Trong nhiều thập kỷ qua, cách hiệu quả và thường xuyên duy nhất để liên lạc với một người nào đó là gọi điện thoại trực tiếp hoặc nhắn tin.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ và Internet đã mang đến các phương thức trò chuyện khác nhau như FaceTime, Instagram, Snapchat cùng một loạt các ứng dụng để giữ liên lạc giữa mọi người.
Giờ đây với nhiều người, thậm chí cả việc nhắn tin cũng trở nên nhàm chán khi nó đang mất đi sự thân thiện, gần gũi giữa mọi người bởi các thông điệp chỉ được thể hiện qua ký tự chữ viết hoặc một vài biểu tượng.
Theo WSJ, cách gọi điện thoại thông thường nay đã có thể tiếp bước những thứ như điện báo hay máy đánh chữ. Bởi giờ nên là thời đại của tin nhắn thoại. Lý do đơn giản bởi nó nhanh hơn gọi điện thoại, trong khi tạo được cảm giác thân thiện và mang tính con người nhiều hơn là tin nhắn văn bản.
Trước tiên, nói về giao tiếp hiệu quả, không gì có thể đánh bại được giọng nói. Chắc chắn không ít người từng cố gắng tạo nên một câu đùa trong tin nhắn văn bản hay email, nhưng người đối diện lại không nhận ra hoặc thậm chí tức giận vì hiểu lầm.
Một nghiên cứu từ Đại học Yale SOM của Mỹ năm 2016 cho thấy mọi người có thể đánh giá cảm xúc của người khác một cách chính xác nhất khi giao tiếp chỉ bằng giọng nói. Điều này tốt hơn nhiều so với đọc tin nhắn văn bản hoặc thậm chí tốt hơn cả trò chuyện qua video. Trong trường hợp nói một mình, tốc độ nói có thể nhanh gấp đôi khi gõ chữ.
Nhưng vấn đề với các cuộc gọi điện thoại thông thường không bao giờ chỉ xoay quanh việc nói chuyện. Nó là một quy trình phức tạp, từ việc quay số, đợi điện thoại đổ chuông và chờ đợi xem người kia liệu có trả lời hay không. Nếu không, tất cả những điều trên là vô nghĩa.
Nếu họ bắt máy, mọi chuyện bắt đầu với câu chào, vài trao đổi nhỏ trước khi lý do chính của cuộc gọi được nói ra. Sau đó, có nhiều cuộc nói chuyện nhỏ hơn và cuối cùng là lời tạm biệt kéo dài. Đôi khi, một câu hỏi đơn giản như: "Chúng ta nên đi ăn tối ở đâu?" cũng có thể tốn mất năm phút trò chuyện qua điện thoại.
Tin nhắn cũng có những hạn chế của nó. Trong những năm đầu xuất hiện, việc giới hạn 160 ký tự trong tin nhắn đã tập cho nhiều người thói quen không có thời gian để nói những lời lãng phí. Dù giờ đây việc nhắn tin đã thoải mái hơn, hầu hết tin nhắn vẫn được soạn theo phong cách càng ngắn gọn, đơn giản càng tốt.
Trong khi đó, để so sánh, iMessage của Apple hay WhatsApp của Facebook và một loại các ứng dụng nhắn tin khác cho phép người dùng gửi tin nhắn thoại trong cùng một chuỗi với văn bản, hình ảnh và các biểu tượng cảm xúc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tin nhắn thoại cũng mang lại cho người dùng cảm giác thích thú như đang sử dụng bộ đàm. Thay vì các thiết bị to như cục gạch trong phim ảnh hay quân sự, người dùng giờ có thể sử dụng chính chiếc điện thoại thông minh của mình để giao tiếp.
Chỉ cần nhấn một nút để nói chuyện, sau đó gửi đi rồi chờ người nghe nhận được tin nhắn và đáp trả lại bằng cách tương tự. Người dùng vẫn có thể nghe được giọng nói của đối phương như khi gọi điện thông thường, cũng không cần phải lo lắng hay mệt mỏi chờ những hồi chuông đổ khi không có ai nghe máy.
Phân tích một cách cụ thể, tin nhắn thoại đi kèm ba lợi thế quan trọng khi so sánh với cách gọi điện thông thường mà con người đã sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.
Đó là: tốt hơn hộp thư thoại (Voice Mail), truyền tải thông điệp rõ ràng hơn và dù đang sử dụng thiết bị Android hay iOS, người dùng đều có thể tìm thấy một công cụ nhắn tin thoại phù hợp được tích hợp cho thiết bị của mình.
Nếu sử dụng iMessage, người dùng chỉ cần nhấn và giữ micro ở bên trái của hộp thoại nhắn tin, sau đó truyền tải tin nhắn rồi vuốt lên để gửi. Các phiên bản ứng dụng trên Android hơi phức tạp hơn nhưng về cơ bản có chức năng tương tự.
Dù bằng cách nào, âm thanh của người dùng sẽ xuất hiện trong cùng một chuỗi với các văn bản, hình ảnh và ảnh động mà hai người đã gửi qua lại. Nó không mang yếu tố thời gian thực như một cuộc gọi điện thoại, nhưng cũng không gây ra sự chậm trễ quá lâu nếu cả hai người đang cùng trực tuyến. Đây đơn giản chỉ là một cách khác để nói, khi không tiện hoặc không muốn nhập văn bản bằng bàn phím.
Thậm chí, người dùng có thể cài đặt để chọn xóa tin nhắn thoại sau hai hoặc nhiều phút sau khi nó được phát ra. Điều này mang ý nghĩa bảo mật tốt hơn và giúp mọi người tiết kiệm được dung lượng lưu trữ trên thiết bị. Người dùng cũng có thể bật tính năng phát tin nhắn thoại mới khi nâng điện thoại lên ngang tai, giống như sử dụng một chiếc bộ đàm.
Khi ai đó gọi điện tới, thông thường mọi người sẽ lo lắng không biết liệu người nhận có sẵn sàng để trò chuyện hay không. Nhưng nếu gửi một tin nhắn thoại, người dùng có thể nghe bất cứ khi nào có thể và trả lời bất cứ khi nào cảm thấy thoải mái. Với tin nhắn thoại, người dùng cũng có thể trò chuyện ở mọi nơi cùng với các thiết bị tiện ích như tai nghe thông minh, loa thông minh, kính thông minh hoặc đồng hồ thông minh.
Mới đây, Apple đã công bố một tính năng bộ đàm mới cho Apple Watch, được gọi là Walkie Talkie tại Hội nghị phát triển toàn cầu vào tháng Sáu.
Theo đó, thay vì phải nhấn mạnh vào màn hình hoặc giữ cổ tay ngang tai trong vài phút khi muốn nói chuyện, Walkie Talkie cho phép người dùng ấn vào nút Talk hiện lên trên màn hình và nói những câu mình muốn.
Ở đầu người nhận, khi có tin nhắn được gởi, thiết bị sẽ phát ra một tiếng beep và sau đó là âm thanh sẽ được phát. Quá trình truyền gửi này xảy ra gần như ngay lập tức do quy trình hoạt động dựa trên sóng Wi-Fi hoặc kết nối di động.
Trong khi đó, nếu sở hữu một loa thông minh Amazon Echo, người dùng có thể hét lên: "Alexa, gửi tin nhắn thoại cho Anna" và cả hai sẽ có một cuộc trò chuyện mà không cần phải chạm vào bất cứ thiết bị nào.
Theo Eros Resmini, Giám đốc tiếp thị tại Discord, một ứng dụng trò chuyện khá phổ biến dành cho game thủ, cho biết công cụ giao tiếp tốt nhất trong tương lai sẽ là những công cụ mà người dùng có thể sử dụng theo cách họ muốn. "Mọi người sẽ di chuyển khá liền mạch giữa văn bản, giọng nói và video", ông chia sẻ.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford cũng cho thấy việc nhập văn bản bằng giọng nói đã nhanh và chính xác hơn so với cách nhập thông thường. Người dùng giờ đây có thể yêu cầu trợ lý ảo thay mình đọc các tin nhắn hoặc gửi tin nhắn tới bạn bè.
Nhưng xét trên một khía cạnh khác thì với nhiều người, việc nghe tin nhắn thoại từ người mình quen biết vẫn thoải mái hơn giọng đọc có phần vô cảm từ các trợ lý ảo như Siri hay Google Assistant.