Linh hoạt hình thức giảng dạy: “Tăng tốc” để sinh viên kịp ra trường

GD&TĐ - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường đại học, cao đẳng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) linh động tổ chức dạy học phù hợp tình hình thực tế và đặc thù chuyên ngành.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Kiên Giang trong giờ thực hành.
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Kiên Giang trong giờ thực hành.

Nhà trường đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho sinh viên, vừa ứng phó dịch bệnh, vừa bảo đảm chương trình đào tạo.

Tập trung thực hành, thí nghiệm

Từ giữa tháng 11, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức học tập trung cho nội dung thực hành, thí nghiệm của các học phần (không kể học phần Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh).

Các trạm trại, phòng thí nghiệm thực hành mở cửa phục vụ học viên và sinh viên thực tập làm luận văn tốt nghiệp và nghiên cứu nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch. Trường tiếp tục tổ chức giảng dạy và học lý thuyết không tập trung. Đối với người học trở về trường từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3, 4 hoặc cách ly y tế (vùng phong tỏa) thì thực hiện xét nghiệm và theo quy định của UBND TP Cần Thơ.

Trung tâm phục vụ sinh viên Trường ĐH Cần Thơ bảo đảm các điều kiện theo yêu cầu để tiếp nhận sinh viên đã đăng ký ở ký túc xá trở về trường. Đoàn trường lập danh sách nhà trọ ở thành phố để giới thiệu cho sinh viên có nhu cầu thuê. Viên chức, người lao động, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và học viên tại các trung tâm của trường nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm 5K theo quy định.

Từ đầu tháng 12, Trường ĐH Kiên Giang tổ chức giảng dạy trực tiếp các học phần thực hành nhằm bảo đảm tiến độ đào tạo, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Theo TS Nguyễn Văn Thành - Phó Hiệu trưởng nhà trường, có 547 sinh viên trở lại trường học trực tiếp, tổng cộng 34 học phần thực hành.

Để đến lớp dạy và học, tất cả giảng viên và sinh viên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin qua 14 ngày hoặc đã điều trị khỏi Covid-19 trong 6 tháng, thực hiện nghiêm túc 5K; khử khuẩn cá nhân định kỳ 2 giờ 1 lần; quét mã QR-Code khai báo y tế và tổ chức lau sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc như: Bàn, thiết bị thực hành, thí nghiệm... sau khi kết thúc buổi học.

“Để việc tổ chức dạy học trực tiếp diễn ra an toàn, Trường ĐH Kiên Giang xây dựng kế hoạch, phương án được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt thực hiện. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của trường cũng có kịch bản nhằm chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra (như có F0, F1) trong quá trình tổ chức hoạt động thực hành trực tiếp. Bên cạnh đội ngũ y tế, phương án chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, Trường ĐH Kiên Giang còn lập tổ kiểm tra, giám sát trong từng buổi học thực hành và trang bị các kit xét nghiệm nhanh để sử dụng khi cần thiết”, TS Nguyễn Văn Thành thông tin.

Theo lịch học thực hành, các lớp học được bố trí tối đa 20 sinh viên/phòng thí nghiệm theo hình thức cuốn chiếu (bố trí thực hành liên tục cho mỗi nhóm, kết thúc nhóm này mới tổ chức cho nhóm tiếp theo), bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1m. Đồng thời, sinh viên được bố trí chỗ ở miễn phí trong khu ký túc xá để hạn chế đi lại trong thời gian thực hành.

Em Nguyễn Văn Minh, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ sinh học (Trường ĐH Cần Thơ) tâm sự: “Dịch bệnh phức tạp nên em và các bạn lo sẽ ảnh hưởng đến việc thực tập, thực hành và chuẩn bị luận văn tốt nghiệp. Sau thời gian hơn 6 tháng tạm ngừng học, giữa tháng 11 em trở lại trường tập trung cho học phần thực hành, thí nghiệm.

Công tác phòng dịch được nhà trường và mỗi lớp thực hiện nghiêm. Trước khi trở lại trường, sinh viên phải xét nghiệm và có kết quả âm tính. Giờ thực hành, thí nghiệm thực hiện giãn cách, chia nhóm để không tập trung đông... Em và các bạn hiện tập trung hoàn thành chương trình học để bước vào quá trình làm luận văn tốt nghiệp. Hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để em hoàn thành chương trình học đúng tiến độ”.

Trở lại trường học trực tiếp, sinh viên tuân thủ phòng dịch nghiêm ngặt. Ảnh: Quốc Ngữ
Trở lại trường học trực tiếp, sinh viên tuân thủ phòng dịch nghiêm ngặt. Ảnh: Quốc Ngữ

Bảo đảm chương trình đào tạo

Dựa theo đặc thù chuyên ngành đào tạo, các trường linh động tổ chức giảng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Trường ÐH Y Dược Cần Thơ và Trường CĐ Y tế Cần Thơ đang tổ chức giảng dạy trực tiếp phù hợp tình hình thực tế. Do đặc thù ngành khoa học sức khỏe, sinh viên đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch ở các địa phương, có kiến thức thực tế, nhà trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch… nên an toàn khi tổ chức giảng dạy.

Từ đầu tháng 10, tất cả sinh viên Trường ÐH Y Dược Cần Thơ tập trung về trường. Tuần đầu tiên, trường chủ yếu dạy học trực tiếp, tổ chức Tuần sinh hoạt công dân bằng hình thức trực tuyến. Ðến giữa tháng 10, sinh viên học chính thức và tham gia học phần lâm sàng ở một số bệnh viện chuyên khoa. Trường đã có 100% sinh viên được tiêm mũi 1 và hơn 80% sinh viên được tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19.

Theo PGS.TS.BS Võ Huỳnh Trang - Trưởng phòng Ðào tạo đại học, Trường ÐH Y Dược Cần Thơ, do dịch bệnh, trường giảm số sinh viên đi thực tế lâm sàng. Nếu như trước đây một đợt có gần 200 sinh viên, thì nay chưa đến 100 em, nhằm bảo đảm phòng, chống dịch ở bệnh viện. Khi tổ chức dạy trực tiếp, dù giảng đường có sức chứa hơn 200 người, nhưng chỉ bố trí 70 - 80 sinh viên học. Khi học, các em phải tuân thủ 5K, không tập trung tại sân trường…

Trường CĐ Y tế Cần Thơ tổ chức dạy lý thuyết bằng hình thức trực tuyến. Phần dạy thực hành tổ chức nhiều nhất 18 sinh viên/lớp học và tổ chức thi trực tuyến. Trường đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho sinh viên. Để tổ chức thực hành lâm sàng cho sinh viên, nhà trường đã cô đọng học phần lâm sàng, chia nhiều đợt cho sinh viên đi thực tế ở bệnh viện. Ðồng thời tạo điều kiện cho sinh viên tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 ở các địa phương, giúp bổ sung thêm kiến thức thực tế…

Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Mai Thị Thanh Thường - Phó Trưởng phòng Ðào tạo, Quản lý điều hành, Trường CĐ Y tế Cần Thơ, nhà trường tiếp tục tổ chức kế hoạch học tập của sinh viên theo hình thức trực tuyến đối với lý thuyết, trực tiếp đối với thực hành. Tùy tình hình thực tế dịch bệnh, trường sẽ tổ chức tăng thời lượng học trực tiếp đối với học phần lý thuyết, như trong 10 tiết học lý thuyết sẽ dành 70% học trực tuyến và 30% học trực tiếp…

“Trở lại trường học thực hành, thí nghiệm, sinh viên được theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe và tổ chức test nhanh kháng nguyên những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở; Tổ chức test nhanh kháng nguyên ngẫu nhiên 10% người học trong từng đợt thực hành”. - TS Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ