(Tiếp theo kỳ 1)
Thứ hai, kết luận của Tòa án quận Cầu Giấy: “Báo Giáo dục Việt Nam không tôn trọng sự thật khách quan; không đánh giá đầy đủ chứng cứ,…” khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Vậy “Sự thật” mà dư luận biết khác với “Sự thật khách quan” mà Tòa án quận Cầu Giấy biết ở chỗ nào?
Là hợp đồng 57 ký ngày 1/12/2014 và hợp đồng 18 ngày 1/12/2014 giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Hòa Bình là có giá trị. Hai bên có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện.
Là chuyện kêu cứu của Tập đoàn Hòa Bình với các cơ quan báo chí về việc FLC dây dưa khoản nợ hợp đồng xây dựng mà Tập đoàn Hòa Bình đã hoàn thành và bàn giao cho FLC đưa vào sử dụng từ năm 2015;
Là trong trong các năm 2016 – 2017 Tập đoàn FLC đã đưa vào “Báo cáo tài chính riêng” và “Báo cáo tài chính hợp nhất” khoản nợ phải trả cho Tập đoàn Hòa Bình là hơn 213 tỷ đồng;
Là căn cứ vào báo cáo tài chính của FLC, Công ty Grant Thornton Việt Nam (chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế và tư vấn doanh nghiệp cho khách hàng) đã gửi thư xác nhận nợ của FLC đến Tập đoàn Hòa Bình;
Là các tài liệu có đóng dấu đỏ của Tập đoàn Hòa Bình, Thư xác nhận nợ của Grant Thornton Việt Nam, và các trang trong Báo cáo tài chính của chính Tập đoàn FLC;…
Báo cáo tài chính quý IV/2017 của Tập đoàn FLC công bố tự xác nhận phải trả Tập đoàn Hòa Bình là 213 tỷ đồng. |
Để ra được con số nợ trong báo cáo tài chính là 213 tỷ đồng, Tập đoàn FLC |
Thư xác nhận công nợ phải trả mà Tập đoàn FLC đề nghị Tập đoàn Hoà Bình xác nhận cũng ghi rõ số nợ là 213 tỷ đồng. |
Như vậy, những gì Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng được trích xuất từ tài liệu của FLC và Tập đoàn Hòa Bình gửi tới báo chí, không phải số liệu chưa rõ nguồn gốc và vì vậy đây chính là sự thật không thể chối cãi.
Vấn đề là tại tòa, đại diện phía FLC khẳng định không nợ Tập đoàn Hòa Bình, vậy đây có phải là “Sự thật khách quan” như quan điểm của Thẩm phán Nguyễn Văn Lương?
Muốn trả lời câu hỏi này phải nói đến quy định nhà nước về kế toán, kiểm toán và vai trò của cơ quan kiểm toán độc lập – cụ thể là Công ty trách nhiệm hữu hạn Grant Thornton Việt Nam - một công ty thành viên của Grant Thornton Quốc Tế (GTIL).
Khoản 2 điều 4, Luật Kế toán 2015 quy định nhiệm vụ kế toán như sau:
“Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán”.
Có thể thấy việc kiểm tra, giám sát các khoản “thanh toán nợ” là một trong những nhiệm vụ kế toán đã được luật định.
Nói thẳng với 6 luật sư của FLC, chây ì nghĩa là nợ mà không chịu trả |
Về nghiệp vụ kiểm toán, “Kiểm toán báo cáo tài chính” là việc các nhân viên kiểm toán tiến hành thu thập các thông tin, bằng chứng để đánh giá báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố.
Thông tin này nhằm mục đích đưa ra ý kiến về mức độ trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính được kiểm toán so với các chuẩn mực theo quy định của pháp luật.
Theo quy định hiện hành, các đối tượng được kiểm toán báo cáo tài chính có trách nhiệm cung cấp thông tin tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, cùng với đó là các thông tin về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu bán hàng, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,…
Cơ quan kiểm toán không được phép tự “gán nợ” cho doanh nghiệp.
Trong quá trình kiểm toán, phát hiện sự hiện hữu của những khoản nợ (phải thu, phải trả) có giá trị lớn, cơ quan kiểm toán có thể gửi “Thư xác nhận nợ phải trả” (hoặc phải thu) tới đối tác của doanh nghiệp.
Hoạt động này giúp cho kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán có thể thu thập đầy đủ bằng chứng và đưa ra kết luận về tính trung thực của số liệu báo cáo tình hình tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán.
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội có chung nhận định, rằng doanh nghiệp có xu hướng khai tăng khoản “nợ phải thu” để “làm đẹp” tình trạng kinh doanh, gần như không có doanh nghiệp nào khai tăng khoản “nợ phải trả” vì như thế sẽ làm cho dư luận đánh giá xấu tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Thủ tục gửi thư xác nhận nợ phải trả (hoặc phải thu) có vai trò quan trọng trong hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính.
Bài viết đăng trên Tapchitaichinh.vn - cơ quan thông tin của Bộ Tài chính - cho biết:
“Thư xác nhận phổ biến gồm có hai loại, đó là: Thư xác nhận dạng khẳng định và thư xác nhận dạng phủ định.
Thư xác nhận dạng khẳng định là đề nghị bên xác nhận phúc đáp trực tiếp cho kiểm toán viên nêu rõ bên xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý với thông tin cần xác nhận, hoặc cung cấp thông tin yêu cầu xác nhận;
Thư xác nhận dạng phủ định là đề nghị bên xác nhận phúc đáp trực tiếp cho kiểm toán viên chỉ khi bên xác nhận không đồng ý với thông tin được nêu trong thư xác nhận”. [1]
Công ty Grant Thornton Việt Nam gửi thư xác nhận nợ của FLC đến Tập đoàn Hòa Bình thuộc dạng khẳng định, đề nghị Tập đoàn Hòa Bình “xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý” với khoản nợ của FLC mà kiểm toán gửi tới.
Vậy số liệu mà Grant Thornton Việt Nam gửi Tập đoàn Hòa Bình có phải là sự thật?
Điều 13, Luật Kế toán 2015 liệt kê “Các hành vi bị nghiêm cấm” trong kế toán:
1. Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác.
2. Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
3. Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.
Như vậy nếu khoản nợ 213 tỷ đồng của FLC với Tập đoàn Hòa Bình là không tồn tại - theo khẳng định của đại diện cho FLC tại tòa - thì có nghĩa là báo cáo tài chính của FLC vi phạm khoản 1 điều 13 “Giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác”, cụ thể là “khai man” khoản nợ 213 tỷ với Tập đoàn Hòa Bình.
Ngược lại nếu khoản nợ này là có thật thì vị đại diện pháp lý cho FLC hoặc là chưa đọc báo cáo tài chính của FLC hoặc là đã gian dối trước tòa khi phủ nhận số liệu trong báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC.
Trong hai khả năng nêu trên Hội đồng xét xử chọn khả năng nào?
Với việc đại diện Viện Kiểm sát đọc văn bản đã chuẩn bị sẵn từ trước (theo mô tả của phóng viên), liệu còn khả năng thứ ba là các quy định trong Luật Kế toán, Kiểm toán và Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng như các bằng chứng bên bị cung cấp cho tòa là không cần thiết cho quá trình nghị án vì án đã được thống nhất trước khi xử và không cần tranh tụng tại tòa?
Để làm rõ nghi vấn này xin nêu một số quy định trong Thông tư 200/2014/TT-BTC “Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp” do Bộ Tài chính ban hành ngày 22/12/2014:
Điều 97 Thông tư 200/2014/TT-BTC:
“Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng”.
Cần nhấn mạnh là “Báo cáo tài chính” được thực hiện nhằm đáp ứng “Yêu cầu quản lý của cơ quan Nhà nước”.
Tập đoàn FLC tự công bố nợ Tập đoàn Hòa Bình 213 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa trả |
Mọi sai lệch trong báo cáo tài chính đều có thể kết luận là không trung thực trước cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 101 Thông tư 200/2014/TT-BTC:
“Thông tin trình bày trên Báo cáo tài chính phải phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Để đảm bảo sự trung thực, thông tin phải có 3 tính chất là đầy đủ, khách quan, không có sai sót”.
Điều 110 “Nơi nhận báo cáo tài chính” trong Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định hai loại doanh nghiệp (nhà nước, doanh nghiệp FDI) phải nộp báo cáo tài chính cho 05 cơ quan là Cơ quan tài chính; Cơ quan thuế; Cơ quan thống kê; Doanh nghiệp cấp trên và Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Các loại doanh nghiệp khác không phải nộp Báo cáo tài chính cho Cơ quan tài chính.
Với những quy định nêu trên, có ba điều cần phải làm rõ:
Thứ nhất, nếu khoản nợ hơn 213 tỷ của FLC với Tập đoàn Hòa Bình là không tồn tại - đúng như những gì đại diện FLC khẳng định tại tòa - thì báo cáo tình hình tài chính của FLC đã vi phạm quy định tại điều 101 - Thông tư số 200/2014/TT-BTC, theo đó thông tin trong báo cáo tài chính “phải có 3 tính chất là đầy đủ, khách quan, không có sai sót”.
Cụ thể trong trường hợp này là “có sai sót” và đây là sai sót với Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê và Cơ quan đăng ký kinh doanh – những nơi nhận báo cáo tài chính của FLC.
Nói cách khác báo cáo tài chính của FLC không “phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, không nợ nhưng lại “cố tình” báo cáo có nợ.
Trường hợp này không phải là nhầm lẫn về nghiệp vụ kế toán mà chủ động gian dối.
Thứ hai, nếu báo cáo tài chính của FLC “phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, nghĩa là FLC có nợ Tập đoàn Hòa Bình hơn 213 tỷ đồng thì khẳng định của đại diện FLC tại tòa có phải là đã “tôn trọng sự thật khách quan; đánh giá đầy đủ chứng cứ” hay chỉ là lý sự vô trách nhiệm của vị đại diện bên nguyên (FLC)?
Thứ ba, nếu điều thứ hai nêu trên là đúng, một khi đại diện bên nguyên (FLC) thể hiện kiểu “lý sự cùn” tại tòa mà Tòa án quận Cầu Giấy vẫn kết án bên bị (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) thì phải đặt câu hỏi Hội đồng xét xử đã “tôn trọng sự thật khách quan; đánh giá đầy đủ chứng cứ”?
Những gì nêu trong bài báo này mới chỉ là một số ý kiến sơ khởi, đi sâu tìm hiểu nhiều vấn đề liên quan đến liêm chính tư pháp và nguyên tắc tranh tụng tại phiên xét xử sơ thẩm của Tòa án quận Cầu Giấy sẽ được đề cập trong tương lai.
----------------
Tài liệu tham khảo:
[1]//tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/xac-nhan-cong-no-phai-thu-trong-hoat-dong-kiem-toan-bao-cao-tai-chinh-127604.html