Linh hoạt giải pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh

GD&TĐ - Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Cần Thơ thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Trẻ làm quen với tiếng Anh thông qua các cuộc thi.
Trẻ làm quen với tiếng Anh thông qua các cuộc thi.

Đồng bộ các giải pháp

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có 10.215/38.020 (tỉ lệ 26,87%) trẻ mẫu giáo có nhu cầu làm quen với tiếng Anh (LQTA) tại các cơ sở GDMN. Trong đó, trẻ 3-4 tuổi 2.055, trẻ 4-5 tuổi 3.136, trẻ 5-6 tuổi 5.024.

Bà Nguyễn Ngọc Huệ, Phó Trưởng phòng GD Mầm non (Sở GD&ĐT) cho biết: Ngành GD Cần Thơ triển khai Chương trình LQTA dành cho trẻ em mẫu giáo. Đây được xác định là một nội dung mới, có nhiều đặc thù. Nhiều địa phương còn khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong triển khai tổ chức thực hiện, đặc biệt đối với việc xác định như thế nào là đủ điều kiện, các vấn đề tổ chức, quản lý…

Sở đã tổ chức hội thảo để triển khai danh mục các tài liệu đã được Bộ thẩm định, đại diện các đơn vị sẽ giới thiệu những nội dung chính, cốt lõi của bộ tài liệu, học liệu kèm theo.

Từ đó, các cơ sở GDMN sẽ có sự lựa chọn tài liệu phù hợp với điều kiện của nhà trường. Ngoài ra một số trung tâm ngoại ngữ chia sẻ về các phương án, chương trình, kế hoạch tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA tại các cơ sở GDMN đủ điều kiện, góp phần giải quyết hiện trạng khó khăn về đội ngũ giáo viên tiếng Anh.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, liên quan đến đội ngũ giáo viên người nước ngoài, chứng chỉ mầm non bắt buộc phải là chứng chỉ mầm non do 3 cơ sở Việt Nam cấp (Đại học Huế; Đại học Sài Gòn và Cao đẳng sư phạm Trung ương). Riêng đối với những chứng chỉ do nước ngoài cấp, do Cục quản lý chất lượng chưa có chứng minh là những chứng chỉ đó tương đương với văn bằng của Việt Nam, nên lãnh đạo các trung tâm cần lưu ý vấn đề này.

Đối với các huyện xa trung tâm thành phố như Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai là những nơi chưa có nhiều trung tâm ngoại ngữ, đề nghị các trung tâm có uy tín có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp cho việc tiếp cận của các cơ sở GDMN đối với chương trình LQTA dành cho trẻ mẫu giáo được thuận lợi hơn.

"Cần duy trì về mặt chất lượng, đảm bảo từ tăng hoặc bằng so với tỷ lệ ban đầu thực hiện, tuyệt đối không chạy theo số lượng mà phải đảm bảo chất lượng, tránh việc thương mại hóa chương trình này. Tuy nhiên, khi triển khai hợp tác phải trên tinh thần lợi ích chung, giúp cho trẻ tiến bộ", ông Tăng nhấn mạnh.

Sở GD&ĐT công bố danh mục sách giáo khoa được sử dụng cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Sở GD&ĐT công bố danh mục sách giáo khoa được sử dụng cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Khó tiếp cận vùng ven

Theo ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn, qua rà soát thống kê quận có 12/14 trường mầm non đảm bảo đủ các điều kiện triển khai chương trình cho trẻ LQTA. Phòng cũng chỉ đạo các trường tiếp tục tuyên truyền và tổng hợp danh sách phụ huynh đăng ký tham gia.

"Ngành GD quận cũng chủ động phối hợp trung tâm ngoại ngữ, tuyên truyền phụ huynh. Vì đây là chương trình tự chọn, tự nguyện của phụ huynh nên ngày đầu tổ chức lấy ý kiến có rất ít phụ đăng ký tham gia. Tuy nhiên, sau khi tổ chức dạy mẫu tại một số trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thì số lượng phụ huynh đăng ký tăng lên.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Phòng tổ chức kiểm tra rà soát các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, có phòng chức năng riêng... Có 2 đơn vị không tổ chức được là do thiếu phòng chức năng giảng dạy. Dự kiến trong thời gian tới sau khi hoàn thành cơ sở vật chất giai đoạn 2, phòng sẽ rà soát lại đủ điều kiện sẽ cho triển khai chương trình", ông Linh cho hay.

Cô Trần Thị Việt Nhân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hưng 2, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cho biết: Năm học 2022- 2023, toàn trường có 347 trẻ/11 nhóm lớp, nhà trường đã chủ động lấy ý kiến phụ huynh về việc tổ chức cho trẻ Mẫu giáo LQTA. Chủ yếu những phụ huynh ở nhóm trẻ mầm non 5 tuổi và có điều kiện đồng tình ủng hộ, với 45% trong tổng số 125 trẻ.

Sau khi lấy ý kiến từ phụ huynh về việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh tại trường, toàn trường có khoảng 45% phụ huynh trẻ 5 tuổi đồng thuận, riêng phụ huynh của trẻ Mẫu giáo 3-4 tuổi không có nhu cầu cho trẻ làm quen tiếng Anh. Do đó, nhà trưởng chỉ có thể tổ chức 01 lớp với số lượng khoảng 20 trẻ tham gia. Số lượng này khó đảm bảo cho việc mở lớp nếu liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ có đội ngũ giáo viên đáp ứng đúng điều kiện của Thông tư số 50/2020/TTBGDĐT ngày 31/12/2020 phê duyệt ban hành Chương trình Làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.