Lỗ hổng nghiêm trọng khi Anh khi tham gia chiến dịch Biển Đỏ

GD&TĐ - Theo Telegraph, chiến dịch tấn công Houthi tại Yemen do Mỹ dẫn đầu đã bộc lộ lỗ hổng nghiêm trọng trong năng lực tên lửa của Hải quân Anh.

Chiến hạm HMS Diamond phóng tên lửa Sea Viper đánh chặn UAV của Houthi.
Chiến hạm HMS Diamond phóng tên lửa Sea Viper đánh chặn UAV của Houthi.

Lộ lỗ hổng lớn

Nhận định trên được cựu nghị sĩ Anh Matthew Gordon-Banks đưa ra khi nói về quá trình Hải quân nước này cùng Mỹ và một số đồng minh khác tấn công lực lượng Houthi từ Biển Đỏ.

Bắt đầu từ ngày 12/1, Mỹ và các đồng minh đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi. Tuy nhiên, hóa ra không có tàu chiến nào của Hải quân Hoàng gia Anh có thể bắn tên lửa vào các mục tiêu trên đất liền, buộc Anh phải điều động các máy bay phản lực của Không quân Hoàng gia đóng ở cách đó 1.500 dặm để thực hiện nhiệm vụ.

Cuối cùng, Mỹ phải thực hiện hầu hết các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Houthi.

Trong khi các tàu khu trục của Mỹ có thể bắn tên lửa Tomahawk thì các tàu quân sự của Anh chủ yếu sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon, loại tên lửa này sau đó đã được cho nghỉ hưu vào năm 2023.

Telegraph cho biết, Tên lửa tấn công hải quân do Na Uy sản xuất, có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên bộ, "chỉ được lắp đặt trên một tàu cho đến nay là một phần của cuộc thử nghiệm và vẫn chưa được khai hỏa".

Tờ báo dẫn lời một cựu lãnh đạo quốc phòng cấp cao từng nổi giận vì Hải quân Hoàng gia Anh thiếu tên lửa đất đối đất: "Rõ ràng đây là một vụ bê bối và hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Các phương tiện truyền thông còn trích dẫn thêm Chuẩn Đô đốc Chris Parry, một cựu sĩ quan hải quân cấp cao, người đã cảnh báo rằng việc thiếu tên lửa đất đối đất thích hợp đã khiến hải quân bị lộ:

"Điều lo ngại thực sự là chúng ta sẽ không thể đối đầu với các đối thủ mạnh như Nga trong các hành động chạm trán và chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều những vấn đề này", ông nhấn mạnh.

Theo Matthew Gordon-Banks, nhà tư vấn quan hệ quốc tế, cựu thành viên quốc hội và nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Quốc phòng Vương quốc Anh, giới lãnh đạo Anh rõ ràng đã tính toán sai lầm khi quyết định tham gia chiến dịch 'Người bảo vệ thịnh vượng' của Washington.

Gordon-Banks nói: "Những ước tính chính thức của Anh về năng lực hải quân của mình có xu hướng bị thổi phồng quá mức. Không phải lần đầu tiên có phản ứng tức thời nhằm che đậy cho hành động quân sự của Mỹ. Nếu những hành động này biến thành 'chiến dịch Yemen' thì chúng ta có thể đã phạm một sai lầm rất nghiêm trọng".

Cựu nghị sĩ giải thích rằng: "Anh đã không nghĩ đến hậu quả của hành động của mình trước khi gửi tàu tới Biển Đỏ trong khi các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu khác lại thận trọng và thực tế hơn".

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần mài giũa các công cụ ngoại giao của mình để không tạo ra xung đột rộng hơn trong khu vực".

Khi được hỏi liệu có hợp lý khi mong đợi căng thẳng giảm dần trước sự suy giảm lực lượng của phương Tây hay không, chính trị gia người Anh trả lời:

"Chìa khóa để giảm căng thẳng ở Biển Đỏ là giảm leo thang xung đột ở Gaza và Israel càng nhanh càng tốt. Hành động của Mỹ và Anh nói riêng có nguy cơ cao khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn. Thực tế các cuộc tấn công cho thấy, năng lực của cả Mỹ và Anh đều không mạnh như nhiều người nghĩ hoặc muốn tin tưởng".

Chỉ có thể đánh chặn

Theo Reuters, không thể tấn công đối đất, chiến hạm HMS Diamond của Anh tại Biển Đỏ chỉ có thể đánh chặn các UAV tấn công của Houthi.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Anh hôm 27/1 cho biết: "Khu trục hạm HMS Diamond ngày 27/1 phóng tên lửa Sea Viper và phá hủy một UAV đang nhắm đến chiến hạm. Sự việc không gây thương vong hay thiệt hại đến tàu.

Những hành động tấn công phi pháp này là điều không thể chấp nhận và chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ tự do đi lại ở Biển Đỏ".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhấn mạnh nước này "không sợ hãi" khi nói về quyết tâm của London trong nỗ lực bảo vệ sinh mạng vô tội và tự do đi lại "hoàn toàn không bị lay chuyển".

Houthi là nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ ở Yemen, bao gồm thủ đô Sanaa. Lực lượng này đối đầu với liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu nhằm khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang sống lưu vong.

Houthi gia tăng tập kích tàu hàng có liên quan đến Israel, Mỹ, Anh đi qua Biển Đỏ sau khi chiến sự ở Dải Gaza bùng phát đầu tháng 10/2023, để gây sức ép buộc Israel phải ngừng chiến dịch nhằm vào Hamas - đồng minh của Houthi trong trục kháng chiến chống Tel Aviv ở Trung Đông.

Lực lượng Mỹ và Anh đã tập kích đáp trả nhằm vào các vị trí của Houthi ở Yemen. Không chỉ dẫn đầu liên minh chống Houthi trên Biển Đỏ, Mỹ còn tìm cách gây áp lực ngoại giao và tài chính đối với Houthi nhưng đến nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ