Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân; gồm: mục đích và nguyên tắc liên thông, chương trình giáo dục liên thông, tổ chức tuyển sinh, giáo dục và đào tạo liên thông; quy định chi tiết về liên thông giữa trình độ trung cấp với cấp trung học phổ thông và giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học.
TS.Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường CĐ Hữu Nghị nhận định: Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân là rất cần thiết.
Nghị định giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp.
Đồng thời, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Nghị định về liên thông giữa các cấp học cũng giúp hình thành một hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
“Việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân là rất cần thiết, nhằm hệ thống hóa, đưa ra khái niệm chính xác hơn, thống nhất cách hiểu, có các quy định để hoạt động liên thông được tổ chức thực hiện chặt chẽ hơn và bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo.
Tuy nhiên, cần đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Ví dụ như hiện nay đang quy định chỉ tiêu đào tạo không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy là chưa linh hoạt, nên để các trường tự chủ phân bổ chỉ tiêu trong tổng khả năng được tuyển”, TS.Phạm Kim Thư góp ý.
PGS.TS.Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội khẳng định, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể linh hoạt chuyển đổi giữa các chương trình, cấp học và trình độ đào tạo; thúc đẩy xây dựng một nền giáo dục mở, xã hội học tập và khuyến khích học tập suốt đời.
Tuy nhiên, về nội dung dự thảo, theo PGS.TS.Trần Thành Nam, chúng ta vẫn cần rà soát kỹ hơn với các văn bản quy phạm pháp luật khác để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Cũng cần rà soát lại thẩm quyền trách nhiệm của từng bên, từng cơ quan trong việc triển khai liên thông; cần thiết phải có nội dung hướng dẫn chuẩn hóa các chương trình đào tạo ở các cấp học, trình độ đào tạo, để đảm bảo tính liên thông, liên kết là công bằng và tương đương về chất lượng.
Thậm chí, cần quy định cụ thể về chuẩn đầu ra của từng ngành, trình độ đào tạo để làm cơ sở xét công nhận tín chỉ, học phần tương đương; đồng thời, tăng cường cơ chế giám sát việc thực hiện quy định về liên thông, các cơ chế kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.