Đại biểu Phương cho rằng, Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 chưa nêu được cụ thể đầu tư công thời gian qua có bao nhiêu đầu tư có hiệu quả, bao nhiêu đầu tư thua lỗ, bao nhiêu dự án cần được xem xét, kiến nghị, điều tra, xem xét và truy tố. Nguyên nhân, giải pháp xử lý, tỉnh nào, doanh nghiệp nào tốt và doanh nghiệp nào chưa tốt.
Cần nêu được những nội dung trên mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm, làm bài học cho tổ chức quản lý và hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn như thời gian qua.
Cũng theo đại biểu Phương, cán cân tài chính đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là hậu quả của đầu tư công không hiệu quả, kỷ luật ngân sách yếu, phân cấp ngân sách không hiệu quả.
Tháng 10/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố tình trạng đầu tư không hiệu quả trước nhiệm kỳ này không phải là 12 dự án mà 72 dự án; gây thất thoát 42 nghìn tỷ đồng, làm tăng gánh nặng trong ngân sách. Nhiều dự án dang dở, chậm tiến độ. Mức tăng đầu tư gây lãng phí.
Từ những vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào các báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được phục hồi, số lượng kinh phí được thu hồi, bao nhiêu dự án phá sản, mức độ xử lý nghiêm các sai phạm, các tổ chức cá nhân để cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm cho các giải pháp đầu tư công trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ phải cho rà soát tổng thể để có giải pháp xử lý cụ thể từng nguyên nhân hạn chế nêu trong báo cáo như luật pháp còn nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu thống nhất, thiếu chi tiết, hướng dẫn chậm, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, làm khó khăn vướng mắc, chậm tiến độ thực hiện.
Cuối cùng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp để khắc phục tình trạng cán bộ yếu và năng lực yếu ở một số Bộ.