, nâng cấp và hạ thủy, tàu gia đình tôi thu về trên 500 triệu đồng từ tiền bán cá thu, cá ngừ…”.

Ông Mai Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt - cho biết, trong năm 2016, dù xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng đánh bắt thủy hải sản của địa phương, tuy nhiên thị trấn luôn khuyến khích, động viên ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để bám biển đánh bắt thủy hải sản; đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền cũng như mua sắm ngư lưới cụ hiện đại để khai thác xa bờ; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân; các dịch vụ hậu cần nghề cá tiếp tục được đầu tư, nâng cấp như đội tàu thuyền cung ứng đá lạnh, dầu, lương thực, thực phẩm cho tàu đánh bắt xa bờ…

Cũng trong năm 2016, trên địa bàn thị trấn Cửa Việt đã có 12 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn (7 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ thép) được đóng mới, hoàn thành, đưa vào sử dụng; 31 hồ sơ nâng cấp, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ đang được gấp rút triển khai. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy hải sản của thị trấn Cửa Việt đạt 6.371,7 tấn (tăng 721,7 tấn so với kế hoạch năm) trong đó cá, mực xuất khẩu 1.400 tấn. Các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản trên địa bàn thị trấn đã thu mua 5.232 tấn thủy hải sản góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm thủy hải sản đánh bắt được.

Niềm vui biển hồi sinh

Chiều về trên bến cảng Cửa Tùng, tiếng cười nói át cả tiếng sóng biển ầm ào. Đã gần 10 tháng kể từ sự cố môi trường biển, người dân mới lại thấy những chiếc thuyền nhỏ dưới 20 CV, đánh bắt ven bờ ra khơi trở về trong không khí phấn khởi như thế. Khi những khoang thuyền đầy ắp cá cơm cập bến, các tiểu thương, các chủ cơ sở chế biến đã đợi sẵn để thu mua lại, nhanh chóng đưa vào lò hấp để sơ chế phơi khô.

Chị Nguyễn Thị Dỉu, chủ cơ sở chế biến tại Cửa Tùng phấn khởi khoe: “Giờ, hàng chục lao động của gia đình tôi đang tất bật vận chuyển cá từ tàu lên bờ, rồi kỳ công lọc rửa trước khi đưa vào lò hấp. Lộc biển đầu xuân được như thế này là mừng vui, khí thế lắm rồi”.

Hòa vào không khí đó, chúng tôi thấy nhiều tiểu thương thu mua lẻ cũng với đầy đủ rổ, sọt chờ sẵn ở bờ, đón chiếc thuyền tiếp theo chở đầy cá khoai. Đầu năm cũng là lúc vào mùa cá khoai, loại hải sản mà người dân Quảng Trị luôn ưa chuộng để chế biến những món canh, món lẩu đặc biệt.

Chị Trần Thị Trang, một tiểu thương chia sẻ: “Vì là mẻ cá đầu tiên trong ngày nên giá đắt hẳn, 70.000 đồng/kg, như vậy, chỉ cần nửa ngày ra biển với 30kg cá khoai, mỗi thuyền đã thu về bạc triệu. Nhưng vì đây là loại cá luôn được người dân ưa chuộng, lại là đầu năm nên chúng tôi đều thuận mua vừa bán, không trả giá, không cò kè mong một năm làm ăn suôn sẻ”.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Trị có 2.829 tàu thuyền lắp máy và không lắp máy hoạt động đánh bắt xa bờ và vùng ven biển. Hầu hết tàu đánh bắt xa bờ đều có công suất lớn và được trang bị nhiều ngư cụ hiện đại như ra đa hàng hải, máy tầm ngư, máy định dạng lưới, bộ đàm, E com, máy thu lưới rê bùng nhùng… đánh bắt được cả cá tầng nổi và cá tầng đáy.

Được biết, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ 20 CV đến dưới 90 CV lên công suất trên 90 CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90 CV trở lên được đảm bảo khai thác trung bờ và xa bờ. Song song việc nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, tỉnh cũng lên kế hoạch khôi phục và chuyển đổi nghề khai thác cá đáy, phát triển sinh kế thay thế một cách ổn định cho ngư dân vùng biển.

Trở về từ những chuyến biển đầu năm, niềm vui của ngư dân không giản đơn gói gọn sự ấm no bằng khoang thuyền đầy cá. Với họ, được rẽ sóng vươn khơi trên vùng biển quê hương còn là niềm tự hào để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua đã làm nguồn lợi thủy sản và môi trường vùng ven biển miền Trung suy giảm cạn kiệt. Vì vậy, những tín hiệu khả quan của những chuyến biển đầu năm mới mang đến những dự cảm tốt lành. Từ biển trở về khi trên mình còn vương mùi cá, chúng tôi ai nấy đều hân hoan, một năm đầy may mắn và bội thu của bà con ngư dân đang đến. Nói một cách trìu mến hơn, mùa xuân này, là sự trở về đầy thân thương của mẹ biển sau nhiều mong nhớ của đàn con...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.