Trên một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Polynesia (lãnh thổ hải ngoại của Pháp), các cư dân đang ra sức bảo tồn loài vẹt lorikeet, hiện chỉ còn 1.500 cá thể trên thế giới, cải tạo môi trường sống giúp chúng thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Nguy cơ tuyệt chủng
Được biết với cái tên Ura, có nghĩa là màu đỏ, loài vẹt lorikeet đã từng phổ biến ở Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đến thế kỷ 18, chúng đã bị người Polynesia săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng.
Người ta ưa thích bộ lông màu đỏ của loài chim này, dùng làm áo choàng và mũ trùm đầu. Đến năm 1900, loài lorikeet chỉ còn sống sót trên đảo Rimatara, nhờ nữ vương của hòn đảo, Temaeva V, cấm săn bắt chim, giúp bảo tồn hiệu quả số lượng còn lại ổn định trong suốt thế kỷ 20.
Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, những con vẹt lorikeet đã phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng ở đảo Rimatara, khiến bầy đàn của chúng trên đảo từ 1.000 con vào năm 1992 giảm xuống còn khoảng 500 như hiện nay.
Năm 2007, trong nỗ lực tái lập quần thể lorikeet ở nơi khác, 27 con đã được di dời từ Rimatara đến đảo Atiu, thuộc quần đảo Cook. Dự án bảo tồn, được tổ chức bởi Hiệp hội bảo tồn Rima Ura, Tổ chức Di sản Tự nhiên đảo Cook, các đối tác quốc tế và chính phủ, đã mang lại những thành công đáng ghi nhận.
Ngày nay ở Atiu, quần thể lorikeet đã tăng lên ít nhất 400 con. Loài này cũng tồn tại với số lượng nhỏ trên một số đảo san hô thuộc quần đảo Kiribati. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển loài chim quý này cần có nhiều việc phải làm.
Mỗi ngày khi bình minh lên, Tiraha Mooroa, chuyên viên thuộc Hiệp hội bảo tồn Rima Ura, đều chạy bộ cùng với chú chó săn Koha quanh đảo. Nhiệm vụ của Koha là đánh hơi và tiêu diệt bất kỳ con chuột đen nào mà nó tìm thấy.
Giữ cho hòn đảo không có chuột là điều tối quan trọng. Bởi vì loài gặm nhấm xâm nhập từ thuyền và tàu chở hàng là mối đe dọa lớn nhất đối với các loài chim bản địa của quần đảo Thái Bình Dương. Chúng rất thành thạo trong việc tìm kiếm tổ và săn trứng chim.
Mooroa cho biết: “Mỗi khi tàu chở hàng đến, tôi đi cùng Koha kiểm tra mọi container chuyển vào bờ. Nếu nó ngửi thấy mùi của một con chuột, mọi người sẽ tạo một vòng tròn quanh container rồi mở nó ra… Koha sẽ thực hiện phần còn lại”.
Những nỗ lực của chú chó đã có kết quả. Trong số 118 đảo và đảo san hô ở Polynesia, Rimatara là một trong ba hòn đảo không có bóng chuột đen.
Nhà nghiên cứu môi trường Samuel Ravatua-Smith có nhiệm vụ quan sát tổ của vẹt lorikeet. |
Nỗ lực của cộng đồng
Rimatara, một hòn đảo nhỏ diện tích chỉ 8,6 km2 có những bãi cát trắng trải dài cùng với những hàng dừa xanh ngút mắt. Trên cánh đồng khoai sọ, trên biển báo, bến xe buýt và các ngôi nhà ở ba ngôi làng trên đảo đều mang hình ảnh biểu tượng và linh vật của hòn đảo: Vẹt lorikeet.
Trong khi viễn cảnh lũ chuột đen phát triển trên đảo, đồng nghĩa với thảm họa đối với vẹt lorikeet, cơ bản được giải quyết, các yếu tố khác như môi trường sống bị hủy hoại và bị tranh giành nơi làm tổ cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng của chúng ngày càng giảm.
Đứng dưới gốc một cái cây, nơi có một cặp lorikeet đang làm tổ, được gọi là “tổ số 12”, nhà nghiên cứu môi trường Samuel Ravatua-Smith chuyển một đoạn video mới từ camera giám sát tổ sang iPad của mình. Anh hy vọng có thể nhìn thấy hai con lorikeet mới nở.
Ravatua-Smith chủ trì một chương trình quan sát tổ chim do Rima Ura khởi động vào năm 2021 để hiểu rõ hơn về loài lorikeet và sự suy giảm bầy đàn của chúng.
Được tài trợ bởi Văn phòng An ninh Sinh học của Pháp, chương trình theo dõi và giám sát tất cả các tổ lorikeet trên đảo bằng camera, được kích hoạt khi có những chuyển động, theo dõi bất kỳ sự xâm nhập nào từ bên ngoài vào tổ.
Sau khi xem đoạn phim, anh nói vào iPad để ghi lại những quan sát của mình: “Các đoạn video ghi nhận, sau chuyến thăm của một con chim nhiệt đới đuôi trắng, hai con vẹt non không còn ở trong tổ nữa”.
Đó là một phát hiện quan trọng đưa Rima Ura tiến thêm một bước nữa để cứu loài lorikeet. Đoạn phim tiết lộ loài chim nhiệt đới đuôi trắng có thể đang nhắm mục tiêu và chiếm lấy tổ lorikeet vì môi trường sống của chính chúng đang bị mất.
Ravatua-Smith và Caroline Blanvillain, người sáng lập tổ chức Rima Ura tin rằng mất môi trường sống là lý do chính cho sự suy giảm bầy đàn nghiêm trọng của loài lorikeet trên Rimatara.
Từ năm 2006 đến năm 2008, một sân bay, một đường băng và các phòng nghỉ dành cho khách du lịch đầu tiên đã hình thành trên đảo, việc xây dựng đã phát hoang những vùng đất rộng lớn.
Năm nay, gần 100 ngôi nhà mới sẽ được xây dựng từ sáng kiến mới của chính phủ nhằm cung cấp đất và nhà ở cho những cư dân có nhu cầu. Việc dọn sạch và xây dựng có thể bao phủ hơn một nửa hòn đảo.
Để giảm thiểu tác động của việc mất môi trường sống của loài chim, tổ chức Rima Ura đã hướng dẫn cư dân Rimatara cách giúp bảo vệ vẹt lorikeet, chẳng hạn như khuyến khích người dân địa phương trồng nhiều cây ăn quả xung quanh nhà của họ.
Hiệp hội đã phát triển một sáng kiến cộng đồng có sự tham gia của hơn 400 thành viên - khoảng một nửa dân số của hòn đảo. Họ theo dõi, đánh dấu những cây mà chim làm tổ và trồng những cây thân thiện với loài lorikeet trên vùng đồi cao không người ở của hòn đảo.
Tehio Pererina, một giáo viên 62 tuổi và là Chủ tịch của Rima Ura, rất tự hào về công việc mà nhóm làm được. Bà nói: “Trước đây, tôi không có tình yêu với cây cối, thiên nhiên. Chỉ đến khi tôi trở thành một phần của Rima Ura thì tất cả mới thay đổi. Tôi có trách nhiệm phải làm điều gì đó nhiều hơn nữa, làm việc từ trái tim”.