Loạt cựu chủ tịch, bí thư tỉnh 'ngã ngựa': Bài học 'tự soi, tự sửa' của cán bộ

GD&TĐ - Những ngày qua, cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt “quan chức”, trong đó có cựu bí thư, chủ tịch cấp tỉnh, thành phố.

Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng). Ảnh: INT
Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng). Ảnh: INT

Đáng nói nhiều cựu lãnh đạo vướng vào vòng lao lý với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định của pháp luật, nhận hối lộ… Đó có thể coi là bài học đau xót để tiếp tục “tự soi, tự sửa” cho cán bộ.

“Vết trượt” của quyền lực

Hơn 20 ngày sau khi ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam đối với Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Theo đó, ngày 24/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã bắt ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Động thái này được đưa ra khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đang điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cụ thể, mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến Dự án Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Hành vi của ông Trần Đức Quận phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vì vậy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trần Đức Quận về tội danh nêu trên.

Ông Trần Đức Quận.

Ông Trần Đức Quận.

Trước đó (ngày 2/1), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ.

Cơ quan chức năng xác định, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng. Hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội Nhận hối lộ, quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hiện, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng, đảm bảo thu hồi triệt để cho Nhà nước.

Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 24/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh về tội Nhận hối lộ. Trước đó, ngày 19/1, cơ quan này đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh.

Cũng tại tỉnh Bắc Ninh, về công tác kỷ luật cán bộ, mới đây (ngày 12/1), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh họp xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm theo quy định.

Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh nhận thấy khuyết điểm, vi phạm của 4 cán bộ quản lý là ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Phong; ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; ông Đặng Công Toàn, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT thuộc Sở NN&PTNT đã chơi golf trong giờ hành chính.

Việc nhóm cán bộ này đi chơi golf trong giờ hành chính đã gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân các cán bộ nêu trên, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

Đáng nói, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh thi hành kỷ luật khiển trách và cho thôi chức vụ Giám đốc Sở NN&PTNT đối với ông Đặng Trần Trung. Thực hiện quy trình cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định với trường hợp của ông Trung.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh thi hành kỷ luật khiển trách với các cán bộ quản lý là ông Đặng Công Hưởng và ông Đặng Công Toàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Phong nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Bài học đau xót về công tác cán bộ

Ông Nguyễn Nhân Chiến.

Ông Nguyễn Nhân Chiến.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, việc cơ quan công an khởi tố bắt các cựu chủ tịch, bí thư cho thấy được sự nghiêm minh của pháp luật, xử lý vi phạm không có vùng cấm.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, đây có thể coi là một bài học đau xót về công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao ở vị trí đứng đầu Đảng, chính quyền của địa phương.

“Chúng ta có cả quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ (tuyển dụng, quy hoạch rồi bồi dưỡng, thực tiễn cơ sở...) vào vị trí cao mà vẫn bộc lộ hành vi thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng nói là lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ rồi gây hậu quả nghiêm trọng - đây là bài học đau xót cho chúng ta về công tác cán bộ, cán bộ lãnh đạo nhận hối lộ...”, đại biểu Lê Như Tiến bày tỏ.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng nhắc lại, không chỉ có Bắc Ninh mà ngay cả Thủ đô Hà Nội có đến hai cựu Chủ tịch thành phố đã phải chịu bản án nghiêm minh của pháp luật vì vi phạm pháp luật. Tương tự, cũng là bài học đau xót khi mà tỉnh Lâm Đồng có Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy đều bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam.

“Đó là bài học nhãn tiền cho cán bộ, đặc biệt cán bộ nguồn, cán bộ đang đương chức. Đồng thời cần phải xem lại quy trình bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ để tránh vi phạm tương tự…”, vị đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, dẫn đến vi phạm từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tự rèn luyện và tu dưỡng đạo đức đối với từng cán bộ để đồng tiền vật chất không làm “mờ mắt”.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng thêm cơ chế để chống vi phạm, không để cán bộ có cơ hội lợi dụng chức năng nhiệm vụ trục lợi. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp đối với cán bộ.

Trước đó (ngày 5/1/2024) tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 được coi là điểm sáng trong kết quả công tác của hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an nhân dân là chủ chốt, chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực.

Trung tướng Tô Ân Xô cũng nhấn mạnh, Bộ Công an luôn theo chủ trương “làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.