Leo thang căng thẳng Nhật – Hàn: Vai trò của Mỹ đang ở đâu?

GD&TĐ - Hàn Quốc vừa tuyên bố sẽ từ bỏ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản, một động thái làm leo thang căng thẳng một cách đáng kể giữa hai nước. Tình huống này cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ đang giảm bớt trong khu vực.

Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản trong Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tháng 6
Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản trong Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tháng 6

“Thước đo” hụt hẫng

Quyết định của Hàn Quốc về việc gia hạn thỏa thuận an ninh - một hiệp ước mà Mỹ đã thúc đẩy một phần để bảo đảm giám sát chặt chẽ hoạt động của tên lửa Triều Tiên – vốn được xem như “thước đo” quan hệ giữa Seoul và Tokyo, hai nước đồng minh châu Á gần nhất của Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết, họ đã bị bất ngờ trước quyết định này.

Mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul đạt đến điểm thấp nhất trong nhiều năm sau khi các quan chức Nhật Bản áp đặt các hạn chế thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc trong tháng này. Không chỉ thế, Nhật Bản còn loại Seoul khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy và Hàn Quốc đã hồi đáp bằng hành động tương tự.

Các động thái này một lần nữa vô hiệu hóa những nỗ lực xoa dịu thù hận giữa hai quốc gia, bắt nguồn từ sự xâm chiếm thuộc địa của Nhật Bản tại Hàn Quốc trước Thế chiến II.

Kim You-geun, Phó Giám đốc đầu tiên của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc, cho biết nước ông đã quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo vì những hạn chế thương mại đã gây ra một sự thay đổi quan trọng trong hợp tác liên quan đến an ninh giữa hai nước. “Chính phủ của chúng tôi kết luận rằng việc tiếp tục duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự nhạy cảm không phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông nói trong một tuyên bố.

Ngỡ ngàng từ nhiều phía

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng, quyết định của Hàn Quốc là rất đáng tiếc. “Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở trong tình trạng rất nghiêm trọng, với hàng loạt động thái cực kỳ tiêu cực và phi lý của Hàn Quốc, bao gồm cả quyết định lần này” - ông Kono tuyên bố - “Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc giục Hàn Quốc phản ứng một cách hợp lý, dựa trên quan điểm nhất quán của chúng tôi về các vấn đề khác nhau”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, Mỹ đã thất vọng trước quyết định này. “Những lợi ích chung của Nhật Bản và Hàn Quốc là quan trọng và họ rất quan trọng đối với Mỹ” - ông Pompep nói - “Chúng tôi hy vọng hai quốc gia đó có thể bắt đầu đưa mối quan hệ đó trở lại bình thường”.

Quyết định của Seoul là một bất ngờ đối với nhiều người. Trong những ngày gần đây, đã có những dấu hiệu cho thấy hai bên đang tìm cách giảm bớt các căng thẳng. Trong một bài phát biểu quan trọng vào tuần trước, Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc đã gửi tín hiệu hòa giải tới các nhà lãnh đạo Nhật Bản khi nói rằng: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng tham gia nếu Tokyo chọn đối thoại”.

Chính quyền Trump kêu gọi chính phủ ông Moon không từ bỏ thỏa thuận. Stephen E. Biegun, Đặc phái viên Mỹ và Allison Hooker, Giám đốc chính sách Hàn Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, đã gặp các quan chức Hàn Quốc hôm thứ Tư tại Seoul để thảo luận về Triều Tiên và kêu gọi họ giữ gìn thỏa thuận. Chính quyền ông Moon đã không nói với các quan chức Mỹ rằng họ đang chuẩn bị loại bỏ thỏa thuận này.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính phủ nước này đang theo dõi sát sao động thái mới nhất của ông Moon, trong bối cảnh chính trị trong nước và cố gắng tăng cường hỗ trợ cho ông và đảng của ông. Theo quan chức này, việc khuyến khích khôi phục thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa hai chính quyền hiện tại ở Seoul và Tokyo là rất khó khăn.

Quyết định “oái oăm” trong thời điểm nhạy cảm

Sự sụp đổ của thỏa thuận đến vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm trong khu vực. Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử tên lửa đạn đạo trong khoảng một tháng. Cho đến nay, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn thường xuyên chia sẻ phân tích về các vụ thử như vậy với nhau cũng như với Mỹ.

Kelly Magsamen, người đã khuyến khích thỏa thuận này khi là Phó Trợ lý chính của Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Obama cho biết phía Mỹ hy vọng sẽ giảm bớt thời gian phải đóng vai người trung gian trong việc chia sẻ thông tin tình báo, bởi việc này vô cùng cần thiết, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng quân sự, chẳng hạn như một vụ phóng tên lửa đạn đạo chẳng hạn.

Các nhà phân tích cho rằng trước mắt, cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có thể có được thông tin tình báo quan trọng về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thông qua Mỹ, nhưng cũng cho rằng việc rút lui khỏi thỏa thuận của Hàn Quốc đã ngăn chặn hiệu quả sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai. Việc Hàn Quốc rút lui khỏi thỏa thuận không chỉ là sự mất mát trong chia sẻ thông tin tình báo, mà còn mang tính biểu tượng cho một trở ngại của việc bắt đầu lại hợp tác an ninh một cách nghiêm túc một lần nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.