Loay hoay tìm đầu ra cho rau an toàn

GD&TĐ - Thời gian qua, nỗi lo về thực phẩm bẩn được đẩy lên cao. Nhưng bên cạnh đó, tồn tại một nghịch lý, việc tiêu thụ rau an toàn (RAT) vẫn gặp nhiều khó khăn và đang loay hoay tìm đầu ra...

Việc mở rộng trồng tràn lan, thiếu quy hoạch khiến người tiêu dùng không khỏi e ngại về RAT
Việc mở rộng trồng tràn lan, thiếu quy hoạch khiến người tiêu dùng không khỏi e ngại về RAT

Mở rộng tràn lan

Ở nhiều địa phương, việc trồng RAT được xác định là hướng phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp người dân làm giàu. Năm 2018, xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã quy hoạch 30ha tại khu đồng Bãi Nổi để trồng rau, được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời mở các lớp tập huấn phòng trừ dịch hại tổng hợp, cách giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó tới nay, diện tích trồng RAT của xã đã lên tới 50ha.

Riêng huyện Gia Lâm (Hà Nội), diện tích trồng rau mỗi vụ lên tới 720ha, có vụ khoảng 900ha. Diện tích được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trồng rau là gần 398ha, diện tích được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 25ha.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, diện tích trồng RAT trên địa bàn thành phố tăng mạnh và nâng cao chất lượng rõ rệt. Diện tích trồng RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt hơn 5.000ha, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm ha trồng rau hữu cơ.

Không chỉ tại Hà Nội, RAT đã và đang được nhân rộng mô hình tại các tỉnh thành trên cả nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều năm qua, hầu hết các tỉnh thành đều triển khai các chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất RAT. Một số địa phương có diện tích trồng RAT lớn là Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang...

Đối với Vĩnh Phúc, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 120 cơ sở sản xuất RAT, với diện tích canh tác gần 900ha được ấp giấy chứng nhận, hơn 40 cơ sở sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại Bắc Giang, có đến 4,5 nghìn ha trồng RAT, đạt sản lượng khoảng 85 nghìn tấn/năm. Tại Thanh Hóa, có trên 90 vùng sản xuất RAT tập trung với diện tích khoảng 1700ha, trong đó có 400ha đã được cấp chứng nhận VietGAP. Có thể thấy rằng, việc đầu tư và phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất RAT đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn và góp phần khắc phục tình trạng bỏ đất nông nghiệp.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Khó khăn trong tiêu thụ

Mặc dù, việc trồng RAT đã góp phần mang lại thu nhập cho người dân, nhưng nhiều HTX, hộ sản xuất vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Không chỉ vậy, đa phần sản phẩm RAT vẫn tiêu thụ chủ yếu bằng hình thức bán lẻ thông thường, chưa có bao bì ghi rõ xuất xứ, giá bán khá cao và bị nghi ngờ chất lượng... nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn.

Theo khảo sát tại một số vùng trồng RAT tại Hà Nội, thị trường tiêu thụ rau sạch chưa thật sự sôi động. Bà Nguyễn Phương Lan, một người trồng RAT tại huyện Gia Lâm cho biết, khó khăn nhất vẫn là đầu ra, chủ yếu RAT được tiêu thụ qua thương lái. Do vậy, dù mang lại thu nhập nhưng đầu ra của RAT vẫn chưa thật sự ổn định.

Tại các địa phương khác, thị trường tiêu thụ vẫn là khó khăn chủ yếu trong sản xuất và phát triển nông sản an toàn. Thực tế cho thấy, sản phẩm ở các vùng sản xuất nông sản an toàn chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ ở địa phương. Bên cạnh đó, sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, việc đảm bảo đầu ra chưa hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT Hà Nội, việc sản xuất và bảo quản RAT có chi phí cao nên khó cạnh tranh với rau trên thị trường. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Muốn kéo doanh nghiệp vào đầu tư bài bản thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất đủ để hình thành những vùng trồng RAT áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn. PG. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng khẳng định, phần lớn đất nông nghiệp đang nằm trong tay nông dân nhưng họ không đủ nguồn lực đầu tư phát triển quy mô lớn.

Trước những thực tế đó, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, các cơ quan quản lý cùng phải vào cuộc. Theo đó, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT các tỉnh có thể làm trung gian giữa người nông dân với các đơn vị thu mua để hai bên gặp gỡ, kết nối. Ngoài ra, để giải quyết đầu ra cho rau sạch, cần làm tốt việc xây dựng được nguồn nguyên liệu rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng minh được đó thực sự là rau sạch, thông qua sự kiểm định thường xuyên của cơ quan chức năng. Sản phẩm đưa ra thị trường cũng cần phải dán nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ