Vụ việc tập đoàn FLC kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam được Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) mở phiên xét xử (sơ thẩm) là vụ kiện dân sự thu hút sự chú ý của công luận.
Bên cạnh một số bài báo phản ánh trung thực vụ việc như “Tòa xử vụ tập đoàn FLC kiện Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam” thì cũng có những báo vội vàng chạy tít kiểu như “FLC thắng kiện, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải bồi thường 14,9 triệu đồng” hay “Tập đoàn FLC thắng kiện báo điện tử Giáo dục Việt Nam”…
Vì đây là vụ kiện dân sự nên để hiểu thế nào là “thắng kiện”, thiết nghĩ cần xem lại các điều khoản của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có tham khảo Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
Điều 17, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 và điều 27 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 đều có những quy định giống nhau, theo đó:
“Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy khi có kháng cáo, dù Tòa Phúc thẩm chưa xét xử thì bản án sơ thẩm cũng vẫn chưa có hiệu lực pháp luật, việc đưa tin FLC “thắng kiện” liệu có phải chỉ là vội vàng hay còn có gì đó mà dư luận chưa biết?
Cũng theo hai điều khoản nêu trên, ngay cả trường hợp “Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật” thì vẫn còn khả năng phải “Xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm” nếu “Phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới”.
Được biết, tại khoản 10, điều 26 và khoản 1 điều 30 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết: “Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí” và “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”.
Tuy nhiên từ kết luận của tòa, dư luận băn khoăn là Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định tại khoản 2 điều 8, Bộ Luật Tố tụng dân sự, theo đó:
“Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự”?
Để hiểu Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy xử lý vụ án đã thực sự khách quan, công bằng theo đúng quy định của pháp luật, cần tìm hiểu các nội dung Tập đoàn FLC kiện Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Hai cáo buộc của FLC với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam là:
“Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sai tôn chỉ mục đích”;
“Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho FLC”.
Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy – được điều hành bởi Thẩm phán Nguyễn Văn Lương, Chủ tọa phiên tòa – đã ủng hộ các cáo buộc của FLC khi tuyên án, rằng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam “Không tôn trọng sự thật khách quan; không đánh giá đầy đủ chứng cứ, thiếu hiểu biết pháp luật về báo chí”. [1]
Vậy đây có phải là một kết luận “tôn trọng sự thật khách quan” của Tòa án quận Cầu Giấy và liệu ngài Thẩm phán Nguyễn Văn Lương đã cân nhắc cẩn thận khi kết luận Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam “Thiếu hiểu biết pháp luật về báo chí”?
Để làm rõ vấn đề này, cần phải tìm hiểu các “sự thật khách quan” liên quan đến vụ việc giữa Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) và Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình).
Mặt khác phải dựa vào nhiều bộ luật chứ không phải chỉ là “pháp luật về báo chí” như Thẩm phán Nguyễn Văn Lương diễn giải.
Thứ nhất, “Pháp luật về báo chí”:
Điều 4, Luật Báo chí 2016 quy định một số nhiệm vụ của báo chí như sau:
“Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;…”
Nói thẳng với 6 luật sư của FLC, chây ì nghĩa là nợ mà không chịu trả |
Quy định trong các giấy phép về tôn chỉ mục đích của một tờ báo là cụ thể hóa quy định trong luật chứ không được phép phủ định các điều khoản của luật.
Cơ quan cấp giấy phép hoạt động báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ được đưa ra những quy định mà luật pháp cho phép, trong đó có những quy định về tôn chỉ mục đích của tờ báo.
Những quy định trái hoặc không phù hợp với các điều khoản trong luật cần phải bị bãi bỏ.
Về nguyên tắc, cơ quan báo chí được phép công bố sản phẩm báo chí mà luật pháp không cấm.
Như vậy việc “Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” là nhiệm vụ mà bất kỳ tờ báo nào cũng phải tuân thủ.
Những tin, bài mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng có nội dung “Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” là làm đúng những gì Luật Báo chí quy định và không nhất thiết phải được diễn giải cụ thể trong giấy phép hoạt động báo chí.
Liệu Thẩm phán Nguyễn Văn Lương có tìm được văn bản nào của cơ quan cấp phép, cấm Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam không được “Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”?
Giả sử Thẩm phán Nguyễn Văn Lương tìm thấy, người viết rất cảm ơn nếu ông công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nói thế nhưng người viết cho rằng ông Lương sẽ không tìm được.
Về mặt ngôn từ, người viết ngạc nhiên khi Thẩm phán Lương cho rằng (tác giả?) Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam “Thiếu hiểu biết pháp luật về báo chí”.
Thực ra ai mới chính là bên “Thiếu hiểu biết pháp luật về báo chí”?
Khoản nợ hơn 213 tỷ đồng có trong báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC |
Báo cáo tài chính Tập đoàn FLC công bố có ghi rõ khoản nợ phải trả cho Tập đoàn Hòa Bình là 213 tỷ đồng. |
Thư xác nhận công nợ của Tập đoàn FLC đề nghị Tập đoàn Hòa Bình xác nhận cũng ghi rõ khoản nợ 213 tỷ đồng. |
Báo Quân đội Nhân dân viết: “Báo chí Việt Nam không chỉ thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, nhân lên cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống để kiến tạo nền tảng đồng thuận xã hội và môi trường ổn định chính trị, mà còn lên án cái xấu, cái ác để giúp mọi người cảnh giác, tránh xa, loại bỏ.
Báo chí không chỉ tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội để góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, mà còn tích cực đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta”. [2]
Đến bao giờ Tập đoàn FLC mới chịu trả tiền cho Tập đoàn Hòa Bình? |
Xem nhẹ hoặc không “Tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội để góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị…” mới chính là “Thiếu hiểu biết pháp luật về báo chí”.
Báo điện tử Congluan.vn - Cơ quan trung ương Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định:
“Sự thật chính là tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí”. [3]
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – ông Thuận Hữu – vừa là Tổng Biên tập báo Nhân Dân và cũng là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, vì vậy những gì đăng tải trên tờ báo của Hội Nhà báo là không cần bình luận.
Vậy Thẩm phán Nguyễn Văn Lương và các thành viên tham gia vụ xét xử của Tòa án quận Cầu Giấy kết luận thế nào về “tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí” mà báo Congluan.vn đã khẳng định?
Không coi “sự thật” là “tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí”, tìm mọi cách áp đặt ý kiến chủ quan cho người khác theo kiểu “suy đoán có tội” phải chăng chỉ là “Thiếu hiểu biết pháp luật về báo chí” hay cũng còn liên quan đến những lĩnh vực khác?
Báo chí cả nước từng có rất nhiều bài nói về sai phạm của Tập đoàn FLC, đặc biệt là những bài đăng trên báo Nhân Dân, Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Lao động, Tạp chí Pháp lý,…
Bài viết “Hàng loạt báo, tạp chí viết về Tập đoàn FLC” đã thống kê ít nhất có 14 tờ báo (chứ không phải bài báo) viết về sai phạm của Tập đoàn FLC. [4]
Cũng cần nhắc thêm để Thẩm phán Lương biết rằng, năm 2017, Báo Nhân Dân – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam – Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong bài “Cần xử lý nghiêm những vi phạm tại các dự án của Tập đoàn FLC ở Thanh Hóa và Bình Định” có dòng sa pô:
“Thời gian qua, Báo Nhân Dân nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về những vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) liên quan công tác xây dựng theo quy hoạch được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và trật tự xây dựng thuộc các dự án ở hai tỉnh Thanh Hóa và Bình Định.
Những vi phạm của Tập đoàn FLC xảy ra trong thời gian dài, nhưng không được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời, gây bức xúc trong dư luận”. [5]
Bài báo kết luận:
“Ðề nghị các cơ quan chức năng, UBND các tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Ðịnh cần xử lý nghiêm những vi phạm nêu trên của Tập đoàn FLC, truy trách nhiệm, xử lý các cá nhân, tập thể liên quan các sai phạm để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật”.
Từ ý kiến trên báo Nhân Dân, nói rằng FLC có truyền thống sai phạm có phải là “oan” cho Tập đoàn này?
Vấn đề thứ hai trong cáo buộc của FLC sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.
(Còn nữa)
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/tham-phan-toa-an-quan-cau-giay-danh-gia-chung-cu-chua-day-du-va-thieu-khach-quan-post202999.gd
[2]//www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-chi-phai-giu-vung-ton-chi-muc-dich-ton-trong-su-that-567104
[3]//congluan.vn/su-that-chinh-la-ton-chi-muc-dich-cuoi-cung-cua-bao-chi-post59026.html
[4]//giaoduc.net.vn/goc-nhin/hang-loat-bao-tap-chi-viet-ve-tap-doan-flc-post191645.gd
[5]//nhandan.com.vn/xahoi/item/33841302-can-xu-ly-nghiem-nhung-vi-pham-tai-cac-du-an-cua-tap-doan-flc-o-thanh-hoa-va-binh-dinh.html