Ông Guterres đang có chuyến công du Nam Thái Bình Dương để nâng cao nhận thức về các vấn đề biến đổi khí hậu. Hôm qua (16/5), ông đã gọi một cấu trúc trên đảo san hô Enewetak thuộc quần đảo Marshall là “một dạng quan tài” rò rỉ chất phóng xạ vào Thái Bình Dương.
“Trong quá khứ, Thái Bình Dương đã trở thành nạn nhân như chúng ta đã biết” – ông nói khi đề cập tới các vụ nổ hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh do Mỹ và Pháp tiến hành trong khu vực.
Nơi đây đã chứng kiến 67 vụ thử vũ khí hạt nhân của Mỹ từ năm 1946 đến 1958.
Vào thời điểm đó, nhiều người dân đảo ở Marshall buộc phải sơ tán khỏi các vùng đất của tổ tiên họ và tái định cư, trong khi đó hàng ngàn người bị phơi nhiễm phóng xạ.
“Hậu quả của những việc này đã rất đáng lo ngại, nó liên quan tới sức khỏe, nhiễm độc nguồn nước trong một số khu vực” – ông Guterres nói – “Tôi đã nói chuyện với Tổng thống quần đảo Marshall (Hilda Heine), bà cũng đang rất lo ngại nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ trong khu vực”.
Ông Guterress cũng nhấn mạnh rằng người dân đảo Thái Bình Dương vẫn cần sự giúp đỡ để đối phó với bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân.
Mái vòm bê tông, được xây vào cuối những năm 70 và là một phần của đảo san hô Enewetak, đã hoạt động như bãi chất thải từ các vụ thử hạt nhân.
Đất và tro phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân được bỏ vào một cái hố và đậy bằng một mái vòm bê tông dày 45cm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, đáy của hố này chưa được bịt kín, dẫn tới lo ngại chất thải bị rò rỉ vào Thái Bình Dương.
Các báo cáo cho biết những vết nứt đã lớn dần trong cấu trúc bê tông sau hàng chục năm và người ta lo ngại rằng mái vòm cỏ thể vỡ nếu gặp một cơn lốc xoáy nhiệt đới.
Người đứng đầu Liên hợp quốc không đề cập trực tiếp những gì cần phải làm với mái vòm nhưng nhấn mạnh lịch sử hạt nhân của Thái Bình Dương cần được giải quyết.
“Có rất nhiều việc cần làm liên quan tới các vụ nổ xảy ra ở Polynesia và quần đảo Marshall” – ông nói.
“Đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, ảnh hưởng tới cộng đồng và các khía cạnh khác” – Tổng thư ký cho biết – “Tất nhiên, có những vấn đề về bồi thường và cơ chế để những tác động này được giảm thiểu”.