Loay hoay tìm lối thoát

GD&TĐ - Nghiên cứu triển khai là lĩnh vực khá mới và chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, hoạch định chính sách.

Loay hoay tìm lối thoát

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều chủ trương, chính sách hay những thử nghiệm, can thiệp dù được chứng minh hiệu quả nhưng vẫn không thể áp dụng vào thực tế cuộc sống. Nguyên nhân do không lường trước được những thách thức phải đối diện trong quá trình thực hiện.

Hay cũng thành dở khi chính sách chỉ nằm trên giấy

Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu (EENC) là một tập hợp các can thiệp đã được chứng minh hiệu quả và được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hiện nhằm cải thiện sức khỏe, giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Ở nước ta, Bộ Y tế cũng ban hành quy trình trên cho ca đẻ thường từ năm 2014 và cho thai phụ mổ đẻ từ năm 2016 ở tất cả cơ sở y tế. Theo quy định trên, các khoa sản và bệnh viện sản thực hiện cho trẻ sơ sinh được da kề da với mẹ sau sinh càng sớm càng tốt, thực hiện lau khô, cắt rốn chậm và bú sớm. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn, vẫn còn nhiều bệnh viện chưa áp dụng quy trình trên với ca sinh mổ.

Điển hình như tại Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên, khảo sát của nhóm nghiên cứu triển khai cho thấy lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự đồng thuận về những lợi ích của EENC mang lại, chưa tin vào tính khả thi của EENC trong mổ đẻ. Cùng với đó là những rào cản được lãnh đạo bệnh viện đưa ra như nhân lực, thiếu sự phối hợp giữa nhân viên khoa sản, khoa nhi sơ sinh và phòng mổ. Hay nhân viên không đủ kiến thức và kỹ năng thực hành quy trình EENC, thiếu trang thiết bị, vật tư cần thiết để thực hiện. Yếu tố không kém phần quan trọng khác là hầu hết bà mẹ, thành viên trong gia đình không biết đến quy trình này, không hiểu lợi ích cũng như khả năng hợp tác.

Còn tại Bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện sản lớn thứ 2 tại TPHCM sau Bệnh viện Từ Dũ, thống kê cho thấy số ca sinh mổ chiếm 40% tổng số ca sinh tại đây. Thực hiện quy định của Bộ Y tế, việc cho con bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh được thực hiện từ lâu với các sản phụ sinh thường. Còn với các bà mẹ sinh mổ, vì nhiều lý do nên số trẻ được da kề da, được bú mẹ sớm không nhiều. Theo ThS Lê Thị Quỳnh Nhi (Trường ĐH Y Dược TPHCM), kết quả nghiên cứu định lượng trên 310 bà mẹ sinh mổ, có 63% bà mẹ thực hiện da kề da và chỉ có 8% trẻ được bú mẹ sớm trong 1 giờ đầu sau sinh.

Nguyên nhân do sức khỏe mẹ không tốt sau ca mổ, trẻ cần sự chăm sóc đặc biệt và thiếu tủ đồ, thiếu nhân lực. Bên cạnh đó còn rào cản liên quan đến nhân viên y tế. “Có 96% nhân viên y tế có kiến thức đúng nhưng việc tư vấn cho sản phụ không được như kỳ vọng do họ thiếu nhóm kiến thức sâu về cơ chế tiết sữa, những bệnh có thể truyền qua sữa mẹ. Rồi việc thiếu nhân lực nên những ca sinh đêm thường ít nhận được sự tư vấn trong việc cho trẻ tiếp xúc sớm với mẹ…” - ThS Nhi cho biết.

ThS Trần Chí Thành đến từ ĐH Y Hà Nội, là người thực hiện nghiên cứu triển khai để làm rõ việc thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm cho người HIV và người sử dụng dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS. Theo ThS Thành, những vấn đề trên được quy định trong Thông tư 15 của Bộ Y tế. Thông tư này ra đời từ năm 2015, cho đến nay chưa có thông tư thay thế cũng không bị dừng lại nhưng lại không được triển khai ở hầu hết các cơ sở y tế. Khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, việc hướng dẫn triển khai thông tư không rõ ràng, các văn bản pháp lý chưa hoàn thiện và bệnh viện cũng không có kế hoạch triển khai thông tư. Về phía bệnh nhân không biết đến quy định trên. Hơn nữa, phần lớn bệnh nhân không có bảo hiểm y tế bắt buộc và không đủ khả năng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện…

Làm sao để hiện thực hóa

Tại Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên, theo chia sẻ của nhân viên y tế, khoa sản có 2 phòng mổ, có ngày thực hiện tới 10 - 15 ca thì lấy đâu ra thời gian để thực hiện EENC cho mẹ và bé. Tương tự, tại Bệnh viện Hùng Vương, việc thiếu tủ để đồ cho sản phụ và người nhà, thiếu nhân viên hỗ trợ khiến cho việc thực hiện cho bé bú sớm gặp khó khăn do không có người hỗ trợ sản phụ.

Giải quyết rào cản trên, bác sĩ Đinh Quan Tuấn cùng lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên tham quan, học tập mô hình tại Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng, thành lập nhóm nòng cốt thực hiện EENC để tập huấn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời truyền thông tại tất cả khu vực sảnh chờ trong bệnh viện, mở lớp học tiền sản cho thai phụ và người nhà…

Kết quả, dù thời gian tiếp xúc không nhiều nhưng số trẻ được mẹ ôm sau khi chào đời trong nhóm sinh mổ tăng từ 21,9% lên 95,4%. Số trẻ được cắt rốn chậm ở mức 94,6% thay vì 41% so với trước khi can thiệp. Trẻ được bú sớm cũng tăng hơn 10%. Nhờ vậy, số trẻ phải nhập đơn nguyên sơ sinh để theo dõi sức khỏe giảm từ 2,8% xuống còn 1,1%.

Tìm được điểm yếu, nhóm nghiên cứu triển khai của ThS Lê Thị Quỳnh Nhi đã có những can thiệp với bệnh viện để tập huấn cho nhân viên y tế trong việc hỗ trợ trẻ bú mẹ sớm. Mặt khác, nhóm cũng đề xuất cho sinh viên của trường thực hiện tư vấn cho bà mẹ việc ôm con và cho con bú sớm. Sau 3 tháng, có 66% trong tổng số 498 bà mẹ sinh mổ thực hiện da kề da và 18% mẹ cho con bú sớm. “Những con số trên không có ý nghĩa thống kê nhưng đủ để khích lệ nhóm tiếp tục triển khai chiến lược can thiệp của mình tại bệnh viện, để đem lại nhiều lợi ích cho bà mẹ và trẻ sơ sinh” - ThS Nhi chia sẻ.

Có nhiều chương trình, chiến lược, dự án khi xây dựng, thuyết minh được đánh giá rất hay, có ý nghĩa nhưng đi vào cuộc sống lại không như mong đợi. Nguyên nhân do chưa tìm được lối đi phù hợp. Do vậy phải thực hiện các nghiên cứu triển khai để biết rõ thuận lợi, thách thức là gì, hướng giải quyết ra sao. Điều này đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ giữa học thuật, nghiên cứu với triển khai, đặc biệt trong quá trình này người thụ hưởng dịch vụ phải là trọng tâm của mối quan hệ chính sách - nghiên cứu - triển khai.

TS Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.