Liên đoàn Bóng đá Thế giới kích hoạt Điều 5 của FIFA: Đòn răn đe trong mùa dịch

GD&TĐ - Cuộc chiến về quyền sử dụng cầu thủ giữa các đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ luôn nóng bỏng. Và mối quan hệ hiếm khi “cơm lành canh ngọt” này đã đánh dấu bước ngoặt mới.

Tiền vệ Roberto Firmino (bên trái) và thủ môn Alisson trong màu áo Liverpool.
Tiền vệ Roberto Firmino (bên trái) và thủ môn Alisson trong màu áo Liverpool.

Thế giới (FIFA) chính thức áp dụng điều khoản treo giò nhiều cầu thủ từ chối trở về đội tuyển quốc gia thi đấu.

FIFA “tổn thương”

Căn cứ vào văn bản của LĐBĐ Brazil (CBF), ngày 9/9 vừa qua, FIFA chính thức kích hoạt điều khoản cấm thi đấu những cầu thủ từ chối lên đội tuyển. Theo Điều 5 của FIFA, các tuyển thủ phải hội quân nếu được triệu tập trong ngày “FIFA Day”. Những ai từ chối mà không có lý do cụ thể sẽ bị cấm thi đấu 5 ngày.

Theo quyết định của FIFA, những cầu thủ ở Ngoại hạng Anh không về thi đấu cho tuyển Brazil ở hai trận gặp Argentina và Peru tại vòng loại World Cup 2022 vừa qua sẽ không được ra sân từ ngày 10 - 14/9.

Danh sách bị cấm thi đấu, gồm: Alisson, Fabinho và Roberto Firmino (Liverpool); Ederson và Gabriel Jesus (Man City); Thiago Silva (Chelsea), Fred (Man Utd), Raphinha (Leeds). Richarlison (Everton) là trường hợp ngoại lệ khi vẫn có thể ra sân.

CBF không đưa cầu thủ này vào “danh sách đen”, bởi anh góp công lớn giúp Brazil giành HCV Olympic Tokyo 2021. Với án phạt này, Thiago Silva và Fred cũng không thể góp mặt thi đấu tại lượt trận mở màn Champions League, bởi Chelsea và Man Utd thi đấu vào tối 14/9.

Ngoài ra, Franciso Sierralta của Chile sẽ không thể thi đấu cho Watford, trong khi Raul Jimenez sẽ vắng mặt trong chuyến làm khách của Wolves đến Vicarage Road sau khi họ ngăn anh lên tuyển Mexico. Miguel Almiron của Newcastle United bị cấm thi đấu sau khi không về đại diện cho Paraguay tham dự các trận vòng loại World Cup trước Ecuador, Colombia và Venezuela.

Trong nhiều năm, cuộc chiến giữa câu lạc bộ với đội tuyển quốc gia luôn căng thẳng, và sẽ không bao giờ có hồi kết. Công việc của FIFA chủ yếu là “rút hầu bao” để đền bù cho các câu lạc bộ khi cầu thủ bị chấn thương trong lúc làm nhiệm vụ quốc tế. Nhưng cuối tháng 8/2021, FIFA đưa ra thông báo với mức độ quyết liệt hay đúng hơn là thể hiện quyền lực ông chủ rằng, bất kỳ câu lạc bộ nào ở Ngoại hạng Anh sử dụng cầu thủ người Nam Mỹ mà họ không nhả về cho đội tuyển quốc gia ở đợt tập trung tháng 9 sẽ phải chịu án phạt.

Sở dĩ FIFA đưa ra cảnh báo và sau đó là án phạt chưa từng có tiền lệ bởi chính phủ Anh không có kế hoạch áp dụng miễn trừ cách ly y tế cho các cầu thủ thi đấu ở khu vực nằm trong danh sách đỏ chống Covid-19 của nước này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chối thư xin miễn trừ quy định kiểm dịch cho các cầu thủ của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ ở Ngoại hạng Anh đã thống nhất không trả cầu thủ về đội tuyển quốc gia, nếu phải thi đấu ở vùng dịch.

Lực lượng chức năng vào sân thực hiện… quy định chống dịch khiến trận Brazil - Argentina tạm hoãn.

Lực lượng chức năng vào sân thực hiện… quy định chống dịch khiến trận Brazil - Argentina tạm hoãn.

CBF “chơi xấu”?

Quyết định của FIFA đã mở ra tiền lệ mới trong việc giải quyết xung đột lợi ích giữa đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại và phát sinh xung quanh án treo giò ngày 9/9 vừa qua. Điều đó khiến tổ chức đứng đầu bóng đá thế giới cần đánh giá lại hành động theo cách… tiêu cực “không quản được thì cấm”, đồng thời bị phê phán không công bằng của mình.

Sự bất thường ở chỗ, vẫn có 4 cầu thủ Argentina, gồm Emiliano Martinez, Emiliano Buendia, Cristian Romero và Giovani Lo Celso (Tottenham, Aston Villa) về tập trung đội tuyển quốc gia. Những cầu thủ này đến Brazil chuẩn bị cho trận đấu với đội chủ nhà, trong khuôn khổ lượt trận thứ 8 vòng loại World Cup 2022. Tuy nhiên, trận “siêu kinh điển” giữa Brazil và Argentina ngày 6/9 vừa qua diễn ra được 5 phút thì bị gián đoạn.

Cảnh sát địa phương mặc thường phục hộ tống bác sĩ vào sân để đưa Martinez, Romero và Lo Celso rời sân. Theo Cơ quan Quản lý Y tế của Brazil (ANVISA), bất kỳ cá nhân nào đã ở nước Anh trong 14 ngày trước khi đặt chân lên Brazil đều phải được cách ly.

Để có mặt ở Brazil, 4 cầu thủ nói trên bị cáo buộc đã khai man về nơi cư trú gần đây của họ trước khi đặt chân tới xứ Samba để thi đấu.

Cầu thủ Argentina về thi đấu cho đội tuyển quốc gia, trong khi nhiều cầu thủ Brazil từ chối vinh dự đó. Phải chăng điều đó khiến CBF tự ái? Hay CBF sợ đội nhà thiếu vắng nhiều trụ cột sẽ thua Argentina đầy đủ lực lượng nên lấy quy định chống dịch để “phá” trận đấu? CBF không thể không biết quy định của chính phủ Brazil. Tại sao đến khi trận đấu diễn ra mới để lực lượng chức năng vào sân can thiệp một cách thô bạo? Rõ ràng có dấu hiệu CBF chơi không đẹp, “giật dây” từ ANVISA cho đến cả FIFA.

FIFA có lẽ cũng thấy bất ổn trong cách hành xử của mình. Thế nên, chỉ 2 ngày sau án phạt trên, FIFA bất ngờ ra quyết định xóa án cho những cầu thủ bị treo giò trong thông báo ngày 9/9. Theo Goal, FIFA hủy án phạt sau cuộc đàm phán với các LĐBĐ Brazil, Paraguay và Mexico… Tất cả đã đi đến thống nhất không trừng phạt cầu thủ đội nhà như yêu cầu trước đó của họ với FIFA.

Sự thay đổi chóng mặt ấy cho thấy, FIFA dường như đang toan tính điều gì đó? Có thể lá phiếu ủng hộ cho dự án “điên rồ” tổ chức World Cup 2 năm/lần của FIFA chăng?

Theo lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực Nam Mỹ, 5 lượt trận tiếp theo vào tháng 10, 11/2021; tháng 1, 2, 3/2022. Trong giai đoạn tiếp theo, các quốc gia Nam Mỹ, cụ thể là Brazil và Argentina chưa chắc đã ra khỏi danh sách đỏ như quy định chống dịch của chính phủ Anh và ngược lại. Hiện, có khoảng 60 cầu thủ Nam Mỹ thi đấu cho 19 câu lạc bộ Ngoại hạng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.