(GD&TĐ) - Trước vấn nạn dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan trong thời gian dài gây bức xúc trong dư luận, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư mới về dạy thêm, học thêm. Những quy định đưa ra tại thông tư được đánh giá là đã xây dựng dựa trên nguyên tắc quản lý dạy thêm, học thêm theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả người dạy và người học. Song, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn. Liệu “bài thuốc” này có điều trị được những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm nói chung và ở cấp tiểu học nói riêng?
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Trãi trong giờ chơi giữa buổi học (ảnh nhảy sạp). |
Mặc dù năm học 2012-2013 chỉ mới bắt đầu được vài ba tuần, song hiện tượng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường tiểu học vẫn công khai hoạt động.
Có mặt tại Trường tiểu học Hưng Chính (thành phố Vinh) vào lúc khoảng 08 giờ 30 sáng thứ 7 ngày 22 tháng 9, chúng tôi chứng kiến cảnh một số học sinh ùa ra chơi từ một số lớp học. Mới đầu, ông bảo vệ tưởng chúng tôi là phụ huynh nên đứng nói chuyện vui vẻ ngay tại cổng trường. Thế nhưng khi chúng tôi nói mình là phóng viên thì ông quay ngoắt 180 độ, khóa trái cổng trường, tỏ thái độ gắt gỏng: “Hôm nay nhà trường bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh kém nên Hiệu trưởng, Hiệu phó đều không có ở đây. Mời các vị đi nơi khác cho”.
Không tiếp cận được với lãnh đạo nhà trường, đành phải tìm hiểu qua học sinh. Tất cả các em mà chúng tôi gặp (lúc này nhiều em đang chơi phía ngoài cổng) đều khẳng định đây là ngày đầu tiên các em đi học thêm 2 môn, sáng môn Tiếng Việt, chiều môn Toán. Em Nguyễn Nam Khánh, lớp 4B (do cô giáo Hậu làm chủ nhiệm) thật thà cho biết “Buổi sáng nay bọn cháu học môn Tiếng Việt, buổi chiều học môn Toán; lớp cháu chỉ vắng mấy bạn thôi, còn lại đi học hết”. Em Bùi Đình Thành, lớp 4A (do cô giáo Thủy làm chủ nhiệm) cho hay: “ Đây là buổi đầu tiên học thêm. Lớp có 36 bạn, chỉ vắng hai bạn”.
Rõ ràng, nếu đúng là bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc phụ đạo học sinh yếu kém, chắc ông bảo vệ đã không quyết liệt ngăn cản chúng tôi như thế? Và điều đáng lưu tâm là phụ đạo học sinh yếu kém hay bồi dưỡng học sinh giỏi thì cũng không thể là 100% số học sinh của lớp, của trường.
Gọi điện thoại trao đổi với ông Thái Khắc Tân, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh, ông cho biết hiện đang đi Đô Lương nên không thể trực tiếp đến kiểm tra và khẳng định, nếu đúng là nhà trường đang dạy thêm thì sẽ chấn chỉnh ngay.
Chiều cùng ngày, ông Thái Khắc Tân điện lại cho chúng tôi và cho biết: Đã kiểm tra qua Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Chính và Hiệu trưởng báo cáo, do đại hội chi bộ của Trường họp vào thứ 6 nên nhà trường tổ chức dạy bù vào thứ 7. Câu hỏi đặt ở đây là: Vậy tại sao lại không chuyển lịch đại hội chi bộ vào thứ 7 để khỏi phải đảo lộn hoạt động của trường, lại thuận tiện cho tất cả học sinh và nhiều giáo viên? Và nếu học bù thì phải học bù chương trình của ngày thứ 6, chứ sao lại chỉ học môn Tiếng Việt (buổi sáng) và môn Toán (buổi chiều). Để làm sáng tỏ thực hư, nhất là xem Hiệu trưởng báo cáo với Trưởng phòng có đúng hay không, thiết nghĩ không hề khó, nhưng xin nhường công việc này lại cho ông Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh.
Trong trường thì như thế, ngoài trường như thế nào? Hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tuy không ồn ào nhưng lại âm thầm diễn ra trên diện rộng. Phần lớn các lớp dạy thêm, học thêm hiện nay đều của các thầy giáo, cô giáo đang dạy tại các trường tiểu học công lập.
Qua thông tin từ nhiều cha mẹ học sinh, trong vai người đi xin học thêm cho con cháu, chúng tôi tìm tới nhà cô giáo Nguyễn Thị H, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình để kiểm chứng. Vì không thấy có người quen đưa đến, lại được nhà trường phổ biến thông tư mới của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm nên cô có vẻ rất “cảnh giác” và cương quyết từ chối với lí do “hiện nay không có lớp nào cả, tôi chỉ dạy thêm cho các cháu vào dịp hè”. Trong quá trình nói chuyện, cô tỏ ra khá sốt ruột, hết nhìn đồng hồ, lại liếc ra cửa.
Biết sắp đến giờ lớp học buổi tối của cô bắt đầu, chúng tôi cố tình nán lại trò chuyện, lác đác vài ba cha mẹ học sinh đưa con tới, nhưng khi nhận được “tín hiệu”, họ lại quay ra. Đã nắm rõ lịch học của lớp cô H. từ trước nên chúng tôi ra về và bí mật đứng cách cổng nhà cô vài mét để quan sát. Chừng khoảng 20 phút sau, cha mẹ học sinh lại đưa con quay trở lại nhà cô và buổi học bắt đầu diễn ra. Đợi lớp học của cô ổn định, một đồng nghiệp của chúng tôi lai theo con nhỏ, chủ động kéo toang cánh cửa sắt và giả vờ hỏi nhà. Đồng nghiệp của chúng tôi xác nhận, cô H. đang dạy cho khoảng gần 20 học sinh trong khoảng sân chật hẹp, trên có lợp tôn, xung quanh chất đầy gỗ.
Qua tìm hiểu được biết, lớp học này khai giảng đầu tháng 9, mỗi tuần học 2 buổi (vào tối thứ 4 và thứ 7), với mức học phí 30.000 đồng/buổi/học sinh. Ngoài ra, cô H. còn có một lớp khác, khai giảng từ tháng 6, chủ yếu dạy cho học sinh trong trường. Qua phản ánh của cha mẹ học sinh thì Trường tiểu học Hưng Bình có khá nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm cho học sinh tại nhà; như cô Q.A, cô T, cô H, ... Thực tế dạy thêm ở nhà cho học sinh tiểu học không phải chỉ có ở Hưng Bình mà có ở nhiều phường trên địa bàn thành phố Vinh.
Sáng thứ 7 ngày 22/9/2012, tại Trường Tiểu học Hưng Chính, vì giờ chơi giữa các tiết học không đồng nhất nên lớp ra chơi, lớp đang học |
Lý do phụ huynh cho con theo các lớp học thêm cũng vô vàn. Một số người có nhu cầu thật sự, muốn con cái được học thêm để bồi dưỡng kiến thức, song cũng rất nhiều người muốn con học thêm môn này, môn khác theo phong trào, bất luận con có theo được hay không; số khác thì sợ con bị thầy cô giáo “để ý” nên cứ ghi danh, nộp tiền học thêm đầy đủ, nhưng đi học thì buổi có buổi không.
Đáng trách là có một bộ phận giáo viên vì mục đích lợi nhuận đã dạy thêm bằng mọi cách, gây sức ép đối với học sinh; có thái độ không đúng mực với học sinh không học thêm mình; cho học sinh làm trước theo mẫu bài kiểm tra ở lớp học thêm để thu hút học sinh.
Chị A.V, một phụ huynh ở phường Bến Thủy bức xúc: “Mới vào học hơn hai tuần, cô giáo của con tôi đã cho một đống bài tập, mà đa phần là bài nâng cao, không đi học thêm thì không thể làm được hết bài”. Ngay một cán bộ (xin không nêu tên) của Sở GD&ĐT Nghệ An cũng bày tỏ: “Con tôi học lớp 3 ở một trường tiểu học của TP Vinh, lúc đầu cương quyết không cho cháu đi học thêm vì thấy không cần thiết. Nhưng vào năm học mới được vài ba hôm, cháu về bảo: “Ba cho con đi học thêm nhà cô. Bài cô ra, trong lớp chỉ có mình con không giải được”. Thì ra, nội dung dạy thêm ở nhà, cô giáo đã dạy trước và dạy nâng cao chương trình chính khoá, nếu các cháu không theo học sẽ không “bắt kịp” chương trình”.
Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình (ngôi trường mà theo phản ánh của cha mẹ học sinh, hiện có nhiều giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà) thì đối với cấp tiểu học, nhà trường chủ trương không dạy thêm, nhưng để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh, Trường dự kiến sẽ chọn học sinh giỏi để bồi dưỡng theo hình thức tự nguyện (mỗi khối khoảng 30-40 em).
Bên cạnh đó, phụ đạo cho học sinh yếu kém cũng sẽ thực hiện với số lượng tương tự. Còn về tình hình dạy thêm tại nhà của giáo viên, do bản thân mới chuyển về công tác tại trường được hơn 1 tháng nên chưa nắm bắt được cụ thể. Tuy nhiên, nhà trường cũng đã tổ chức quán triệt nghiêm túc Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ qui định về dạy thêm, học thêm cho giáo viên và yêu cầu họ cam kết không dạy thêm tại nhà. Nhưng thực tế cũng rất khó để kiểm soát vấn đề này. Bởi giáo viên có thể “lách luật”, “đối phó” bằng cách chia nhỏ lớp học. Khi mình phát hiện ra vi phạm thì họ bảo là dạy kèm cho con cháu trong nhà, rất khó xử lý. Quan điểm của nhà trường là nếu giáo viên vi phạm một vài lần đầu sẽ nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ xử lý bằng cách đề nghị cấp trên chuyển họ đi trường khác.
Một thầy giáo đã 32 năm công tác trong ngành giáo dục cho rằng, trong khi người người, nhà nhà và cả xã hội coi trọng bằng cấp; tên tuổi một ngôi trường tiểu học lại được cấp trên gắn với bảng kết quả học sinh thi vào lớp 6 trường chuyên (trá hình) như hiện nay, thì việc dạy thêm, học thêm là điều tất nhiên. Và người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trào lưu này chính là các em học sinh. Với lịch học kín mít, ngày 2 buổi 7-8 tiếng học ở trường; tối lại đi học ở nhà thầy cô giáo; thứ bày, chủ nhật không học thêm tiếng Việt, Toán thì cũng học thêm đủ thứ: nhạc, họa, tiếng Anh…đã biến các em thành những cái máy, thành những chú “gà công nghiệp”.
Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học là đúng. Nhưng cấm vẫn không ăn thua, phải xử lý nghiêm người vi phạm lệnh cấm mới được. Song, có một giải pháp rất hữu hiệu, tác động lớn đến các nhà trường, giáo viên, học sinh và cả cha mẹ học sinh, đó là xoá bỏ ngay các trường trung học cơ sở chuyên hiện đang tồn tại trá hình ở TP Vinh và các huyện. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Trung ương Đảng khoá VIII quy định không tổ chức lớp chọn ở các cấp học; không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS là hoàn toàn đúng, rất tiếc là từ đó (1996) đến nay, nhiều địa phương đã không chịu thực hiện một cách nghiêm túc quy định này.
Một số thầy cô giáo tâm huyết với nghề cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan là do xuất phát từ chuyện dạy chính khóa của giáo viên. Vì thầy dạy chưa hay nên trò mới phải tìm thầy khác, hoặc ở lớp thầy chưa dạy hết lòng nên trò phải đến nhà thầy học thêm. Do vậy khi thầy dạy tốt, tâm huyết thì chẳng có lí do gì để tổ chức dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh nhận thức của cha mẹ học sinh về dạy thêm, học thêm còn bất cập thì ý thức, trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là người quản lý rất quan trọng. Bởi nếu hiệu trưởng cương quyết, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để làm gương, nếu thầy cô giáo cương quyết nói không với dạy thêm và chủ động tuyên truyền cho cha mẹ học sinh rằng học thêm ở cấp tiểu học là không cần thiết thì sẽ không có tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Đức Phúc Ly