Suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần ngủ đông trong cái lạnh băng giá từ âm 9 đến 18 độ C, 60% cơ thể của loài ếch kỳ lạ này được cho là đóng băng toàn bộ. Thậm chí, nó ngưng thở hoàn toàn và tim cũng ngừng đập. Các quá trình vật lý như hoạt động trao đổi chất, tiêu hóa và thải chất cũng tạm dừng lại.
“Nếu xét trên phương diện sinh học và vật lý thì rõ ràng loài ếch này thật sự chết đi vào mùa đông”, một nghiên cứu sinh ở Fairbanks, Alaska cho biết. Thế nhưng sau đó, vào mùa xuân, khi nhiệt độ ngoài trời ấm áp và không khí dễ chịu hơn, loài ếch sẽ “sống lại”, hoạt động bình thường như chưa từng “chết đi”.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, lý do của hiện tượng “chết đi trong mùa đông” vô cùng đặc biệt này là do các chất bảo quản lạnh trong mô của loài ếch gỗ Alaska có nồng độ rất cao. Các chất này, bao gồm glu-cô-sơ và u-rê, làm giảm nhiệt độ đông cứng của các tế bào trong cơ thể ếch, giúp nó sống sót mà như đã chết.
Không những vậy, chúng còn có công dụng “thần kỳ”, giúp ếch chống lại quá trình co rút tế bào do thiếu nước vào mùa đông, đồng thời giảm thiểu đối gia lượng băng hình thành bên trong cơ thể.
Điều may mắn là nhờ nghiên cứu hiện tượng độc nhất vô nhị từ loài ếch gỗ Alaska, các nhà khoa học đã tìm ra cách làm đông lạnh cũng như rã đông các cơ quan và mô sống trong cơ thể con người mà không gây tổn hại cho chúng. Đây là một thành tựu có ý nghĩa to lớn đối với lĩnh vực y học cấy ghép nội tạng.