Ngày 3/4, UBND huyện Đông Anh có báo cáo số 187 về việc nghi học sinh trường Tiểu học Hải Bối bị dị ứng sau khi nhà trường chủ động phun chế phẩm diệt muỗi phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Theo báo cáo, chiều thứ Bảy (30/3) và sáng Chủ nhật (31/3), Trường Tiểu học Hải Bối tổ chức phun chế phẩm diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, có sự giám sát của đại diện Ban Giám hiệu.
Nhà trường sử dụng loại thuốc có thương hiệu Icon 10CS loại 1.000ml/chai; số lô: BSN2K2770, ngày sản xuất: 27/11/2022, hạn sử dụng: 27/11/2024, nhà sản xuất: Syngenta - Vương Quốc Bỉ.
Ngày 1/4, sau khi đến trường, một số học sinh có biểu hiện ngứa da mặt, nóng rát nhẹ vùng mắt, phát ban, nổi mề đay. Nhân viên y tế nhà trường xử trí ban đầu để giảm các triệu chứng dị ứng và báo cáo nhà trường xử lý vụ việc.
Trong sáng 2/4, nhà trường thực hiện tổng vệ sinh môi trường, lớp, đồ dùng học tập, bàn ghế và khuôn viên.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Đông Anh giao Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ nhà trường xử lý vụ việc; đồng thời thăm hỏi, động viên học sinh bị dị ứng.
Trước đó, Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của chị H.T. có con đang theo học lớp 3 tại Trường Tiểu học Hải Bối cho biết, chiều 1/4, khi đang đi làm, chị T. bất ngờ nhận được điện thoại của con trai, thông báo rằng con đang bị mẩn ngứa, đau mắt và có dấu hiệu dị ứng nặng sau khi lên lớp học.
Con chị T. cho biết, ở trường có nhiều anh, chị, bạn bè các lớp khác cũng có hiện tượng tương tự.
"Nhiều học sinh đã xin về ngay trong tiết học, riêng lớp cháu theo học hầu hết đều xuất hiện tình trạng dị ứng với các biểu hiện phổ biến như rát mũi, sưng mẩn đỏ vùng má và quanh mũi, môi cũng như các vùng da quanh mắt", chị T. cho hay.
Cũng theo chị T., sau khi nắm thông tin, chị cùng một số phụ huynh trong lớp đã liên hệ ngay với giáo viên chủ nhiệm.
Liên quan vụ việc, đại diện các phụ huynh bày tỏ mong muốn và yêu cầu làm rõ việc nhà trường đã sử dụng loại thuốc muỗi cụ thể thế nào, với liều lượng ra sao?
“Chúng tôi cần câu trả lời tại sao ngay sau khi nhiều học sinh có biểu hiện dị ứng, nhà trường vẫn duy trì lớp học cho đến khi nhiều trẻ về nhà mới phổ biến biện pháp phòng, chống các triệu chứng trên mà không thông báo ngay lúc phát hiện sự việc”, một phụ huynh đặt câu hỏi.
Liên quan sự việc trên, một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội cho hay, thông thường các trường học phun thuốc vào 2 đợt: Hè và sau Tết Nguyên đán.
Thứ nhất, là thời gian cuối hè và đầu khai giảng, học sinh vẫn chưa đi học nên rất an toàn.
Đợt 2 là giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Thời gian này, tiết trời sang Xuân, nhiều muỗi và các trường tranh thủ thời gian nghỉ Tết, nên việc phun thuốc sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh.
Trường hợp thứ 3, nếu khu vực đó đang bị uy hiếp về mầm bệnh, cần phun thuốc gấp, nhà trường có thể phun thuốc, sau đó vệ sinh sạch sẽ, sẽ không có tình trạng ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh.
Hoặc nhà trường cẩn thận hơn, cũng có thể xin các cơ quan quản lý nghỉ thêm 1 ngày để đảm bảo an toàn.