Sản phụ là chị T.H. 26 tuổi, ở quận Lê Chân, Hải Phòng, trước đó, được người nhà đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trong tình trạng vỡ ối, âm đạo nhiều máu.
Sau hội chẩn, sản phụ H. được các bác sĩ chẩn đoán: vỡ tử cung trên sản phụ chuyển dạ đẻ lần 3, thai 39 tuần, vết mổ đẻ cũ 22 tháng. Sản phụ H. được chuyển lên phòng mổ mổ cấp cứu.
Lúc đó, kíp trực gồm BS Minh, cùng kíp mổ BSCKII Nguyễn Thị Phương Loan (trực cột I), Ths Phan Thanh Lan (trực cột II) mổ cấp cứu, cứu sống sản phụ cùng thai nhi, cắt lọc chỗ vỡ, khâu bảo tồn tử cung.
Theo BS. Minh, Hiện sản phụ H đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp ổn định, tử cung co hồi tốt.
Sản phụ đang được theo dõi tại BV Phụ sản Hải Phòng.
Vỡ tử cung là tai biến sản khoa, rất nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi và sản phụ, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây tử vong.
Hiện tại, tình trạng mổ lấy thai rất nhiều, cho nên các sản phụ cần biết và quản lý thai kỳ trong quá trình mang thai. Đối với các bà mẹ mang thai có tiền sử sẹo mổ cũ ở tử cung, nên đi khám thai định kỳ và phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa ngay nếu thấy dấu hiệu bất thường để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trước trình trạng mổ lấy thai đang ngày càng trở nên phổ biến trong một bộ phận không nhỏ các sản phụ cùng với quan niệm chọn ngày, giờ “đẹp” cho việc chào đời của bé con đối với không ít gia đình, hậu quả dẫn đến cho sức khỏe các bà mẹ vào những lần mang thai tiếp theo sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Mổ lấy thai không phải là phương pháp sinh an toàn hơn sinh ngả âm đạo như nhiều người vẫn nghĩ. Bản thân tất cả các phương pháp phẫu thuật đều tiềm ẩn những nguy cơ như dị ứng thuốc tê, thuốc mê, nhiễm trùng, tụ máu vết mổ…
Xa hơn nữa, là nhau cài răng lược cho lần mang thai sau vì thai bám sẹo mổ cũ, khuyết hở sẹo mổ lấy thai gây rong huyết, khó khăn trong hỗ trợ sinh sản cho những phụ nữ hiếm muộn, vỡ tử cung…, là những biến chứng khó can thiệp.
Vì vậy, thai phụ không bỏ qua bất cứ buổi khám thai định kỳ nào, đặc biệt là các buổi khám vào những tuần cuối thai kỳ. Nếu đã từng gặp các bất thường về tử cung, nên đi thăm khám theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa tai nạn phát sinh.
Trường hợp mẹ được chẩn đoán có khung chậu hẹp nên chọn sinh ở bệnh viện tuyến trên để được can thiệt kịp thời và đúng cách nhất, đồng thời cấp cứu kịp khi cần thiết.
Đặc biệt, không nên sinh con quá gần nhau bởi rất dễ làm nhão cổ tử cung, gây dễ vỡ. Nhất là các mẹ sinh mổ nên thời gian ít nhất là 2-3 năm mới nên mang thai lại.