Liên hôn ngoại giao và lương duyên Việt - Nhật

GD&TĐ - Đầu thế kỷ XVII, chính quyền Tokugawa của Nhật Bản đã tiến hành giao thương với nước ngoài bằng loại thuyền có tên gọi là Châu Ấn thuyền (Shuinsen).

Đám cưới Công chúa Ngọc Hoa và chàng thương nhân Nhật được tái hiện tại Hội An.
Đám cưới Công chúa Ngọc Hoa và chàng thương nhân Nhật được tái hiện tại Hội An.

Liên hôn ngoại giao vẫn trở thành tình sử thật,
Nắm chặt tay trên châu ấn thuyền, 
vợ chồng về xứ Phù Tang,  
Đặt viên gạch hồng cho lương duyên Việt - Nhật.

Đầu thế kỷ XVII, chính quyền Tokugawa của Nhật Bản đã tiến hành giao thương với nước ngoài bằng loại thuyền có tên gọi là Châu Ấn thuyền (Shuinsen). Đó là loại thuyền buồm thương mại có trang bị vũ trang, được cấp giấy phép thông hành đóng dấu triện đỏ của Mạc phủ Tokugawa, cho phép họ xuất dương sang các thương cảng Đông Nam Á... 

Giai đoạn này, Nhật Bản chủ trương kiểm soát ngoại thương chặt chẽ. Nagasaki là cảng duy nhất lúc đó được phép tham gia vào hoạt động mở mang giao thương. Có một nhân vật là Araki Sotaro (vốn xuất thân Samurai vùng Higonokuni - tỉnh Kumamoto hiện nay), vào năm Thiên Chính 16 (1588) đã tới Nagasaki, bắt đầu nghề buôn bán bằng Châu Ấn thuyền và sau đó trở thành một thương gia có tiếng.

Châu Ấn thuyền thường có trọng tải khoảng 500 - 750 tấn, nhỏ hơn các tàu buôn tiêu chuẩn châu Âu đến Đông Á, mực nước ngập thuyền thấp giúp nó dễ dàng hơn khi buôn bán ở khu vực cửa sông hay vùng nước ven bờ, trong khi vẫn đủ rộng để mang nhiều hàng hóa hay vật tư dự trữ, súng, hỏa khí.

Các tàu này được đóng ở nhiều nơi khác nhau trên khắp các lãnh địa Daimyo Nhật Bản, kể cả ở trạm giao dịch của người Nhật ở Ayutthaya (vì chất lượng gỗ Xiêm và vì người Thái hay đặt hàng).

Nhưng phần lớn chúng xuất xưởng ở một nơi có tính quốc tế cao là Nagasaki, kết hợp các thiết kế thân tàu, cánh buồm và cả vũ khí giữa phương Tây, Nhật Bản và Trung Hoa.

Trên Châu Ấn thuyền không chỉ có thương nhân Nhật mà thủy thủ đoàn mang tính quốc tế: Lái thuyền thường là người Bồ Đào Nha, hoa tiêu Hà Lan, thủy thủ Trung Hoa... Araki đã đi lại buôn bán giữa các nước Xiêm (Thái Lan) và Đàng Trong (một phần của Việt Nam hiện nay). Ông cùng 8 doanh nhân khác đi Châu Ấn thuyền mang cờ hiệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan VOC đến cập cảng Hội An vào mùa xuân 1619.

Trong số nhiều thương nhân đến Hội An làm ăn, Araki cũng được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tiếp. Araki là người có phong thái, mày rậm, mắt nhỏ sáng, cười có lúm đồng tiền, đi đứng hiên ngang, khi bút đàm với chúa Sãi lời lẽ khiêm tốn, linh hoạt, rõ ràng, khiến chúa ưng ý vì chúa biết đó là tướng người quả quyết, tín nghĩa.

Chúa bèn giao cho Araki phụ trách thương điếm, làm đầu mối lĩnh hội ý kiến của thương nhân Nhật tại Hội An để truyền đạt cho chúa. Qua nhiều lần tiếp xúc, chúa rất thích và nói với triều thần: Ta coi Araki như một viên quan tâm phúc người Nhật, nhưng ta ban thêm tên Việt là Nguyễn Thái Lang.

Mùa hè năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái nuôi của mình là công chúa Ngọc Hoa cho doanh nhân Nhật Bản tài giỏi này (ông Araki lúc đó khoảng 35 tuổi). Trong số quà sính lễ của ông, chúa rất thích 3 thứ: Thanh gươm có nạm vàng ở tay khắc dòng chữ: Kính tặng nhạc phụ - quốc vương; cây bút lông quý và mô hình Châu Ấn thuyền bằng gỗ thơm.

Xa xứ lâu, nay đã có gia đình riêng, một năm sau, thấy nhớ nhà, ông Araki xin phép chúa đưa vợ lên Châu Ấn thuyền về Nhật Bản rồi định cư ở Nagasaki. Hai vợ chồng đồng cam cộng khổ gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki.

Tại Nhật, công chúa Ngọc Hoa được gọi là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt dịu dàng “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà thân mật là Anio-san (vì từ “Anio” tựa như tiếng bà gọi “Anh ơi”).

Sư gia của chúa Sãi từng đoán hậu vận bà là: Ánh mắt hiền hòa, da trắng mịn; miệng, mắt cười tươi, người hình chuông, không mệnh phụ cũng phu nhân danh giá”. Sau này, các cô gái xinh đẹp, dễ thương quanh vùng cũng được gọi là Anio-san (San- kính ngữ chỉ Bà/Ông).

Vợ chồng bà Anio-san sống hạnh phúc và sinh được một con gái, lớn lên tiếp tục phát triển kinh doanh gia đình. Năm 1634, ông Araki về cõi Phật, bà Anio trông coi Trung tâm thương mại đặt nền tảng kinh tế vững chắc cho con gái và để cảm tạ đức Phật bà quy y ở chùa Daionji (Đại Âm Tự) với pháp danh Diệu Tâm.

Công chúa Ngọc Hoa-Anio mất năm 1645, sau hơn 26 năm sống tại Nhật Bản. Bà và chồng được chôn cất ở hậu viên Đại Âm Tự ở Nagasaki. Hiện nay, Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn lưu giữ chiếc gương soi của công chúa Ngọc Hoa.

Công chúa Ngọc Hoa được người dân sở tại trân quý không chỉ bởi yếu tố nước ngoài, mà còn vì lý do bà thường xuyên đứng ra giúp đỡ cho dân bản địa thúc đẩy buôn bán với Việt Nam. Ngày nay, văn hóa vùng Nagasaki có tiếp thu và lưu giữ một số nét từ bà Ngọc Hoa mang tới. (Ví dụ bày thức ăn trong đĩa lớn để mọi người cùng gắp ăn chung như người Việt).

Ở Hội An, đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki lần đầu tiên được tái hiện vào năm 2016. Nhưng ở Nagasaki, từ lâu hình ảnh công chúa Ngọc Hoa hàng năm được tái hiện trong Lễ hội mùa thu Nagasaki Kunchi. Trong chuỗi các lễ hội mùa thu đó thì Oranda-bune là màn trình diễn tái hiện sự có mặt của người Hà Lan tại Nagasaki trong thế kỷ XVII.

Đặc biệt, mối quan hệ giao hảo giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng được thể hiện qua màn trình diễn Go-shuinsen, diễn lại cảnh người dân Nagasaki chào đón thương nhân kiệt xuất Araki đưa công chúa Ngọc Hoa về quê nhà chồng. Ngày nay, mộ của công chúa và phu quân Araki - võ sĩ - doanh nhân vẫn được người dân địa phương gìn giữ, bảo tổn...

Nhằm tô đậm truyền thống lịch sử, tháng 6/2017, tỉnh Nagasaki đã thiết lập quan hệ giao lưu hữu nghị với tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh hoạt động trao đổi giao lưu hợp tác văn hóa 2 tỉnh.

Vào tháng 11/2020, nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Việt Nam, tỉnh Nagasaki đã tặng mô hình Châu Ấn thuyền cho tỉnh Quảng Nam dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Mô hình này đã được trưng bày tại Phố cổ Hội An (đường Nguyễn Thị Minh Khai). Đến thế kỷ XXI, quan hệ Việt - Nhật càng phát triển, đó cũng nhờ những viên gạch hữu nghị do Araki, Ngọc Hoa khi xưa góp phần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ