Lịch sử hệ thống bưu trạm

GD&TĐ - Từ khi có nhà nước, có văn bản, các triều đại phong kiến đã hình thành hệ thống phát chuyển công văn, giấy tờ.

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Ở nước ta thời xưa, việc chuyển phát này vẫn được giao cho binh lính, duy trì cho đến cuối thời Lê trung hưng.

Năm 1721, thời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương sai định rõ thể lệ chạy trạm ở ven đường. Theo đó, các địa phương đều đặt nhà trạm, sai quan đứng giám sát công việc.

Các nội trấn (tức bốn trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây) thì dùng quan huyện giám sát; còn các ngoại trấn (tức các trấn An Quảng (Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay), Cao Bằng, Hưng Hóa (vùng từ Hòa Bình lên Lào Cai, Yên Bái), Tuyên Quang, Thái Nguyên và Lạng Sơn) thì dùng thổ tù để sung vào làm việc.

Theo sử “Đại Việt sử ký tục biên” thì bộ Binh giữ và coi quản bưu dịch này. Nếu có giấy tờ đồ vật gì phải đệ chuyển bằng đường trạm thì các nội trấn dùng bài hiệu của bộ Binh, ngoại trấn dùng giấy chứng nhận của quan trấn, mỗi trạm đều ghi rõ số phu trạm, và cho phép quan giám tri thuê mướn dân đinh để làm phu, rồi trả cho họ tiền “cước lực” (tức là tiền chân đi, nôm na là tiền công vận chuyển, tiền này tính theo ngày đường).

Quy định cũng cho biết, chuyển đệ văn thư thì tính vào hạng nhẹ, đồ vật phải gánh vác tính vào hạng nặng tiền công đều tới lĩnh ở nơi quan trấn. Cứ cuối năm mỗi trạm tính gộp các khoản chi tiêu, quan trấn kê khai đầy đủ từng loại, nộp về bộ Binh tra xét kiểm nghiệm. Nếu thấy kẻ nào cấp thiếu số phu trạm hoặc ăn bớt tiền công thuê phu trạm sẽ bị giáng chức và luận vào tội “đồ” (bắt làm việc khổ sai tại các xưởng công).

Năm sau, hai ban văn võ dâng tờ khải lên chúa Trịnh Cương, ca tụng chúa nhiều việc, trong đó có việc đặt nhà trạm. Điều này được Ngô Cao Lãng chép trong sách “Lịch triều tạp kỷ” như sau: “Quy định phép chạy trạm, đặt nhà trạm, bổ người coi quản, khiến dân không phải cái nạn chạy ngược chạy xuôi như thơ “phường ngư trinh vĩ” đã tả”.

Ở chỗ này, các quan trong phủ chúa dẫn câu trong Kinh Thi “phường ngư trinh vĩ”, tả đuôi con cá mè bình thường có màu trắng, khi cá bị bệnh tật, mệt mỏi thì đuôi chuyển sang màu đỏ, ngầm nói lên tình trạng lao lực, chỉ người bị đuối sức, phải đảm nhận công việc quá nặng nhọc.

Thời nhà Lê, triều đình đặt trên hệ thống đường thiên lý 54 trạm dịch. Mỗi trạm có 12 người, trong đó có một đội phu, một đội phó và 10 phu trạm cùng 4 con ngựa. Với tỷ lệ người và ngựa như vậy, cho thấy công văn được lính trạm chuyển bằng chạy bộ là chính. Chỉ loại công văn rất quan trọng, các trạm mới dùng ngựa để chuyển.

Sang thời Nguyễn, hệ thống bưu trạm nối liền từ biên giới phía Bắc vào Nam, với hơn 100 trạm. Các tuyến đường từ Thăng Long, thành Gia Định đi các tỉnh cũng đều đặt nhà trạm. Mỗi trạm cách nhau khoảng 15 - 18 km, phù hợp với sức chạy của người hoặc ngựa.

Đầu thời Nguyễn, hệ thống bưu chính cùng các dịch trạm của nhà Nguyễn thuộc về bộ Lại, từ thời vua Minh Mạng mới đổi sang trực thuộc bộ Binh.

Theo bộ sử “Đại Nam thực lục” thì vua Minh Mạng đã: “Sai bộ Binh lĩnh việc bưu chính. Lệ trước các trát giao cho trạm đệ đều do bộ Lại. Vua thấy lính trạm thuộc về binh tịch, nên đổi định lại”.

Có lẽ đầu thời nhà Nguyễn, lượng công văn lưu chuyển giữa Kinh đô về các địa phương chưa nhiều, nên chưa cần chuyển phát công văn hàng ngày. Do đó, năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua cho định lệ phát trạm cho bưu chính, thì ống trạm của các nha ở Kinh đô phát đệ đi các địa phương, việc thường thì bộ Binh 3 ngày mới phát một lần, việc khẩn lắm hoặc khẩn vừa thì không kể hạn ấy. Cuối tháng làm sách thống kê để tâu lên.

Từ năm Minh Mạng thứ nhất (1820), vua Minh Mạng đã dụ bộ Binh rằng: “Đặt ra bưu chính là để truyền đệ việc công. Điều cấm đã định, nhưng gần đây, các nha hoặc lạm sai lại dịch, ủy riêng thân quyến, người coi trạm thì hoặc có việc riêng đi vắng, đến khi có việc vội thì thúc giục chạy mau, hoặc việc công khẩn cấp mà bắt phu trạm chạy, còn thêm đánh đập. Lại có người giả mạo danh hiệu chức sắc, chẳng có bằng trái gì mà dọa nạt... nên truyền dụ nghiêm cấm”.

Theo lệ từ thời Lê, lính trạm vẫn không có lương, nên đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua mới cấp cho các nhà trạm các địa phương 6 tháng lương tiền.

Vua Minh Mạng dụ rằng: “Việc bưu chính là việc quan yếu của nhà nước, mà lính trạm lệ không cho lương, nghĩ rằng ngày đêm bôn tẩu mỏi mệt, đã nhiều lần theo tháng mà thưởng cho tiền gạo, năm nay ngày tiết Nguyên đán lại thưởng cho 6 tháng.

Nay gặp lễ mừng thi ơn khắp nơi, vậy trong kinh ngoài trấn Phiên An đến trạm Sơn Mai trấn Sơn Nam và trạm Vĩnh Giai trấn Vĩnh Thanh, mỗi trạm cấp cho tiền gạo 6 tháng, mỗi tháng tiền 30 quan, gạo 20 phương, kể từ mồng 1 tháng 7 này bắt đầu; lại cho 3 tháng lĩnh một lần cho đỡ phí công nhọc sức”.

Từ đấy hằng năm, vào dịp tiết Nguyên đán và tiết Vạn Thọ (lễ sinh nhật nhà vua), triều đình đều hai lần ân cấp cho lính trạm, lấy làm lệ thường.

Cũng năm này, triều Nguyễn mới bắt đầu đặt viên dịch ty Bưu chính trong bộ Binh, gồm Chủ sự và tư vụ đều 1 người, Bát cửu phẩm thư lại đều 2 người, Thư lại vị nhập lưu 14 người, lấy ty thuộc bộ Binh sung bổ sang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ