Lộ trình từng bước nới lỏng giãn cách xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Từ 0 giờ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng nay (30/9), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM đã tổ chức họp cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. 

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TP HCM "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố". 

Theo đó, từ 0 giờ ngày 1/10, TP HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".

Người dân không tự ý di chuyển ra khỏi Thành phố bằng phương tiện cá nhân. Người lao động muốn quay trở lại sẽ theo quy trình đưa đón về.

Thành phố không mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Mục tiêu của lộ trình là ưu tiên mở rộng hoạt động sản xuất sau đó mới tới các hoạt động khác.

Về di chuyển, sau ngày 30/9, mặc dù không còn các chốt chặn nhưng vẫn có các chốt kiểm tra lưu động để hạn chế các lưu thông không cần thiết.

Người dân khi tham gia lưu thông trên địa bàn Thành phố cần sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin cho đến khi ứng dụng PC- Covid chính thức đi vào hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Trung Trinh – Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ có lộ trình chuyển dần kho dữ liệu từ ứng dụng Y tế HCM vào ứng dụng PC-Covid.

Khi PC-Covid chính thức hoạt động, người dân chỉ cần sử dụng đúng tài khoản đã đăng ký trong ứng dụng Y tế HCM.

Trong trường hợp không có mã QR thì cần xuất trình giấy tờ chứng minh là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu. Sau 30-9 với tinh thầm giảm các thủ tục hành chính, Thành phố sẽ không cấp giấy đi đường mà sử dụng công nghệ thông tin để giám sát việc di chuyển của người dân.

Bên cạnh đó, Thành phố nhấn mạnh người dân không tự ý di chuyển ra khỏi Thành phố bằng phương tiện cá nhân. Trường hợp cần thiết đi khỏi Thành phố thì cần có sự đồng ý của nơi đi và nơi đến. Khi thực sự cần thiết sẽ có hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.

Lộ trình mở cửa trở lại đang thiếu người lao động, Thành phố rất mong người lao động ở lại Thành phố và người lao động ở các tỉnh thành khác quay trở lại làm việc để phát triển kinh tế.

Cơ hội việc làm để phát triển cuộc sống là rất lớn, Thành phố đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để phối hợp quy trình đón người lao động quay trở lại.

Người lao động cần tuân thủ quy trình đưa đón, không nên tự ý di chuyển bằng phương tiện cá nhân để quay về Thành phố.

Các ngành nghề được hoạt động trở lại gồm: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y; công trình giao thông, xây dựng.

Các ngành nghề dịch vụ thương mại được hoạt động trở lại: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng dầu; chi nhánh ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics; bưu chính, viễn thông; xuất bản báo chí; hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...