Học viên không chỉ được cọ xát với thực tế, tích luỹ kinh nghiệm mà còn có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới.
Liên kết, mở rộng cơ hội việc làm
Nhiều năm qua, để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, các trường cao đẳng đã chú trọng tăng thời lượng học thực hành, trang bị nhiều hơn cho sinh viên kiến thức ngoại ngữ. Đặc biệt, các trường đã kết nối với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên giải bài toán tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi ra trường.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, từ nhiều năm trước nhà trường đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo chia sẻ của TS Lê Danh Quang, Trưởng khoa Công nghệ ô tô:
“Nhà trường không chỉ chú trọng đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các công ty, nhà máy ở trong nước mà còn tập trung mở rộng liên kết với các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Đức, Australia… để tạo cơ hội thực tập cũng như cơ hội được làm quen với môi trường làm việc thực tế ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế giảng đường. Nhiều doanh nghiệp như Nissa, Toyota… đã nhận sinh viên của chúng tôi từ năm cuối với mức thu nhập khá hấp dẫn”.
TS Lê Danh Quang cũng cho biết thêm, chính vì nhu cầu về nhân lực trong thực tế lớn như vậy nên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội đã đặc biệt chú trọng đầu tư cho khâu thiết kế chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và “đầu ra” cho người học. Với những sinh viên mong muốn tìm cơ hội việc làm ở thị trường Nhật Bản nhà trường sẽ kết nối với các đơn vị liên kết, chú trọng vấn đề dạy nâng cao tay nghề, bồi dưỡng chuyên môn.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, ngay sau khi sinh viên nhập học, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội tổ chức tư vấn, định hướng để các em xây dựng kế hoạch học tập từ năm nhất đến năm cuối, có kế hoạch cụ thể và mục tiêu rõ ràng.
Trong quá trình học sinh viên sẽ có động cơ học tập đúng đắn, tích lũy được kiến thức, kỹ năng để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và tìm kiếm được cơ hội tốt trong thị trường lao động. Làm nghiêm túc việc lập kế hoạch học tập, sẽ tránh được tình trạng sinh viên bị hổng kiến thức, tay nghề kém, bỡ ngỡ trong quá trình thực hành, làm việc. Nhờ vậy, nhiều sinh viên của trường ngay trong kỳ thực tập tại cơ sở đã được doanh nghiệp trả lương.
TS. Lê Danh Quang, Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội. Ảnh NVCC. |
“Ngoài ra, các em sẽ được học tăng cường ngoại ngữ (tiếng Nhật) để sau khi ra trường vừa có tay nghề vững, vừa sử dụng thành thạo ngoại ngữ, giúp ích cho quá trình làm việc. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên sẽ trải qua một cuộc phỏng vấn nhằm đánh giá khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Kết quả sẽ là câu trả lời chính xác cho cơ hội của các em”, TS Lê Danh Quang cho biết.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội đã thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo, ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giảng dạy và thực hành.
Đối với chương trình đào tạo nghề công nghệ ô tô, nhà trường đặc biệt chú trọng đến mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Mitsubisi Motor Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam… để có thể đưa sinh viên đến thực tập, rèn luyện tay nghề.
Theo PGS.TS Tăng Huy, Chủ nhiệm Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội: “Với nghề công nghệ ô tô, cũng là thế mạnh trong đào tạo của nhà trường, chúng tôi đã tích cực vận động hợp tác và đã có một số doanh nghiệp tài trợ ô tô, động cơ của ô tô… để làm trang thiết bị phục vụ giảng dạy thực hành cho sinh viên. Nhờ đó các em có thêm điều kiện làm quen với máy móc, cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực ô tô và nâng cao chất lượng đào tạo lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành”.
Từ khởi đầu được trực tiếp làm quen với các điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp đó, sinh viên sẽ nhận thức được mình còn thiếu gì, cần phải nâng cấp bản thân như thế nào để có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tốt, có thu nhập tương xứng sau khi ra trường.
Không chỉ vậy, trong chương trình đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội đã bố trí tăng thời lượng dạy thực hành gấp đôi lý thuyết. Mỗi môn học cơ sở nghề và môn học nghề đều có hai điểm thi lý thuyết và điểm thực hành. Đặc biệt, chất lượng đào tạo thực hành của sinh viên còn được nâng cao thông qua việc tính và đánh giá thời gian các em thực tập tại các doanh nghiệp.
“Trong chương trình đào tạo, sinh viên có ba đợt thực tập gồm: Thực tập nhận thức, thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp. Các đợt thực tập trên đều được tổ chức tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực ô tô.
Đây là cơ hội tốt cho sinh viên được tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong công nghiệp ô tô và làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Chúng tôi tin là đã tìm ra cách khơi dậy được niềm đam mê nghề nghiệp cũng như tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp”, PGS Tăng Huy khẳng định.
Hàng năm, Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội có trung bình khoảng 400 - 500 sinh viên tốt nghiệp nghề Công nghệ ô tô, Khoa Cơ khí. Qua phiếu khảo sát của nhà trường, hầu hết các sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp đều có công việc làm đúng chuyên ngành. Một số sinh viên có năng lực và thái độ thực tập tốt đã được doanh nghiệp tuyển dụng ngay trong quá trình thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
“Bất kể ngành nào cũng vậy, trong suốt quá trình học, sinh viên phải xây dựng cho bản thân kế hoạch, mục tiêu học tập rõ ràng. Khi học phải yêu chuyên ngành liên quan đến nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi, có hoài bão lập nghiệp để khai thác hiệu quả 3 năm học tại trường, đạt được các tiêu chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo. Đối với sinh viên, thời gian thực hành, thực tập rất quý giá, do đó, các bạn cần phải tận dụng tối đa mỗi giờ học này, không ngại vất vả, có tinh thần tự chủ, trách nhiệm với bản thân cũng như nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn”. - PGS.TS Tăng Huy, Chủ nhiệm Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội