Liên kết để đáp ứng nhu cầu lớn và đa dạng về nguồn nhân lực

Liên kết để đáp ứng nhu cầu lớn và đa dạng về nguồn nhân lực

(GD&TĐ) - Ngày 25-12, tại TP. Quy Nhơn, Bộ kế hoạch và đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị nghị quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Nam Trung bộ, giai đoạn 2011-2020 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý; Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và 8 tỉnh, thành trong khu vực.

Vùng Duyên hải Nam Trung bộ có 8 tỉnh, thành là: TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hóa, Ninh Thuận và Bình Thuận với diện tích tự nhiên hơn 33.000 km2 , dân số khoảng 8,7 triệu người, chiếm 10,2% dân số cả nước. Các tỉnh ở khu vực này đều có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, kinh tế biển, nuôi trồng  - chế biến thủy hải sản; dịch vụ hàng hải, khai thác khoáng sản… Đặc biệt, nhờ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi nên những năm gần đây nền kinh tế của các tỉnh trong khu vực phát triển tương đối khá toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ khá cao và chất lượng tăng trưởng cũng từng bước được cải thiện. Đặc biệt, những năm gần đây, các tỉnh trong khu vực đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống hơn 10 cảng biển, 6 cảng hàng không, 5 khu kinh tế và hàng chục khu công nghiệp lớn … góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý phát biểu tại hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý phát biểu tại hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Vùng Duyên hải Nam Trung bộ đang có lợi thế và nhiều cơ hội phát triển hơn một số vùng khác của Việt Nam. Đây sẽ là khu vực phát triển năng động có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, để làm được điều này, các tỉnh trong khu vực cần phải có giải pháp liên vùng về phát triển nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động của khu vực có khoảng 11,5 triệu người, chiếm 61% dân số. Trong đó, lao động trong các ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm 55,3%; Công nghiệp và xây dựng 20,2%; dịch vụ 24,5%. Dự báo đến năm 2015, số người trong độ tuổi lao động của khu vực sẽ tăng lên 12,5 triệu người, chiếm 63% dân số và đến năm 2020 số người trong độ tuổi lao động của khu vực sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 13,5 triệu người, chiếm 64,5% dân số. Trong đó, đến năm 2015, lao động trong các ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm 46,1%; Công nghiệp và xây dựng 25,6%; dịch vụ 28,3% và đến năm 2020 lao động trong các ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm 34,5%; Công nghiệp và xây dựng 32,%; dịch vụ 33,2% .

Điểm đáng chú ý nhất là tại các tỉnh vùng Nam Trung bộ nhiều năm nay luôn xảy ra tình trạng thừa lao động phổ thông và thiếu lao động có tay nghề, nhất là thiếu nhân lực cho các ngành kinh tế biển – một trong những mũi nhọn kinh tế của khu vực. Đặc biệt, sắp tới đây, khi mà các tỉnh tập trung đầu tư phát triển 5 khu kinh tế: Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong và Nam Phú Yên cùng hàng chục khu công nghiệp và các dự án du lịch … thì nhu cầu nhân lực cho các tỉnh là rất lớn, trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao. Do vậy, Bộ kế hoạch và đầu tư đề nghị các tỉnh trong khu vực mỗi tỉnh cần tự cân đối nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương; nhu cầu cần phải đào tạo và các ngành cần đào tạo để Bộ kế hoạch và đầu tư cùng Bộ GD-ĐT phối hợp xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, các tỉnh cần phải có các giải pháp liên kết để phát triển nguồn nhân lực.

Tại hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất một số giải pháp liên vùng về phát triển nhân lực cho khu vực Nam Trung bộ. Trong đó, Bộ này đề nghị các tỉnh cần tập trung vào các giải pháp như: Ban hành cụ thể các chế độ, chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài; các chính sách về lương, phụ cấp và các ưu đãi khác để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật từ các vùng đến công tác và làm việc lâu dài;  Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức và đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp; Có chính sách và biện pháp phát triển mạnh nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ.  Đối với các khu kinh tế đã có định hướng phát triển, cần xây dựng kế hoạch và triển khai dần công tác đào tạo công nhân kỹ thuật cho các ngành nghề chủ yếu dự kiến phát triển trong khu kinh tế. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quy hoạch phát triển mạng lưới đào tạo và dạy nghề nội vùng; hợp tác liên vùng và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực; Xã hội hoá công tác đào tạo nói chung và công tác đào tạo nghề nói riêng. Ngoài ra, các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo để đến năm 2020 có khoảng 35-40% thanh niên trong nhóm tuổi 18-24 trong vùng được học tập ở bậc đại học.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét cho thành lập thêm một số Trường đại học tại các tỉnh trong khu vực như: Đại học y tế cộng đồng; Đại học văn hóa nghệ thuật và nâng cấp một số trường cao đẳng tai các tỉnh thành trường đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các tỉnh. Theo Bộ GD-ĐT, toàn vùng Nam Trung bộ hiện có 14 Đại học và trường đại học; 1 phân hiệu Đại học ở Ninh Thuận; 31 trường cao đẳng, 23 trường trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi tỉnh đều có từ 1-2 trường đại học, cao đẳng, mọt số tỉnh có 4-5 trường (trừ Ninh Thuận). Năm học 2009-2010, các trường này có quy mô đào tạo 172.126 sinh viên hệ chính quy. Số sinh viên chính quy đạt tỷ lệ 197 sinh viên trên 1 vạn dân, tương đương với tỷ lệ trung bình của cả nước. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực, trong giai đoạn 2010-2015, Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập cho các tỉnh khó khăn, các ngành trọng điểm, mũi nhọn; phấn đấu đạt 280 sinh viên trên 1 vạn dân vào năm 2015. Khi đó, tổng số sinh viên của vùng sẽ đạt khoảng 272.000 sinh viên. Đến năm 2010, Bộ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo một cách hợp lý cho các trường đại học, cao đẳng trong vùng và sẽ tiếp tục thành lập mới các trường đại học và cao đẳng đáp ứng yêu cầu rộng quy mô đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: việc quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực chính là 1 trong 3 khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là tiền đề để phát huy tốt những yếu tố khác nên các tỉnh cần biến nhân lực thành nền tảng phát triển. Để làm tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, các tỉnh cần chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa 4 bên, gồm người sử dụng lao động, người học, nhà trường và Nhà nước. Mỗi tỉnh cũng nên xác định các dự án chiến lược và tiến hành làm quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho từng dự án. Đồng thời, cần khảo sát, dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương, có chính sách hỗ trợ người học, chế độ  đãi ngộ, thu hút nhân tài. Phó Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB&XH xây dựng quy hoạch mạng lưới trường để đào tạo nhân lực cho vùng Nam Trung bộ và giao cho Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp cùng các bộ ngành trung ương sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt để trên cơ sơ sở đó, các Bộ, ngành, các tỉnh thành xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương mình.    

Xuân Nguyên

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.