Liệu có tình trạng đầu tư dàn trải?

Liệu có tình trạng đầu tư dàn trải?

(GD&TĐ) - Lần đầu tiên, tỉnh Quảng Nam thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông bằng phương thức xét tuyển và cơ hội được vào các trường công lập của học sinh chiếm tới 90%. Tuy nhiên, tâm điểm sự chú ý của dư luận lại đang hướng về một điểm mới khác: đó là năm học mới 2012-2013, Quảng Nam sẽ có thêm Trường THPT Chuyên Bắc Quảng Nam (bên cạnh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm). Có khá nhiều ý kiến xung quanh sự kiện này.

Thí sinh tại trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ra về sau buổi thi môn Toán sáng 4/7.
Thí sinh thi vào trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ra về sau buổi thi môn Toán sáng 4/7/2012

Sự hoài nghi có cơ sở 

Theo ý kiến của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, việc thành lập Trường THPT Chuyên ở địa phận Bắc Quảng Nam là phù hợp với điều kiện cho phép, vì hiện tại, số lượng HS của Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm mới chiếm tỷ lệ hơn 1% ( tỷ lệ cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2%).  Là nơi đào tạo nhân tài của cả tỉnh nhưng trong thực tế thì phần lớn HS theo học tại trường là con em của TP.Tam Kỳ và các huyện lân cận Thăng Bình, Phú Ninh và Núi Thành. Các huyện phía bắc của tỉnh như Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An hầu như không có.

Xét ở phương diện bình thường, việc thêm một trường THPT Chuyên nữa sẽ mở ra cơ hội được vào một môi trường giáo dục chất lượng cao cho HS Quảng Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm trước tuyển sinh, nhiều người vẫn còn bán tín, bán nghi…

Sự hoài nghi là hoàn toàn có cơ sở! Xin được nhìn nhận lại thực trạng tồn tại và hoạt động của ngôi trường chuyên đã có-Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bạn đọc hẳn chưa quên chỉ cách đây khoảng vài, ba năm, dư luận còn lên tiếng về sự “làng nhàng” của ngôi trường chuyên “không ra chuyên” này không chỉ ở sự tạm bợ về CSVC. Trường không thu hút được GV giỏi ở các trường khác về dạy và cũng chưa thu hút được một cách đông đảo những HS xuất sắc trên địa bàn tỉnh vào học. Khá đông HS của Quảng Nam hàng năm đã phải “khăn gói” ra tận Đà Nẵng nộp hồ sơ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn. Đó là chưa kể một số gia đình có điều kiện đã cho con em vào tận TP Hồ Chí Minh để thi vào trường chuyên.

Nhận rõ những bất cập của Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 10 năm hoạt động, UBND tỉnh Quảng Nam đã có ban hành những chính sách, giải pháp về đầu tư xây dựng CSVC, mua sắm trang thiết bị. Dự án đầu tư xây dựng Trường được triển khai năm 2010, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 232,5 tỷ đồng.  Ngoài chế độ học bổng khuyến khích học tập theo Quyết định 44 (ngày 15.8.2007) của Bộ GD-ĐT, HS trường chuyên được hưởng thêm một số chế độ ưu đãi của tỉnh như trợ cấp khuyến khích tài năng hằng tháng, hỗ trợ sinh hoạt phí và bố trí chỗ ở nội trú, học phẩm và trang phục. Riêng HS đoạt giải tại các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế sẽ được cấp học bổng, mức cao nhất có thể lên đến hơn 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đối tượng HS, chính sách thu hút, khen thưởng đối với CB, GV cũng được ưu đãi với mức khá cao. Chẳng hạn, SV tốt nghiệp đại học loại giỏi hoặc có bằng thạc sĩ có nguyện vọng về trường công tác lâu dài từ 5 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút mỗi tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu và trong thời gian 12 tháng, GV giỏi hoặc có bằng thạc sĩ từ các trường THPT về trường được hỗ trợ tiền thu hút trong vòng 24 tháng và còn được hỗ trợ một phần tiền đất ở, được tạo điều kiện đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đối với những GV có HS đoạt giải quốc gia, quốc tế, mức thưởng cao nhất có thể lên đến trên 40 triệu đồng…

Từ một trường chuyên gần như là con số không suốt thời gian dài, cho tới nay, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được đẩy lên hàng“ Bảng A” về chính sách đầu tư ưu đãi trong cả nước. Tuy nhiên, dẫu dư luận đã bớt cái nhìn khe khắt trong đánh giá như trước đây, thì vẫn chưa thể nhận ra ngôi trường đã có sự chuyển biến về chất. Không những thế, số HS đạt giải qua kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012 giảm sút nhiều so với năm 2011 (giảm 7 giải). Đội ngũ GV còn quá hiếm những “cây đa, cây đề” trong làng giáo như nhiều trường chuyên khác trong cả nước…

Đâu là chướng ngại vật? 

Một cơ sở hạ tầng mới, khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị; một cơ chế thông thoáng và rộng mở, đó là những yếu tố cần thiết để phát triển. Nhưng với một môi trường GD có tính chuyên biệt, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nguồn lực chất lượng cao và tài năng thì xem ra chưa đủ.

Qua thăm dò ý kiến cơ sở, có thể thấy sự phát triển loại hình trường chuyên ở Quảng Nam còn thiếu yếu tố quan trọng, được coi là cốt lõi, đó là năng lực của đội ngũ CBQL và GV. Có người cho rằng, trường chuyên ở Quảng Nam“có vỏ mà chưa có ruột”.

Có thể thấy, những GV dạy giỏi (ở những trường chuyên thuộc hàng tên tuổi) thường có tố chất vượt trội so với GV bình thường. Họ có lửa say mê nghề nghiệp, có cả kinh nghiệm lẫn sức bật trong chuyên môn, từ đó, mới có thể “truyền lửa” cho những tài năng trẻ. Trong “Đề án phát triển trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm giai đoạn 2010-2020” của Quảng Nam, cũng đã đưa ra nhiều mục tiêu kèm theo giải pháp về phát triển CBQL, GV; nhưng xem ra còn hết sức chung chung, dàn trải, chưa có điểm nhấn làm bàn đạp để vượt qua chướng ngại vật.

Hãy bắt đầu từ khâu tuyển dụng CB, GV về trường Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- Quảng Nam: Thiếu sự ổn định ngay ở đội ngũ CBQL; phần lớn là GV trẻ có bằng cấp nhưng ít kinh nghiệm, do phòng tổ chức cán bộ thuộc Sở tuyển dụng, điều động (không loại trừ một số trường hợp nể nang, thân thích), là thực trạng chung những năm qua. 

Trở lại việc thành lập mới Trường THPT Chuyên Bắc Quảng Nam, Sở vừa đề ra các tiêu chuẩn tuyển dụng : GV dạy giỏi cấp trường 3 năm liên tục, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3 năm liên tục, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, có kinh nghiệm giảng dạy từ 5 năm trở lên, học vị thạc sĩ trở lên hoặc có khả năng theo học thạc sĩ sau khi về trường, không quá 40 tuổi, ưu tiên ứng viên sử dụng tiếng Anh để giảng dạy… Xem qua, có thể thấy lãnh đạo Sở đã rất quan tâm tới vấn đề năng lực. Nhưng với đối tượng GV chuyên, nếu chỉ thiên về các danh hiệu thi đua trên bề mặt, thì e còn thiếu cơ sở bền vững. Dư luận còn lấy câu phương ngôn “thầy giáo già, con hát trẻ” để cho rằng, việc khống chế độ tuổi không quá 40 rất dễ làm “lọt sàng” những GV giàu kinh nghiệm, đã trải qua thực tế giảng dạy, bồi dưỡng HS giỏi lâu năm ( lực lượng truyền nghề cho đồng nghiệp trẻ).

Điều đáng nói hơn nữa, việc tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Bắc Quảng Nam chỉ đưa ra điều kiện HS có học lực, hạnh kiểm khá, xếp hạng tốt nghiệp khá, môn chuyên không dưới 7.0, đã lộ rõ áp lực đầu vào. Liệu có được bao nhiêu HS thật sự “có tư chất thông minh, giỏi nhiều môn học…”( như mục tiêu chung đề ra với HS chuyên) ở ngôi trường chuyên mới thành lập này ? Liệu vẫn có tình trạng HS ở Quảng Nam ra Đà Nẵng để học trường chuyên như trước hay không?

Không biết khi quyết định mở thêm một trường chuyên nữa, Quảng Nam có đặt câu hỏi: tại sao hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các thành phố lớn có truyền thống trong bồi dưỡng nhân tài nhiều năm qua chỉ tập trung đầu tư cho một trường chuyên? Thiết nghĩ, việc phát triển hệ thống trường lớp, mở rộng quy mô là chủ trương đúng đắn, nhưng để chủ trương đi vào hiện thực một cách hiệu quả, thì phải tính đến các điều kiện chín mùi, đặc biệt là yếu tố chất lượng! 

Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Quảng Nam, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam được thành lập theo quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 31/5 của UBND Tỉnh Quảng Nam; Trụ sở của Trường trước mắt đặt tại Trường THPT Trần Quý Cáp, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam. UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường và chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2012-2013. Kỳ thi tuyển diễn ra trong 2 ngày 4-5/7, với 280 chỉ tiêu vào lớp 10 ở tám lớp chuyên toán, văn, lý, hoá, sinh, tiếng Anh, tin học và sử địa.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.