Liên kết đào tạo y tế: Lợi cả đôi đường

GD&TĐ - Đào tạo theo nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu xã hội là mục tiêu bất cứ trường đại học nào đều hướng đến. Điều này đòi hỏi sinh viên các trường ngoài học lý thuyết phải có môi trường thực hành. Đây là lý do để các trường học liên kết với bệnh viện, doanh nghiệp vừa để thu hút đội ngũ giảng dạy, tạo môi trường thực tập và tìm việc làm cho sinh viên.

Liên kết đào tạo y tế
Liên kết đào tạo y tế

Trường trong viện, viện trong trường

Viện Dinh dưỡng quốc gia là một trong những đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình liên kết đào tạo với trường học trong việc đào tạo nguồn nhân lực dinh dưỡng cho bệnh viện và xã hội. PGS.TS Nguyễn Đỗ Huy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Dinh dưỡng và Thực phẩm (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: Cùng với sự biến đổi của xã hội, mô hình bệnh tật của người dân nước ta cũng có những thay đổi đáng kể.

Thay vì phần lớn người dân mắc bệnh truyền nhiễm, nay bệnh không lây nhiễm chiếm tới 75% tỷ lệ tử vong. Trong số các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, béo phì… đứng đầu nguyên nhân gây bệnh. Điều đáng nói, những bệnh trên đều liên quan đến chế độ dinh dưỡng nhưng thực tế đội ngũ tiết chế dinh dưỡng ở bệnh viện đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Nói như vậy để thấy vai trò của chế độ dinh dưỡng, điều trị dinh dưỡng là rất cần thiết và cấp bách.

Để thực hiện dinh dưỡng điều trị có hiệu quả nhất, trước hết cần thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo và thực hành dinh dưỡng, đó là cách “tiếp cận cá thể hóa trong dinh dưỡng điều trị” - PGS.TS Nguyễn Đỗ Huy nhận định. Cá thể hóa trong dinh dưỡng điều trị tức là trang bị cho sinh viên - những cán bộ dinh dưỡng tương lai những kiến thức bệnh học tốt, có nền tảng kiến thức và thực hành tốt. Có như vậy, khi đi làm họ sẽ xây dựng khẩu phần ăn hợp lý trong điều trị dinh dưỡng nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và các bệnh không lây nhiễm… cho người bệnh. Có như vậy thì công cuộc phòng chống các bệnh không lây nhiễm của nước ta mới có hiệu quả, mới đem lại chất lượng lao động, chất lượng sống cho toàn thể nhân dân ta.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Huy, nhằm trang bị kiến thức dinh dưỡng cho sinh viên y khoa, Viện Dinh dưỡng quốc gia và các chuyên gia dinh dưỡng của Nhật Bản cùng xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu, xây dựng cơ sở thực hành tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng trang web tương tác thầy - trò có hiệu quả và tiết kiệm thời gian học trên lớp. Ngoài Trường ĐH Y Hà Nội, Viện đã phối hợp với khoa Dinh dưỡng (Đại học Thành Đông, Hà Nội) đã mở lớp cử nhân dinh dưỡng cho nhân viên các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng trong cả nước.

Không dừng lại ở chuyên ngành dinh dưỡng, mới đây, Bệnh viện E và ĐH Quốc gia Hà Nội cũng ra mắt chương trình liên kết giữa khoa Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Bệnh viện E nhằm phát huy tiềm năng, các thế mạnh của mỗi bên để cùng hợp tác triển khai và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và cung cấp các dịch vụ có liên quan; góp phần cung cấp nguồn nhân lực, các sản phẩm khoa học công nghệ và các dịch vụ y tế chất lượng cao trong lĩnh vực Sinh - Y - Dược cho xã hội. Theo đó, trong trường ĐH sẽ có văn phòng của bệnh viện và tại bệnh viện có văn phòng của nhà trường. Trước đó, khoa Y Dược (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đặt văn phòng tại Bệnh viện Việt Đức.

Xóa nhòa rào cản

Theo Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, liên kết trường - viện là một mô hình tiến bộ trong hợp tác đào tạo cán bộ khối ngành khoa học sức khỏe. Hợp tác này tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, trong đó có khoa Y Dược triển khai các hoạt động đào tạo cả lý thuyết và thực hành, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, tạo điều kiện để sinh viên của trường được học tập, rèn luyện trong các điều kiện chuẩn mực và có thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Còn theo Giám đốc Bệnh viện E - GS.TS Lê Ngọc Thành, sự hợp tác này cũng tạo điều kiện cho cán bộ y tế bệnh viện trong việc khoa học hóa các hoạt động nghề nghiệp hàng ngày và tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực ngành y tế. Mô hình liên kết này sẽ là hình mẫu tiêu biểu trong liên kết trường - viện không chỉ trong đào tạo mà còn tạo điều kiện để cả 2 đơn vị tham gia nhiều hơn nữa, góp phần giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực mà ngành y tế đang đặt ra.

Cán bộ của Bệnh viện E, Việt Đức được công nhận làm giảng viên thỉnh giảng còn sinh viên khoa Y Dược Trường ĐH Quốc gia Hà Nội có nơi thực tập… lý tưởng là các khoa, phòng của bệnh viện được kỳ vọng sẽ nâng cao tay nghề, kiến thức của sinh viên và nhân viên y tế. Tương tự, tại Viện Dinh dưỡng quốc gia, mô hình liên kết trường - viện tiếp tục được mở rộng ra ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, ĐH Đông Á Đà Nẵng, ĐH Y tế công cộng Hà Nội trong năm 2018… là minh chứng cho hiệu quả của mô hình liên kết. Người hưởng lợi mô hình này là sinh viên, nhân viên y tế, người bệnh và cả cộng đồng.

Trường học liên kết với bệnh viện, viện nghiên cứu hay doanh nghiệp không còn là chuyện lạ. Bác sĩ, giảng viên và sinh viên đều quá quen với việc văn phòng của bệnh viện, viện nghiên cứu đặt tại trường học và ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.