Hạn chế được thí sinh ảo
Đồng tình với đề xuất của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh – cho rằng: Giải pháp này sẽ giúp công tác tuyển sinh được gọn nhẹ, hạn chế được thí sinh ảo. Hệ thống của Bộ sẽ xử lý thứ tự nguyện vọng, thông qua đó lọc ảo, sắp xếp các thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao hơn.
Nhắc lại, những năm trước, chúng ta chỉ lọc ảo với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, TS Nguyên Công Hào - Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên (ĐH Huế) – nêu quan điểm: Chúng ta có thể xây dựng hệ thống lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, các trường phải tuân thủ nguyên tắc cập nhật dữ liệu vào phần mềm xét tuyển, lọc ảo chung. Đặc biệt, cần có sự phối hợp, vào cuộc của các sở GD&ĐT trong việc cập nhật dữ liệu liên quan đến kết quả học tập của thí sinh. Dù khó, nhưng không phải là không làm được, quan trọng là chúng ta có đủ quyết tâm để làm.
Tán thành với phương án lọc ảo chung, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – nhìn nhận: Nếu thực hiện sẽ tránh được phiền toái cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn chạy phần mềm lọc ảo đối với nhóm trường đại học khu vực phía Bắc. Nếu đưa tất cả phương thức xét tuyển cùng lọc ảo thì Bộ GD&ĐT cần yêu cầu các trường đại học không được xét tuyển các phương thức riêng trước. Điều này không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh, vì trường đại học được quyết định phương thức xét tuyển, còn Bộ quyết định chương trình kế hoạch để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự đoán, nếu áp dụng phương án trên sẽ có một số trường phản đối vì cho rằng ảnh hưởng đến quyền tự chủ. “Chúng tôi cũng có phương thức xét tuyển tài năng hay kết quả bài thi đánh giá năng lực, nhưng việc đưa lên hệ thống lọc ảo chung không có gì khó khăn, chỉ là điều chỉnh về mặt kỹ thuật” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nói.
Không làm thay nhiệm vụ xét tuyển
Trước ý kiến lo ngại về tình trạng quá tải cho hệ thống nếu áp dụng phương án lọc ảo trên, theo đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý nguyện vọng, lọc ảo dựa trên nguyên tắc rất đơn giản. Hệ thống sẽ tăng tải dữ liệu, còn các trường vẫn xét tuyển theo cách thức của mình và tự chủ xét tuyển. Hệ thống của Bộ làm công việc xử lý thứ tự nguyện vọng, thông qua đó để lọc ảo, sắp xếp các thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao hơn.
Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến đối với các phương thức xét tuyển của cơ sở đào tạo. Tất cả thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo các phương thức bằng hình thức trực tuyến trên phần mềm và sẽ được cấp một mã định danh theo số căn cước công dân của các em. Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh phải tải dữ liệu hồ sơ minh chứng về đối tượng ưu tiên lên hệ thống.
Đối với một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, thí sinh thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển cho cơ sở đào tạo nếu có yêu cầu (thực hiện theo quy trình của trường), đồng thời đăng ký nguyện vọng trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Hết thời hạn đăng ký, các trường trích xuất dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình để xét tuyển, sau đó cập nhật lại lên hệ thống dữ liệu thí sinh trúng tuyển. Phần mềm của Bộ sẽ lọc ảo chung toàn hệ thống trong đợt 1.
Lưu ý, phần mềm chỉ hỗ trợ lọc ảo và không làm thay nhiệm vụ xét tuyển của nhà trường. Các trường đại học chủ động thực hiện công tác xét tuyển, hoặc phối hợp thành nhóm trường trong công tác chạy phần mềm xét tuyển. Với phương thức xét tuyển dựa trên điểm học bạ, có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ. Sau thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng, các trường sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ của thí sinh về để xét tuyển, sau đó tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ để lọc ảo cùng với các phương thức khác.
Với phương thức xét tuyển khác học bạ hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn, cần một hệ thống riêng, cơ sở đào tạo phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường, đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ để lọc ảo cùng với các phương thức khác.