Liên hoan vội vàng!

GD&TĐ - Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 sẽ tổ chức tại Hải Phòng theo hình thức trực tuyến từ ngày 28/10 đến 4/11, và thi trực tiếp từ ngày 6 - 18/11.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Đó là thông báo của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) về việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021.

Văn bản cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để chấp hành nghiêm Chỉ thị trong việc phòng chống dịch bệnh. Đồng thời đảm bảo quyền lợi cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị đã đăng ký tham gia liên hoan.

Các đơn vị tại địa phương đang thực hiện giãn cách căn cứ tình hình thực tiễn có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo mọi điều kiện phòng chống dịch.

Cũng theo văn bản của Cục, đơn vị dự thi chịu trách nhiệm về kinh phí, địa điểm biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật ghi hình, truyền dẫn… Ban tổ chức cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về hình thức thi trực tuyến cho các đơn vị. Các đơn vị dự thi trực tuyến gửi đăng ký về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 15/10.

Sau thông báo này, một số nghệ sĩ sân khấu tỏ ra bức xúc vì cho rằng, liên hoan được tổ chức vội vàng, không tìm hiểu rõ thực tế về đời sống sàn diễn – đặc biệt tại TPHCM là địa phương đang căng thẳng trong công tác phòng chống dịch. Phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sau ngày 15/9, thì làm sao các sân khấu có thời gian để đầu tư tác phẩm tham dự.

Lý do lớn hơn là các nghệ sĩ không có tâm trạng để thi thố trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay. Sâu xa hơn, một số nghệ sĩ có người thân qua đời, một số sân khấu có nghệ sĩ mất vì Covid-19.

Trả lời báo chí, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu Kịch IDECAF) cho rằng, thi thố nghệ thuật trong hoàn cảnh này thật khó chấp nhận. Một liên hoan không có khán giả liệu có làm nên sức sống cho sàn diễn?

Đạo diễn Ngọc Hùng (Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế giới Trẻ) cũng nói rằng, thi trực tuyến chưa biết sẽ được tổ chức thế nào nhưng sẽ khó tham gia. Bởi trong thời gian vẫn còn áp dụng giãn cách xã hội, không thể quy tụ diễn viên và các thành phần làm nên tác phẩm.

Thực tế đã chứng minh rằng, thi hình thức trực tuyến không thể quay hình nguyên vở rồi phát lại cho ban giám khảo xem. Nếu diễn online, một vở diễn quy tụ nhiều diễn viên và lực lượng hậu trường thì sẽ không bảo đảm nguyên tắc 5K.

Việc Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 không chỉ vội vàng, bất hợp lý, mà còn tiềm ẩn rủi ro nếu các đơn vị cố tham gia, trong khi dịch bệnh đang phức tạp.

Văn hóa - nghệ thuật phát xuất từ đời sống, nên khi tâm lý chưa thoải mái, xã hội chưa bình ổn thì diễn viên làm sao có tâm trí, và rồi tác phẩm sẽ thế nào?

Ai cũng biết việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc thì phải đông đủ sôi động, tác phẩm phải thể hiện được sức sáng tạo, công phu. Liên hoan sẽ thế nào nếu như khuyết đi quá nửa số lượng tham gia? Và rồi chất lượng không ra gì chỉ vì “có mặt cho đẹp lòng nhau”, trong khi tiêu tốn tiền bạc để được gì?

Có nhiều cách để thúc đẩy và lan tỏa văn hóa, chứ không phải chỉ có một cách là tổ chức liên hoan kịch nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.