Mừng - lo với tổ hợp môn KHXH
Kỳ thi THPT quốc gia 2017, ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa vào 2 môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học xã hội (KHXH) để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh tự do có thể chọn môn thi thành phần trong bài tổ hợp, thay vì bắt buộc làm cả bài như thí sinh đang học lớp 12.
Theo tổng hợp từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Sở GD&ĐT Nghệ An, kỳ thi năm nay toàn tỉnh có 30.947 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số này, tỷ lệ học sinh đăng ký các môn tổ hợp KHXH (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân) chiếm gần 70% với trung bình mỗi môn là khoảng hơn 19.000 thí sinh. Tổ hợp môn KHTN (Vật lý - Hóa học - Sinh học) có trung bình môn khoảng 11.000 thí sinh đăng ký.
Sự chênh lệch này thực tế đã được dự đoán trước bởi trong quá trình phân luồng, phân ban đầu năm học tại các trường THPT, số học sinh đăng ký tổ hợp môn KHXH tăng lên và cao hơn cả những năm trước.
Tại Trường THPT Nam Đàn 2, có 252/396 em đăng ký tổ hợp môn KHXH chiếm 67% (cao hơn so với những năm trước là 30%). Em Trần Thị Nga (học sinh lớp 12 C1) cho biết: “Trước kia, khi các môn xã hội thi tự luận nên ít học sinh chọn bởi làm bài phải diễn đạt chặt chẽ, viết đúng, đủ ý mới có điểm. Nhất là những môn Lịch sử hoặc Địa lý phải học thuộc nhiều vì có nhiều sự kiện, con số cần nhớ. Còn bây giờ thi trắc nghiệm, nhiều bạn cho rằng các môn xã hội dễ để đạt điểm trung bình hơn, vì nếu không thuộc bài, nhưng dựa vào suy đoán, hiểu biết của bản thân vẫn làm được. Trong khi đó, các môn tự nhiên lại đòi hỏi tính toán chính xác mới có kết quả đúng”.
Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành) cũng có tới khoảng 70% học sinh chọn thi tổ hợp môn KHXH. Thầy Nguyễn Trọng Giáp - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng, sẽ không còn xảy ra tình trạng nhiều điểm thi “trắng” của thí sinh môn Sử và các môn xã hội như những năm trước. Tuy nhiên, về phía các nhà trường hiện đang khá vất vả trong công tác dạy học, ôn tập, ra đề.
Trước hết về số lượng giáo viên xã hội tại các trường THPT hiện rất mỏng. Tại Trường THPT Phan Thúc Trực, chỉ có 3 giáo viên dạy Địa lý, 3 giáo viên môn GDCD, 4 giáo viên Lịch sử… Trong khi đó, các thầy cô vừa phải dạy đủ tiết cho khối lớp 10, 11, và cả dạy và ôn thi cho khối 12.
Mặt khác, lần đầu tiên tiến hành thi trắc nghiệm, các tài liệu tham khảo chưa có nhiều. Các trường chủ yếu nghiên cứu đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, lên đề cương ôn tập, xây dựng ngân hàng đề… cho học sinh của mình. “Chúng tôi liên tục động viên thầy cô giáo, làm việc cả ngày nghỉ nhưng cũng không thể đảm bảo cho mỗi học sinh một đề khi tổ chức thi, kiểm tra, mà chỉ ở mức mỗi phòng thi có 8 – 12 đề mà thôi”, thầy Giáp cho biết thêm.
Tiếp tục ôn tập khi kết thúc chương trình học
Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Vinh, Nghệ An) năm nay có 287 học sinh lớp 12. Trong số này, có 2/3 học sinh thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Theo cô giáo Hồ Thị Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong: Nhằm giúp học sinh tiếp cận với hình thức thi mới và áp lực trong phòng thi, năm học này, nhà trường đã tổ chức thi học kỳ I, II như một kỳ thi thử THPT quốc gia. Điểm bài thi cũng được lấy để tính điểm trung bình môn học. Mặc dù kết quả có giảm hơn một chút so với những năm trước đó, nhưng tạo cho các em học sinh ý thức học và thi thực sự, nghiêm túc trong suốt năm học.
Dự kiến, đến nửa cuối tháng 5/2017, chương trình năm học 2016 - 2017 kết thúc. Thời gian tới, hầu hết các trường THPT trên địa bàn Nghệ An vẫn tiếp tục tiến hành cho học sinh đăng ký ôn thi theo nguyện vọng và nhu cầu. Thời gian ôn tập sẽ kéo dài đến trước ngày thi khoảng 1 tuần, để không tạo sự ngắt quãng trong quá trình học của các em, hoặc tâm lý nghỉ học ở nhà sẽ không có người kèm cặp mà lơ là việc học.