Lịch sử ra đời của mô tô Harley - Davidson

GD&TĐ - Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, Harley - Davidson đã trở thành một trong những nhà sản xuất xe máy lớn và nổi tiếng nhất thế giới.

Xe mô tô Harley - Davidson ra đời từ ý tưởng của hai người bạn: William Harley (bên trái) và Arthur Davidson.
Xe mô tô Harley - Davidson ra đời từ ý tưởng của hai người bạn: William Harley (bên trái) và Arthur Davidson.

Ngày nay, chiếc xe kềnh càng này không còn xa lạ với những người say mê tốc độ. Tuy nhiên, lịch sử hình thành của nó cũng lắm thăng trầm.

Ý tưởng “độc” gặp nhau

William Harley và Arthur Davidson gặp nhau vào cuối những năm 1890. Họ nhanh chóng trở thành bạn bè vì có chung sở thích về cơ khí và thiết kế.

Vào một đêm nọ, khi ra ngoài thị trấn, cả hai tình cờ dự khán màn biểu diễn đầy mạo hiểm trên sân khấu của Anna Held, một nghệ sĩ tạp kỹ nổi tiếng. Mặc dù có nhiều tiết mục hấp dẫn để theo dõi, nhưng Harley và Davidson chỉ quan tâm thiết bị mà Held dùng để tự đẩy mình băng ngang sân khấu. Đó là chiếc xe ba bánh chạy bằng động cơ xi-lanh đơn. Thiết bị này đã khơi dậy trí tưởng tượng của hai chàng trai về một cuộc cách mạng trong chế tạo mô tô.

William S. Harley sinh năm 1880 tại Milwaukee (Wisconsin, Mỹ). Thời thơ ấu của ông ít người biết. Chỉ biết ở tuổi 15, ông bắt đầu làm việc tại một nhà máy sản xuất xe đạp, đầu tiên thuộc bộ phận lắp ráp, sau đó là người phác thảo. Sở thích của Harley đối với xe đạp, cùng với thiên hướng cơ học bẩm sinh, đã khơi dậy trong ông ý tưởng về xe hai bánh có động cơ.

Arthur Davidson sinh năm 1881 tại Milwaukee (Wisconsin) trong gia đình có 5 người con. Người ta biết rất ít về Davidson trước khi ông được thuê làm thợ tạo mẫu tại Barth Mfg. Co. Thú tiêu khiển yêu thích của ông khi còn bé là đạp xe đến những địa điểm xa xôi ở Wisconsin để câu cá.

Mặc dù đã ấp ủ ý tưởng về một chiếc xe đạp có động cơ để thay thế bàn đạp, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc tự mình chế tạo một chiếc xe như vậy, cho đến khi gặp William S. Harley tại Công ty Barth Mfg. Davidson và bị hấp dẫn bởi ý tưởng lắp động cơ cho xe đạp của bạn.

Sau khi xem buổi biểu diễn tạp kỹ của Miss Held, họ quyết định biến ý tưởng của Harley thành hiện thực. Cả hai bắt đầu làm việc tại nhà kho nhỏ ở sân sau của nhà Davidson.

Lúc đó, họ không biết đã có một số công ty khác ở Mỹ cũng đang thực hiện ý tưởng tương tự. Để chiếc xe đạp với động cơ có thể cạnh tranh, họ phải làm cho nó hoạt động tốt hơn những chiếc xe khác. Không mất nhiều thời gian để hai người bạn nhận ra rằng, ngay cả với sự kết hợp giữa kiến thức và khả năng sáng tạo, họ vẫn cần một thợ cơ khí lành nghề để hình thành chiếc xe máy của mình.

Do đó, Davidson đã tranh thủ sự giúp đỡ của anh trai, Walter, một thợ máy thuộc hệ thống đường sắt ở Kansas, với lời hứa sẽ cho lái “chiếc xe máy” mới của họ.

Tuy nhiên, khi đến Milwaukee, Walter mới biết ông sẽ phải giúp William và Arthur chế tạo chiếc mô tô, trước khi ông có thể lái nó. Sau đó, Walter bỏ công việc đang làm để đầu tư vào ước mơ của họ. Ngoài ra, anh cả của Arthur, William, quản đốc xưởng dụng cụ đường sắt ở Milwaukee, cũng được đề nghị tham gia.

Ngay sau đó, Harley và Davidson chuyển một phần hoạt động sang xưởng cơ khí thuộc sở hữu của người bạn Henry Melk, có kỹ năng về tiện.

Đến năm 1903, nỗ lực của họ đã cho ra đời nguyên mẫu xe đạp gắn động cơ Harley - Davidson đầy đủ chức năng đầu tiên. Cuối năm đó, Công ty Harley - Davidson ra đời. Trong vòng ba năm, họ đã hoàn thiện một chiếc “xe máy”, sẵn sàng tung ra thị trường.

Năm 1907, Công ty mô tô Harley - Davidson trở thành Harley - Davidson, Inc. Harley được bổ nhiệm làm Kỹ sư trưởng và Thủ quỹ. Davidson là Thư ký và Tổng Giám đốc Kinh doanh. Từ đó trở đi, số phận, danh vọng và vận mệnh của hai người gắn bó chặt chẽ với nhau.

Chiếc xe máy Harley - Davidson ra đời đầu tiên (năm 1903) hiện được trưng bày tại Bảo tàng Harley - Davidson ở Milwaukee, Wisconsin.

Chiếc xe máy Harley - Davidson ra đời đầu tiên (năm 1903) hiện được trưng bày tại Bảo tàng Harley - Davidson ở Milwaukee, Wisconsin.

Không ngừng phát triển

Năm 1903, Arthur Davidson gặp doanh nhân Chicago Carl H. Lang, người nhận bán những chiếc mô tô Harley - Davidson mới tại cửa hàng Adams St. của ông ta ở Chicago. Đây được xem đại lý chính thức đầu tiên của hãng.

Đến tháng 4 năm 1905, công ty đã sản xuất được những chiếc xe máy hoàn chỉnh với số lượng hạn chế. Năm đầu tiên đó, Carl H. Lang đã bán được ba chiếc xe đạp gắn động cơ trong số năm chiếc được sản xuất tại nhà kho ở sân sau nhà Davidson.

Năm 1906, Harley và Davidson xây dựng nhà máy chuyên dụng đầu tiên trên một khu đất ở phố Chestnut, cách không xa nhà của Davidson. Tại nhà máy mới, sản lượng tăng lên 150 xe máy trong năm đầu tiên.

Vào năm 1907, Harley - Davidson, Inc có được thị trường lớn đầu tiên: Các sở cảnh sát trong khu vực. Năm 1908, Carl H. Lang nảy ra một ý tưởng quảng cáo “độc”, đưa khách hàng đi xe máy quanh thành phố để trải nghiệm sản phẩm. Sau đó, các sự kiện tương tự tiếp tục định hình Harley - Davidson.

Năm 1913, Harley - Davidson, Inc. chuyển đến một nhà máy sản xuất xe máy sáu tầng hiện đại. Từ chỗ chỉ bán được 3 chiếc xe máy trong năm đầu tiên, chỉ trong vòng 10 năm, con số đó đã lên tới gần 13.000 chiếc.

Vào năm 1905 và 1906, tất cả xe Harley - Davidson đều là mẫu xi-lanh đơn với động cơ 440 phân khối. Nhưng sau đó, vào tháng 2 năm 1907, họ đã giới thiệu nguyên mẫu động cơ V-Twin góc 45 độ tại Triển lãm ô tô Chicago. Động cơ V-Twin mới có dung tích 880 phân khối, tạo ra công suất khổng lồ 7 mã lực, gấp đôi so với xi-lanh đơn, với tốc độ tối đa khoảng 95 km/giờ.

Luôn đi trước đối thủ một bước, vào năm 1912, Harley - Davidson Inc. giới thiệu “ghế Ful-Floteing” đã được cấp bằng sáng chế. Đây là những chiếc ghế tiêu chuẩn trên tất cả các chiếc Harley - Davidson cho đến năm 1958.

Chiếc mô tô giao hàng 'Servi-Car' ba bánh phổ biến cho đến năm 1973.

Chiếc mô tô giao hàng 'Servi-Car' ba bánh phổ biến cho đến năm 1973.

Đứng vững trong “Đại suy thoái”

Năm 1917, Hoa Kỳ tham gia Thế chiến thứ Nhất và yêu cầu Harley - Davidson, Inc. sản xuất xe máy phục vụ chiến tranh. Trong bốn năm sau đó, quân đội đã mua hơn 20.000 xe máy từ công ty. “Đại suy thoái” (1929 - 1939) bắt đầu chỉ vài tháng sau khi Harley - Davidson, Inc. giới thiệu mẫu xe 740 phân khối của họ.

Lúc này, hầu hết người Mỹ không có tiền để chi tiêu cho việc đi lại hoặc mua sắm những mặt hàng xa xỉ. Doanh số bán hàng của công ty giảm từ 21.000 chiếc năm 1929, xuống còn 3.703 chiếc vào năm 1933. Nhưng điều này không ngăn cản công ty trình làng các mẫu xe mới vào năm 1934, với động cơ “nắp phẳng” mới và kiểu dáng “Art Deco”.

Để vượt qua thời kỳ suy thoái, Harley - Davidson, Inc. đã cho ra đời một loại phương tiện giao hàng ba bánh có tên là “Servi-Car”, bán rất chạy và vẫn được sản xuất cho đến năm 1973.

Là một trong hai nhà sản xuất xe máy của Mỹ tồn tại được sau “Đại suy thoái”, Harley - Davidson, Inc. lại sản xuất số lượng lớn xe cho Quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ Hai. Trong số này có một phiên bản quân sự, dung tích 740 phân khối, được gọi là “WLA” (A là viết tắt của Army - quân đội). Tổng cộng có hơn 90.000 xe máy loại này đã được sản xuất.

Vì những nỗ lực phi thường trong thời chiến, Harley - Davidson, Inc. đã nhận được hai Giải thưởng “E” của Hải quân Hoa Kỳ; một vào năm 1943, một vào năm 1945, cho “Sự xuất sắc trong sản xuất”.

Khi Thế chiến thứ Hai kết thúc , Harley - Davidson, Inc. tiếp tục hoạt động sản xuất xe dân dụng, cho ra đời một số mẫu xe máy V-Twin cỡ lớn, chạy cả đường cao tốc rộng mở và đường đua.

Vượt qua khó khăn

Năm 1969, Công ty thiết bị giải trí American Machine and Foundry (AMF) mua lại Harley - Davidson Inc. Họ sắp xếp lại hoạt động sản xuất, cắt giảm lực lượng lao động và hạn chế chi phí. Điều này đã dẫn đến kỷ nguyên xe máy chất lượng thấp.

Thế nhưng, ngay cả khi thị trường Mỹ tràn ngập những chiếc xe máy rẻ tiền do Nhật Bản sản xuất (Honda, Kawasaki, Suzuki và Yamaha), thì những mẫu xe Harley - Davidson vẫn đắt một cách không tương xứng, khiến doanh số bán hàng nhanh chóng sụt giảm, công ty gần như phá sản.

Năm 1981, AMF bán công ty đang gặp khó khăn này cho một tập đoàn gồm 13 nhà đầu tư. Những hoạt động lúc này được điều hành bởi doanh nhân Vaughn Beals và Willie G. Davidson (cháu trai của người đồng sáng lập Harley - Davidson, William A. Davidson).

Ban quản lý mới ngay lập tức đặt ra mục tiêu cải thiện chất lượng sản phẩm, giới thiệu các tiến bộ công nghệ và áp dụng phương pháp quản lý “Just-in-time”: Đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm cần thiết.

Ngoài ra, thay vì cố gắng cạnh tranh với các mẫu xe phổ biến của Nhật Bản (tràn ngập thị trường Mỹ), ban lãnh đạo quyết định khai thác hình ảnh “quá khứ hào hùng” của mô tô Harley - Davidson. Họ bắt đầu chế tạo những cỗ máy có hình dáng giống như những chiếc xe máy đặc trưng trước đó, cùng với các tính năng tùy chỉnh phổ biến dành cho chủ sở hữu.

Đến năm 1990, với sự ra đời của mẫu xe được gọi là “Fat Boy”, Harley - Davidson một lần nữa dẫn đầu về doanh số bán hàng trên thị trường mô tô hạng nặng (trên 750 phân khối).

Bắt đầu từ năm 1990 và kéo dài sang thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, danh tiếng của Harley - Davidson lại bị ảnh hưởng. Họ bị buộc tội thổi phồng số liệu bán hàng để thao túng giá cổ phiếu.

Harley - Davidson là bị đơn trong nhiều vụ kiện tập thể (2004, 2007, 2011, 2022), do các nhà đầu tư cho rằng họ đã bị ban lãnh đạo Harley - Davidson cố tình lừa gạt. Tính đến năm 2007, cổ phiếu của Harley - Davidson đã phục hồi nhưng danh tiếng của hãng cũng bị ảnh hưởng ở Mỹ

Bắt đầu từ lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Harley - Davidson vào năm 1993, công ty đã tổ chức các chuyến chạy xe ăn mừng đến Milwaukee, với tên gọi “Ride Home”.

Truyền thống này vẫn tiếp tục 5 năm một lần và được gọi một cách không chính thức là “Harleyfest”. Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập được tổ chức trọng thể tại Budapest, Hungary, với cuộc diễu hành vào ngày 24/6/2023.

Ngày nay, Harley - Davidson có nhà máy ở York, Pennsylvania; Milwaukee, Wisconsin; Manaus, Brazil; Bawal, Ấn Độ; và Pluak Daeng, Thái Lan - với hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới.

Sau hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp và niềm đam mê của mình, Harley qua đời vì bệnh suy tim ở Milwaukee vào ngày 18/9/1943, ở tuổi 62.

Ngày 30/12/1950, Arthur Davidson tử nạn trong một vụ va chạm giữa hai chiếc ô tô chỉ cách nhà ông ở Wisconsin khoảng 5km, thọ 69 tuổi.

Năm 2004, William S. Harley, Arthur Davidson, William A. Davidson và Walter Davidson Sr. được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Lao động vì những thành tích phi thường của họ đối với Công ty Harley - Davidson.

Theo Historydefined

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ