Hôm 31/3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov cho biết, Lực lượng Phòng không Nga lần đầu tiên bắn hạ một tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom-2 thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU).
Bên cạnh đó, thông tin cũng đã được công bố về việc đánh chặn 3 tên lửa thuộc hệ thống HIMARS, cũng như phá hủy 2 máy bay không người lái Ukraine ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR).
“Trong ngày, một tên đạn đạo chiến thuật Grom-2 và 3 đạn rocket của hệ thống HIMARS đã bị đánh chặn, cùng với đó là 2 máy bay không người lái của Ukraine bị phá hủy trên lãnh thổ DPR”, ông Igor Konashenkov nêu rõ trong cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga.
Chính xác những gì đã trở thành mục tiêu của Quân đội Ukraine vẫn chưa được biết, tuy nhiên đây là trường hợp đầu tiên loại vũ khí có tầm bắn xa nhất của Kyiv được ghi nhận.
Đồng thời có ý kiến cho rằng Ukraine bắt đầu sản xuất tên lửa cho các tổ hợp Grom-2 ở nước láng giềng Ba Lan, khi đã kịp sơ tán toàn bộ máy móc và tài liệu kỹ thuật cần thiết từ trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt được Nga phát động.
Nếu nhận định trên là chính xác, cho thấy Lực lượng vũ trang Ukraine đã có trong tay thứ vũ khí cực kỳ lợi hại, uy lực rõ ràng lớn hơn nhiều so với loại Tochka-U cổ điển, thậm chí còn cao cấp hơn cả ATACMS mà họ mong Mỹ sẽ viện trợ.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom-2 của Ukraine. |
Grom-2 là hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật được phát triển ở Ukraine. Tổ hợp dựa trên một số công nghệ nước ngoài kết hợp với kinh nghiệm của Kyiv, nó được xem là có tính năng kỹ chiến thuật tương đương Iskander-M của Nga.
Đáng chú ý là hệ thống Grom-2 ban đầu được Ukraine hợp tác phát triển cùng Saudi Arabia, chính Kyiv mới chỉ có 2 tổ hợp trong biên chế chiến đấu so với lượng lớn hơn đã bán cho đối tác Trung Đông.
Tổ hợp Grom-2 có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất và hệ thống phòng không của đối phương. Theo dữ liệu chính thức, đạn tên lửa có tầm bắn lên tới 280 km, nhưng đây chỉ là phiên bản xuất khẩu.
Phiên bản nội địa của tên lửa Grom-2 được các chuyên gia đánh giá ít nhất cũng vươn tới cự ly 500 km, thậm chí là 750 km nếu thu nhỏ đầu đạn để tăng lượng nhiên liệu mang theo.
Về mặt lý thuyết, ít nhất vũ khí trên sẽ khiến căn cứ không quân Novofedorivka trên bán đảo Crimea nằm trọn trong tầm bắn, nếu Grom-2 được khai hỏa từ khoảng cách xa ở phía Tây Nam của Ukraine.
Mảnh vỡ được cho là của tên lửa phòng không S-300 tại vị trí quả đạn Grom-2 bị bắn hạ. |
Đối với phía Nga, để đánh chặn được một tên lửa đạn đạo chiến thuật như Grom-2 sẽ cần một hệ thống phòng không chuyên dụng, đó có thể là S-300PM-2, S-400 hoặc S-300VM hay S-300V4.
Cho đến nay, chưa có tuyên bố chính thức nào về chủ đề này từ Bộ Quốc phòng Nga, tuy nhiên theo nguồn tin của trang Avia-pro thì họ đã có bằng chứng xác minh.
Cụ thể, dựa trên các mảnh vỡ của tên lửa phòng không được tìm thấy tại địa điểm đánh chặn, cấu trúc đặc biệt theo xác định thuộc về tổ hợp S-300. Đồng thời, một số nguồn tin cho biết quả đạn này có thể được phóng đi từ hệ thống S-400 cao cấp hơn.
Báo chí Nga khẳng định, việc các hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn thành công tên lửa từ Grom-2 của Ukraine cho thấy vũ khí trên khó có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng. Nhưng câu hỏi cần đặt ra là Ukraine có bao nhiêu tên lửa trong kho cũng như có thể sản xuất trong điều kiện hiện tại.