Liệu lãnh đạo Hamas có chấp nhận lời đề nghị khó của Israel?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các nhà lãnh đạo Hamas được cho là khó có thể chấp nhận lời đề nghị tị nạn ở một quốc gia khác từ phía Israel.

Lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Gaza
Lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Gaza

Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho là đã đưa ra ý tưởng trục xuất một số thủ lĩnh Hamas sang các nước Trung Đông khác để giúp chấm dứt chiến tranh ở Gaza và dọn đường cho một cơ quan quản lý mới ở vùng lãnh thổ Palestine.

“Đề xuất này kêu gọi cho phép các quan chức hàng đầu của Hamas ở Gaza - bao gồm lãnh đạo chính trị Yahya Sinwar và chỉ huy quân sự Mohammed Deif - chuyển đến một quốc gia khác, như Algeria, Qatar hoặc Saudi Arabia”, trang tin Semafor của Mỹ dẫn lời những người quen thuộc với các cuộc thảo luận của quan chức Israel và Mỹ cho biết.

Các nhà lãnh đạo Hamas đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 gây ra cuộc chiến hiện tại sẽ nằm trong số những người được phép trốn đi lưu vong.

Semafor cho biết, một số quan chức Israel coi kế hoạch này là một cách giúp thuyết phục Hamas giải thoát các con tin còn lại ở Gaza, hạ vũ khí và chuyển quyền quản lý lãnh thổ Palestine cho ban lãnh đạo mới.

Một thỏa thuận hòa bình như vậy sau đó có thể đẩy nhanh thỏa thuận do Mỹ làm trung gian để Saudi Arabia thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

John Hannah, cựu trợ lý Nhà Trắng trong chính quyền Tổng thống George W. Bush, nói với Semafor rằng, việc kết thúc chiến tranh nhanh chóng sẽ mở ra cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và Tây Jerusalem, từ đó chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Ông Hannah gọi thỏa thuận Israel-Saudi Arabia là “mục tiêu lớn của Mỹ”, và cho biết, ông đã thảo luận về kế hoạch lưu vong của Hamas với các quan chức cấp cao của Washington và Tel Aviv trong những tuần gần đây.

Chiến lược để các nhà lãnh đạo Hamas phải sống lưu vong có thể tương tự như sáng kiến năm 1982, trong đó Tổ chức Giải phóng Palestine, do Yasser Arafat lãnh đạo, đã chuyển trụ sở chính đến Tunisia sau khi bị lực lượng Israel bao vây ở Lebanon.

Tuy nhiên, ngay cả khi tìm được một quốc gia sẵn sàng cung cấp nơi trú ẩn an toàn, Semafor cho biết, các nhà lãnh đạo Hamas khó có thể chấp nhận lời đề nghị như vậy.

Một quan chức cấp cao của Saudi Arabia nói với cơ quan truyền thông: “Những lãnh đạo Hamas ở Gaza sẽ không rời đi vì có lẽ họ muốn chết như những kẻ tử vì đạo”. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Hamas biết rằng, người Israel cuối cùng có thể truy lùng và giết họ ở bất cứ nơi nào họ có thể ẩn náu.

Giám đốc Mossad David Barnea hồi đầu tháng này đã thề sẽ trả thù tất cả những người liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10 bất kể họ ở đâu.

Theo các quan chức y tế Palestine, gần 27.000 người Gaza đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người ở Israel và hàng trăm người khác bị đưa trở lại Gaza làm con tin. Hầu hết thương vong của cả hai bên đều là dân thường.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ