Liên tục để mất đất lâm nghiệp

GD&TĐ - Được giao quản lý 2.700 ha đất rừng, tuy nhiên sau nhiều năm, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Gia Hội (Gia Lai) để mất trên 2.000 ha rừng và đất rừng.

Không chỉ đất mà ngay cả rừng cũng bị mất.
Không chỉ đất mà ngay cả rừng cũng bị mất.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thị xã An Khê (Gia Lai) có đến hàng ngàn ha đất lâm nghiệp với hàng trăm ha rừng bị một số người dân tự ý xâm hại, phát cây chiếm dụng trái phép. Trong đó, “nóng”nhất là địa bàn thị xã An Khê.

Ở thị xã này có 2 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) đứng chân là BQL RPH Bắc An Khê và BQL RPH Ya Hội. Theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, 2 BQL RPH trên được giao quản lý đất lâm nghiệp với tổng diện tích trên địa bàn thị xã An Khê là hơn 2.700 ha.

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành mới đây: BQL RPH Bắc An Khê được giao quản lý là hơn 1.466,37 ha, tuy nhiên tổng diện tích đất rừng bị mất: 1.266,4 ha, chiếm 86,3%. Trong đó đất có rừng bị mất 430,63 ha (rừng tự nhiên: 211,53 ha, rừng trồng: 219,1 ha), chiếm tỷ lệ: 34% tổng diện tích rừng mất.

Còn tại BQL RPH Gia Hội được giao quản lý 1.293,26 ha đất rừng. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm so với được giao khi thành lập Ban là 771,41ha, chiếm 59,6%. Đất có rừng bị lấn chiếm: 181,25 ha, chiếm tỷ lệ: 23,5% so với diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm.

Đoàn liên ngành đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới việc mất rừng và đất rừng: Tình trạng lấn chiếm đất rừng xảy ra trong nhiều năm đã không được đơn vị chủ rừng phát hiện, ngăn chặn. Chủ rừng chưa làm tốt nhiệm vụ được giao. Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả.

Công tác giám sát, đôn đốc việc thực thi sau khi có quyết định xử lý vi phạm phần diện tích rừng bị lấn chiếm chưa thu hồi được, nên những cá nhân phá rừng, sau khi bị xử lý vẫn ngang nhiên sử dụng phần diện tích lấn chiếm trái phép. Các cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp ngăn chặn, do vậy tính răn đe trong công tác xử lý không cao.

Để biện minh cho mình, các Ban quản lý rừng báo cáo rằng do địa bàn rộng, phức tạp, nằm xen kẽ giữa nương rẫy của người dân, có nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẽ của các hộ dân với diện tích đất lâm nghiệp thuộc lâm phần của BQL RPH quản lý. Do đó, tình trạng chặt phá ken cây và lấn, chiếm đất trồng rừng vẫn tiếp diễn, rừng trồng được khai thác đến đâu thì các hộ dân lấn, chiếm ở đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ