Liệu pháp điều trị mất ngủ bằng hành vi

GD&TĐ - Tại Việt Nam, người cao tuổi có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều vấn đề trong chăm sóc sức khoẻ và gánh nặng cho hệ thống y tế.

Mất ngủ là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi. Ảnh minh họa: INT
Mất ngủ là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi. Ảnh minh họa: INT

Phương pháp điều trị rút gọn cho bệnh mất ngủ được ứng dụng để nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí sử dụng thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Xây dựng cẩm nang giấc ngủ

Tại Việt Nam, người cao tuổi có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều vấn đề trong chăm sóc sức khoẻ và gánh nặng cho hệ thống y tế. Một trong số các vấn đề phổ biến ở người cao tuổi là mất ngủ.

Hiện nay, chưa có dữ liệu cập nhật về chất lượng giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi được chẩn đoán rối loạn mất ngủ. Các nhà khoa học đã khảo sát các đặc điểm của giấc ngủ và đánh giá chất lượng giấc ngủ, chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi đang điều trị ngoại trú bệnh mất ngủ tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM.

“Khảo sát các yếu tố nguy cơ và đánh giá hiệu quả can thiệp dược trên người cao tuổi có triệu chứng mất ngủ” là đề tài khoa học công nghệ do BS.CKII Quách Thanh Hưng và cộng sự Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM thực hiện. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hiệu quả can thiệp dược lâm sàng bằng liệu pháp điều trị hành vi rút gọn cho người mất ngủ trên bệnh nhân cao tuổi có chẩn đoán rối loạn mất ngủ.

Theo BS Hưng, đối với mất ngủ mạn tính, một trong những phương pháp được các nhà y học trên thế giới khuyến cáo là liệu pháp nhận thức - hành vi, với phiên bản đơn giản, dễ thực hiện hơn là liệu pháp điều trị hành vi rút gọn. Các phương pháp này tập trung vào thay đổi nhận thức - hành vi và thói quen sống hằng ngày của người bệnh, từ đó điều chỉnh giấc ngủ phù hợp hơn.

Nhóm của BS Hưng đã tìm hiểu về cấu trúc của giấc ngủ, những thay đổi sinh lý giấc ngủ ở người cao tuổi, các dấu hiệu và tác động của rối loạn mất ngủ cũng như một số phương pháp điều trị rối loạn mất ngủ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc trên bệnh nhân cao tuổi có chẩn đoán rối loạn mất ngủ.

Từ đó, nhóm đã triển khai khảo sát các yếu tố nguy cơ của mất ngủ, ảnh hưởng của mất ngủ lên chất lượng cuộc sống và khảo sát việc sử dụng thuốc của người cao tuổi bị rối loạn mất ngủ trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, xây dựng và thẩm định cẩm nang cho người mất ngủ cũng như đánh giá hiệu quả can thiệp dược lâm sàng trên bệnh nhân rối loạn mất ngủ.

Nhóm đã tiến hành khảo sát 450 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên thỏa mãn tiêu chuẩn chọn mẫu và không thuộc tiêu chuẩn loại trừ (225 bệnh nhân nhóm mất ngủ và 225 bệnh nhân nhóm không mất ngủ) khám ngoại trú tại 2 bệnh viện là Bệnh viện Nguyễn Trãi và Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM. Từ các kết quả khảo sát nhóm đã xây dựng và thẩm định cẩm nang cho người mất ngủ với bản thảo có tên “Cẩm nang điều hòa giấc ngủ”.

Hạn chế sử dụng thuốc chữa mất ngủ

Cẩm nang điều hòa giấc ngủ gồm có 3 phần. Phần 1 là kiến thức về giấc ngủ gồm 17 trang với 2 chủ đề: “Hiểu đúng về giấc ngủ” (khái niệm về giấc ngủ, vai trò của giấc ngủ, chu kỳ thức - ngủ của cơ thể, thời lượng ngủ ban đêm). Chủ đề 2 là “Bệnh mất ngủ” gồm 6 nội dung là khái niệm về bệnh mất ngủ, dịch tễ, phân loại, yếu tố nguy cơ, hậu quả, phương pháp điều trị.

Phần 2 là các bước thực hành để điều chỉnh giấc ngủ. Phần này gồm 12 trang, hướng dẫn bệnh nhân ghi chép cách áp dụng cụ thể và thực hành theo nội dung từng tuần trong suốt 4 tuần: Tuần 1: “Vệ sinh giấc ngủ”, “Tăng hiệu quả giấc ngủ” và “Kiểm soát kích thích”; Tuần 2: Đánh giá và điều chỉnh lại lịch trình ngủ; Tuần 3: Điều chỉnh thời lượng nằm trên giường; Tuần 4: Ôn tập kiến thức và cách tự điều chỉnh lịch trình ngủ.

Phần 3 là thang điểm tự đánh giá gồm 4 trang với 2 thang điểm: Thang điểm đánh giá chất lượng giấc ngủ Pittsburgh gồm bảng 9 câu hỏi và cách tính điểm; Bộ câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống EQ - 5D - 5L gồm 5 câu hỏi.

BS.CKII Quách Thanh Hưng cho biết, để có dữ liệu đánh giá, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả can thiệp dược lâm sàng trên bệnh nhân rối loạn mất ngủ.

Kết quả, nhóm đã tổng hợp hoàn thành các mục tiêu đề ra gồm: Khảo sát được các yếu tố nguy cơ của mất ngủ, ảnh hưởng của mất ngủ lên chất lượng cuộc sống và khảo sát việc sử dụng thuốc của người cao tuổi bị rối loạn mất ngủ trên địa bàn TPHCM.

Nhóm nghiên cứu thực hiện xây dựng và thẩm định “Cẩm nang hỗ trợ điều hòa giấc ngủ”. Cẩm nang hoàn thiện gồm 3 phần: Kiến thức về giấc ngủ, các bước thực hành để điều chỉnh giấc ngủ và thang điểm đánh giá chất lượng giấc ngủ Pittsburgh; Đánh giá được hiệu quả can thiệp dược lâm sàng trên bệnh nhân rối loạn mất ngủ, hoàn thành xây dựng và đào tạo quy trình tiếp cận bệnh nhân, đánh giá chất lượng giấc ngủ, chất lượng cuộc sống trước can thiệp dược lâm sàng.

Dựa trên kết quả đã thực hiện cho thấy mô hình BBT-I (Phương pháp điều trị hành vi rút gọn cho bệnh mất ngủ) mang lại hiệu quả trong hỗ trợ điều trị mất ngủ cho người bệnh và có thể được ứng dụng để nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí sử dụng thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân cao tuổi bị mất ngủ có chất lượng cuộc sống thấp ở hầu hết mọi mặt, bao gồm hoạt động chức năng, giới hạn khả năng hoạt động chức năng do sức khỏe thể chất hoặc trạng thái tinh thần, cảm nhận đau và tâm thần tổng quát.

Kết quả của nghiên cứu hiện tại cho thấy các chỉ tiêu sống bị giảm chất lượng là cảm giác đau hoặc khó chịu, sự lo lắng hoặc u sầu (hơn 70% bệnh nhân) và khả năng đi lại (gần 45% bệnh nhân). Kết quả nghiên cứu gợi ý cần chú trọng việc điều trị đau ở bệnh nhân và hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan đến tâm lý để cải thiện mất ngủ ở người cao tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truy cập ngay https://europharmvn.com/idrozoil/ đào thải HPV zma Thẩm mỹ viện Emcas tầm soát miễn phí