Liên kết nhà trường - doanh nghiệp để nâng chất lượng dạy nghề

Liên kết nhà trường - doanh nghiệp để nâng chất lượng dạy nghề
Hình thức đào tạo theo hợp đồng giữa trường nghề và các doanh nghiệp sẽ tạo mối liên kết, đảm bảo tính thực tiễn cho chương trình học, xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp không “chuộng” lao động đã qua đào tạo.
Đào tạo nghề bài bản, gắn với thực tiễn mới tạo được việc làm bền vững.
Đào tạo nghề bài bản, gắn với thực tiễn mới tạo được việc làm bền vững.

Theo đánh giá của các chuyên gia lao động, phần lớn lao động Việt Nam tại các KCN-KCX thiếu kỹ năng và trình độ cao trong chuyên môn. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc trước dự định tham gia đầu tư, sản xuất tại thị trườngViệt Nam.

Vẫn phải đào tạo lại lao động

Phó Trưởng ban Ban Quản lý KCX- KCN TPHCM Nguyễn Tấn Định cho biết, trong 13 KCX-KCN của TPHCM có khoảng 250.000 lao động làm việc tại hơn 1.000 doanh nghiệp. Nhưng một nửa số lao động này chỉ có trình độ tiểu học và trung học cơ sở.

Còn theo thống kê của Ban Quản lý KCN-KCX Hà Nội, trong số hơn 115.000 lao động, có tới 65% chưa qua đào tạo nghề. Trong khi đó, mục tiêu phát triển các KCN theo hướng khu công nghệ sạch, công nghệ hỗ trợ đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ và tiếp thu được công nghệ mới.

Lý giải về điều này, Phó trưởng Ban Quản lý KCN-KCX Hà Nội Ngô Chí Hùng cho biết, phần lớn DN hoạt động tại các KCN-KCX của Hà Nội thuộc ngành chế tạo linh kiện và lắp ráp điện tử. Thiết bị và công nghệ đa số là dây chuyền tự động hóa nên cần lao động phổ thông nhiều hơn lao động có tay nghề.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chế tạo những sản phẩm mới, công nghệ cao như chế tạo linh kiện điện tử trong phòng sạch, sản xuất màn hình cảm ứng, màn hình có độ bền cao hay điều khiển thiết bị tự động chân không... thì lại chưa có trong chương trình đào tạo của các trường dạy nghề.

Như vậy, chất lượng nguồn lao động đã qua đào tạo hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng thiết bị công nghệ cao, công nghệ mới đã dẫn đến tình trạng lao động đã qua đào tạo không được các doanh nghiệp "chuộng". Vì vậy, các doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Dạy nghề theo “đặt hàng”

Đánh giá về chất lượng dạy nghề, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề Nguyễn Thị Hằng cho rằng, cần khắc phục rào cản dạy nghề hiện nay là nhận thức coi nhẹ đào tạo lao động lành nghề, thích làm “thầy” hơn làm “thợ”. Vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng nguồn lao động, sao cho sau khi đào tạo người lao động có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cả về kỹ thuật và ý thức kỷ luật.

Theo ông Ngô Chí Hùng, cần có đề án nghiên cứu cụ thể về nhu cầu lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường các hình thức hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp trong việc phổ biến các kiến thức cơ bản như: ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp…

TP Hà Nội cũng nên có quy định cho áp dụng hình thức đào tạo theo hợp đồng giữa trường nghề và các doanh nghiệp để tạo mối liên kết và đảm bảo tính thực tiễn cho chương trình đào tạo; căn cứ theo quy hoạch sử dụng đất của các KCN sắp được giải phóng mặt bằng để có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn mất đất canh tác, thiếu việc làm.

Sắp tới, Luật Dạy nghề sửa đổi được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều cơ hội mới để có tầm nhìn chiến lược trong phát triển lực lượng lao động, xác định lại các mục tiêu trong xây dựng hệ thống dạy nghề.

Sau hơn 5 năm áp dụng, Luật Dạy nghề đã đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung. Sau nhiều lần thảo luận, đến nay ban soạn thảo đã xác định có 56 vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ gắn với tư tưởng đổi mới, hướng tới chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa để phù hợp hơn với các văn bản pháp luật khác, tạo ra hệ thống pháp luật dạy nghề đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở thực hiện tốt Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020.

Dự thảo Luật Dạy nghề tập trung vào việc sửa đổi các nội dung về trình độ dạy nghề, thời gian học nghề, hình thức cấp chứng chỉ nghề, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong dạy nghề, sử dụng Quỹ phát triển dạy nghề… Dự thảo này sẽ tiếp tục được lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân để hoàn thiện trình Quốc hội vào năm 2014.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ