Liên tục trẻ em bị chó cắn kinh hoàng, phòng tránh và xử lý thế nào?

GD&TĐ - Gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra những tai nạn rùng mình về nhiều trường hợp, phần lớn là trẻ em bị chó nhà tấn công để lại hậu quả tang thương, thậm chí đổi bằng tính mạng.

Cháu Trần Trường T. (3 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM) bị chó nhà cắn, được gia đình chuyển đến trong tình trạng nhiều vết thương chằng chịt nham nhở tập trung chủ yếu trên vùng mặt trái, phải khâu 200 mũi.
Cháu Trần Trường T. (3 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM) bị chó nhà cắn, được gia đình chuyển đến trong tình trạng nhiều vết thương chằng chịt nham nhở tập trung chủ yếu trên vùng mặt trái, phải khâu 200 mũi.

Vậy, cách nào để phòng tránh và xử lý kịp thời trong trường hợp không may bị loài vật gần gũi này gây thương tích.

Báo động tình trạng chó nhà tấn công

Ngày 19/11 vừa qua, cháu Nguyễn Đình Đồng (SN 2012, trú tại xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) bị chó nhà cắn. Hậu quả, cháu bị nhiều vết thương vùng mặt, mũi, đầu và nguy hiểm nhất là tổn thương vùng hốc mắt, đứt ống tuyến lệ.

Trước đó, ngày 12/10, bé trai 2 tuổi ở Cao Bằng, sau khi bị chó béc-giê 40 kg cắn dã phải nhập viện trong tình trạng tổn thương nhiều vùng má và da đỉnh đầu trái, rạn sọ. Đáng lưu ý, toàn bộ nhãn cầu trái bị trật ra khỏi hốc mắt, nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày 6/10, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu cho một bệnh nhi 31 tháng tuổi trong tình trạng tổn thương rất nặng vùng mặt do bị chó nhà cắn, với nhiều vết thương hở, chảy máu nhiều ở đầu, mặt. Vùng quanh mí mắt trái sâu, mất hết tổ chức. Ở trán cháu Y có vết thương sâu sát xương.

Kinh hoàng hơn, chỉ trong vòng 5 ngày (18-25/3), BV Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 cháu bé (13 tuổi và 9 tuổi) mắc bệnh dại, hậu quả từ việc bị chó nhà tấn công. Đáng tiếc là cả 2 cháu đều tử vong do bệnh quá nặng…

Được biết, cả 2 trường hợp khi bị chó cắn đều không thông báo cho bố mẹ biết, để khi biểu hiện bệnh trên cơ thể thì mới được phát hiện. Lúc đó, các bác sĩ không thể cứu chữa được nữa.

Đó là một vài thống kê sơ bộ, báo động về tình trạng mất cảnh giác với vật nuôi, gây hậu quả đáng tiếc.

Khuyến nghị từ bác sĩ chuyên ngành

Theo khuyến cáo của PGS.TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi (BV Nhiệt đới Trung ương): Khi bị chó, mèo hoang cắn thì phải tiêm phòng dại ngay lập tức, vì không biết nguồn gốc vật nuôi đó ở đâu để theo dõi.

"Tuyệt đối khi bị chó cắn hoặc khi thấy chó ốm, người nhà không được đập chết chó hoặc bán chó trong vòng 10 ngày. Làm như vậy không những không theo dõi được tình trạng của chó, mà trong trường hợp chó bị bệnh thì vô tình làm phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Vì chó dại thường cắn lung tung, thậm chí người giết mổ khi bị dãi con chó mắc dại rớt vào vùng cơ thể bị chầy xước thì cũng có nguy cơ mắc bệnh dại", PGS Huy cảnh báo.

Ngoài ra, cần phải giáo dục cho trẻ cách phòng tránh, cũng như xử lý ban đầu khi bị chó, mèo cắn.

Cháu T.T.H.Y (31 tháng tuổi, trú ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) trong tình trạng bị nhiều vết thương ở vùng mặt do bị chó nhà cắn
 Cháu T.T.H.Y (31 tháng tuổi, trú ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) trong tình trạng bị nhiều vết thương ở vùng mặt do bị chó nhà cắn

Còn theo Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh (Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), trong trường hợp không may bị chó tấn công, cần bình tĩnh và xử trí đúng cách

- Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.

- Băng ép cầm máu nếu có tổn thương chảy máu nhiều, không nên băng quá kín nếu không chảy máu.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm văcxin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày.

Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm văcxin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm văcxin.

Đối với các trường hợp bị cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; hoặc có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu thì phải tiêm đồng thời cả văcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Phải tiêm phòng dại trong những trường hợp bị vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó hoặc con chó đang bị ốm.

Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm văcxin. Khi tiêm văcxin dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại văcxin, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.

Có thể đến Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng, Trung tâm y tế dự phòng, Đội vệ sinh phòng dịch các quận huyện để tiêm phòng dại, riêng huyết thanh kháng dại chỉ đến Viện Pasteur và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mới có.

Triệu chứng dại ở động vật

- Hung dữ khác thường.

- Nước dãi nhiều.

- Giọng sủa khàn.

- Liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết.

- Triệu chứng dại của mèo giống của chó, nhưng mèo thích lánh vào chỗ tối, rất nguy hiểm.

Biện pháp phòng chống bệnh dại

Theo khuyến cáo chung của các bác sỹ, với những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, không thả chó nếu không có rọ mõm.

Người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ. Không nên điều trị thuốc Nam khi bị chó, mèo dại cắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.