"Leo cây"… bắt trò

GD&TĐ - Có lần, vì không muốn cho con đến lớp, một phụ huynh đã đưa con trốn lên nương. Khi thấy các cô giáo lên tận nơi tìm, họ đã treo con lên cành cây cao và thách thức: “Cô giáo leo cây mà bắt nó!”

Cô giáo Vũ Thị Năm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hua Thanh trực tiếp tham gia vận động học sinh ra lớp tại bản.
Cô giáo Vũ Thị Năm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hua Thanh trực tiếp tham gia vận động học sinh ra lớp tại bản.

“Nhiều lần chúng tôi hẹn phụ huynh lên nhà, nhưng khi đến nơi thì “vườn không nhà trống” hoặc cắm lá xanh (báo hiệu có việc cấm kỵ không tiếp khách)… Để có trò đến lớp, giáo viên thường xuyên phải “leo cây” về cả nghĩa đen lẫn bóng”, cô Vũ Thị Năm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hua Thanh tâm sự.

Cô giáo “leo cây” mà bắt nó!

Nằm ngay cạnh Quốc lộ 12, Trường Mầm non Hua Thanh (xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) chừng 5km. Nhà ngay trung tâm thành phố nên mỗi ngày cô giáo Lương Thị Liên, Phó Hiệu trưởng nhà trường chỉ mất vài phút di chuyển tới trụ sở.

“Nhiều giáo viên trong trường cũng ở quanh thành phố. Người ngoài nhìn vào cứ bảo sướng thật, nhưng chỉ giáo viên ở đây mới hiểu cái khó, cái khổ của nhau. Tôi trước từng dạy ở xã Núa Ngam, là vùng ngoài cách thành phố tới vài chục km. Nhưng nói thật, công việc ở đó còn đỡ vất vả hơn bây giờ nhiều”, cô Liên bộc bạch.

Theo chia sẻ của cô Liên, Trường Mầm non Hua Thanh hiện có 5 điểm. Ngoài 1 điểm trường chính, còn 4 điểm lẻ ở các bản. Trong đó, điểm xa nhất hơn 20km. Trong tổng số 361 học sinh toàn trường thì chỉ có 4 em dân tộc Kinh. Số còn lại đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu người Mông). Có “tiếng” là gần thành phố, song kinh tế còn phụ thuộc nương rẫy nhiều, đa phần tự cung tự cấp. Mải lo kinh tế nên người dân cũng không dành nhiều sự quan tâm cho việc học của con em. Nhất là đối với nhóm nhà trẻ từ 1 – 3 tuổi, rất khó để huy động ra lớp.

“Bởi đây là độ tuổi chưa được hưởng chế độ ăn của Nhà nước, lại phải đóng học phí. Bà con ở đây còn khó khăn, hễ nói đến nộp tiền là mặc định không luôn. Vì thế, những gia đình chỉ phải vận động 1 lần ít lắm. Đa phần là phải đến 2 - 3 lần. Thậm chí, có đợt giáo viên phải “nằm vùng” cả tuần”, cô Vũ Thị Năm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Từ đầu năm 2022, con đường lên bản Nậm Ty (Hua Thanh) đã được rải cấp phối, song vào mùa mưa việc đi lại của giáo viên vẫn hết sức khó khăn.
Từ đầu năm 2022, con đường lên bản Nậm Ty (Hua Thanh) đã được rải cấp phối, song vào mùa mưa việc đi lại của giáo viên vẫn hết sức khó khăn.

Cô kể, sau mỗi lần “nằm vùng” ấy, giáo viên nhà trường lại “sưu tập” cả một kho chuyện dở khóc, dở cười về kể cho nhau nghe. Phần là chuyện vui, song một phần khác là để chia sẻ kinh nghiệm, lỡ người sau có gặp còn biết đường mà “ứng phó”.

“Phụ huynh ở đây họ có nhiều lý do, nhiều cách để không đưa con đến lớp lắm. Nào con nhỏ chưa biết đi, chưa biết nói, còn phải bú mẹ… Rồi bố mẹ phải đi nương không ai cho con đến lớp. Đến vận động nhiều thì họ lôi cả con ở tít trên nương, hoặc cứ thấy bóng dáng giáo viên từ xa là cắm lá xanh trước nhà. Theo phong tục thì mỗi khi nhà ai cắm lá xanh trước cổng là để báo hiệu rằng nhà có việc cấm kỵ, không tiếp khách”, cô Năm tâm sự.

Mỗi lần như vậy, các cô giáo lại “biến” mình thành “siêu nhân” để giúp phụ huynh tháo gỡ từng “vướng mắc”. Con chưa biết gì thì cô dạy, thậm chí, nhiều cô còn phải “cam kết” cho trẻ bú thay mẹ. Một vài gia đình cá biệt, tạo áp lực ngược lại, nhà trường phải báo cáo lên chính quyền địa phương, rồi nhờ sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chức sắc, người có uy tín trong bản…

Cô Năm nhớ lại, có lần, vì không muốn cho con đến lớp, một phụ huynh đã đưa con trốn lên nương. Khi thấy các cô giáo lên tận nơi tìm, họ đã treo con lên cành cây cao và thách thức: “Cô giáo leo cây mà bắt nó!”. “Tất nhiên, giáo viên không thể không làm. Sau đó thì họ đã đồng ý cho con đi học. Người Mông là thế, nếu mình làm được điều họ nói thì họ sẽ phục”, cô Năm nói.

Với sự nỗ lực của giáo viên, những lớp học ở Hua Thanh mỗi ngày đông đủ học sinh hơn.
Với sự nỗ lực của giáo viên, những lớp học ở Hua Thanh mỗi ngày đông đủ học sinh hơn.

Bất ngờ thành… “mẹ nuôi”

Đã từng giảng dạy ở nhiều địa bàn vùng cao có đồng bào Mông sinh sống, nên khi chuyển công tác về Hua Thanh (năm 2009) cô giáo Lò Thị Diên không phải mất thêm thời gian để làm quen với môi trường, công việc, phong tục tập quán bà con. Dẫu vậy, trong suốt hơn 10 năm về đây, cô Diên cũng gặp nhiều phen “hú vía”.

“Mới đầu, tôi cứ nghĩ trường gần thành phố chắc đi điểm lẻ cũng thuận tiện thôi. Nhưng nào ngờ ngay chuyến đầu lên bản Nậm Ty tôi đã sốc luôn. Từ Quốc lộ 12 rẽ vào bản có 18km, song đường dân sinh xuống cấp nghiêm trọng. Ngày nhận lớp đúng vào mùa mưa, con đường nhiều đoạn sống trâu, cua gấp mà cứ trơn như đổ mỡ. Năm ấy, tôi cùng với 1 cô giáo lớn tuổi phụ trách điểm bản, 2 cô cháu vừa đi vừa khóc. May mà gặp dân nhờ họ hỗ trợ, khiêng xe, thế mà cũng mất gần 7 giờ mới đến nơi”, cô Diên nhớ lại.

Rồi cô kể, ngày ấy mỗi giáo viên nhận giảng dạy, chăm sóc hơn 30 trẻ đủ lứa tuổi. Vì phụ huynh mải đi nương nên “khoán” cả cho cô giáo. Thế là, một tay cô lo cho trẻ học, chơi, ăn… Điểm trường không có điện, nước cũng khó khăn. Để phục vụ nhu cầu của hàng chục đứa trẻ, mỗi ngày các cô phải 2 lượt đi bộ vài cây số để gùi nước dưới mó lên dùng.

“Mó không lớn, nên nước cứ nhỏ giọt như cái đuôi chuột. Thế nên để lấy được đầy can chúng tôi phải đi từ sớm. Lắm hôm trời mùa đông sương mù, cả sáng và chiều đều phải bật đèn pin soi đường đi lấy nước. Hôm nào may mắn gặp, nhờ được bà con ở lại chờ đầy can và xách về hộ, thì mình còn về trước để kịp giờ đón trẻ”, cô Diên tâm sự.

Mỗi ngày, những đứa trẻ ở Hua Thanh đều vui vẻ, hạnh phúc khi tới lớp. Phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con cho cô giáo.
Mỗi ngày, những đứa trẻ ở Hua Thanh đều vui vẻ, hạnh phúc khi tới lớp. Phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con cho cô giáo.

Chăm chút những đứa trẻ ở đây, cô Diên bảo phải thực sự coi bọn chúng như con mới làm được. Lâu dần, tình cảm gắn bó, trẻ yêu cô còn phụ huynh cũng thêm phần quý mến. Cũng từ sự trân quý, kính trọng ấy mà 3 năm trước cô bất ngờ trở thành “mẹ nuôi” trong hoàn cảnh “dở khóc dở cười”.

Lần ấy, cô Diên cùng 1 đồng nghiệp lên điểm bản Nậm Ty dạy học. Cô Diên đi trước, khi đến 1 đoạn cua gấp, vắng người, bất ngờ có 1 cặp vợ chồng trẻ từ trong bụi cây lao ra. Họ chặn đầu xe và yêu cầu cô dừng lại. Hoảng sợ, hoang mang vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, song cô Diên vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh.

“Họ bế trên tay cậu bé chừng 1 tuổi, rồi lấy ra một con gà đã luộc chín, 1 nắm xôi yêu cầu tôi ăn. Ban đầu, tôi cũng sợ, nhưng sau một hồi nghe giải thích rằng cháu bé là con của họ. Do cháu hay ốm đau, khó nuôi nên muốn tôi nhận làm con nuôi. Thấy thái độ họ rất chân thành nên tôi tin và nhận lời. Về kể chuyện với mọi người, ai cũng bảo tôi liều vì biết đâu gặp người xấu. Nhưng giờ tôi thấy hạnh phúc vì lúc đó mình đã làm đúng”, cô Diên bộc bạch.

Câu bé sau đó được bố mẹ đăng ký giấy khai sinh theo tên của cô Diên đặt là Giàng Tuấn Tú. Tú hiện giờ đã 3 tuổi và được bố mẹ cho đến lớp học tập cùng cô giáo. Theo ông Giàng A Của, ông nội của Tú thì người Mông ở đây quan niệm, con cái thường xuyên ốm đau nếu tìm được người nhận nuôi thì sẽ lớn lên khỏe mạnh, bình an. Người được lựa chọn làm bố, mẹ nuôi phải đáng tin cậy.

“Cháu tôi may mắn được cô giáo nhận làm con nuôi và hiện giờ cháu vẫn khỏe mạnh. Gia đình tôi cảm ơn cô nhiều nên lễ tết thường cho cháu đến tạ ơn, tặng bánh giầy, quả bí… Cô giáo cũng coi cháu Tú như con, tết rồi đầu năm học lại mua quà, quần áo, dép mới. Thằng bé mừng lắm!”, ông Của chia sẻ.

Phụ huynh được giáo viên hướng dẫn cách chăm sóc, dạy trẻ tại nhà.
Phụ huynh được giáo viên hướng dẫn cách chăm sóc, dạy trẻ tại nhà.

Không để trẻ nào “thất học”

Mỗi ngày, cô giáo Mùa Thị Dương phải dậy từ sớm, lên trường trung tâm nhận thực phẩm rồi di chuyển lên điểm trường Pá Sáng cách đó chừng 5km. Cô Dương cho biết, tại điểm này năm nay 38 trẻ các lứa tuổi theo học. “Việc huy động và duy trì được từng đó học sinh đến lớp đã khó, quá trình giảng dạy lại càng khó hơn vì học sinh nhiều độ tuổi, tính cách, thậm chí nhiều em khiếm khuyết, bệnh tật…”, cô Dương nói.

Cậu bé Vừ Hải Đăng là một trong số trẻ đặc biệt trong lớp. Đăng được các cô giáo phát hiện trong quá trình đi điều tra, lập danh sách. Cô Năm tâm sự: “Còn nhớ ngày đầu đến gặp, cả bố và mẹ cháu đều không đồng ý cho con ra lớp, với lý do “nó không biết nghe, nói thì đi học làm gì”. Chúng tôi phải bền bỉ đi lại nhiều lần, rồi nhờ sự tham gia của các đoàn thể xã, bản. Sau đó, trường cam kết sẽ chăm lo cho cháu để bố mẹ yên tâm đi nương thì anh Vừ A Gấu, bố cháu mới đồng ý”.

Những ngày mới đến lớp, Đăng không những không nghe, không hiểu, mà còn thực hiện ngược lại với hướng dẫn, chỉ bảo của giáo viên. Mỗi ngày sau đó cô Dương kiên trì quan tâm, hướng dẫn thông qua cử chỉ, hành động. Đăng dần tiến bộ, biết ngồi ngoan, không chạy nhảy lung tung khi cô nhắc, có sự hợp tác và tự biết xúc cơm ăn…

“Gần 1 năm cháu theo học cũng là bằng đó thời gian tôi và trường động viên gia đình làm hồ sơ cho con được hưởng chế độ trẻ khuyết tật. Nhưng không hiểu lý do vì sao nhiều lần gia đình khước từ. Vì sợ lỡ việc cháu nên tôi đã xin ý kiến ban giám hiệu và chủ động làm, rồi lại kiên trì vận động, giúp họ hiểu là khi làm hồ sơ thì con được hưởng lợi những gì. Khi cháu chính thức được nhận hỗ trợ, gia đình mới tin và cảm ơn trường”, cô Dương tâm sự.

Theo cô Liên chia sẻ, thì với quan điểm “không để trẻ nào phải thất học”, nên mỗi đối tượng, hoàn cảnh học sinh đều được giáo viên nhà trường quan tâm tìm hiểu rất kĩ. Qua đó, đề xuất phương án chăm sóc, giảng dạy, hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh xuất hiện, quan điểm này được cụ thể hóa bằng việc giáo viên mang “lớp” đến tận nhà cho học sinh.

Cô Liên chia sẻ: “Giáo viên nhà trường sẽ được phân theo từng nhóm “nằm vùng” trong bản để tổ chức các hoạt động hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, dạy dỗ trẻ ở nhà. Từ dạy trẻ nhận biết đồ vật, hiện tượng, múa, hát, tổ chức các trò chơi; đến việc hướng dẫn trẻ làm việc nhà ra sao, chế biến món ăn như nào để phù hợp với lứa tuổi…”.

Mỗi hoạt động như thế đều thu hút sự hứng thú của rất đông phụ huynh, nhất là các bà mẹ. Từ đó, không chỉ bồi đắp thêm tình cảm giữa cô giáo với phụ huynh, học sinh, mà còn giúp gắn kết tình cảm các gia đình. Những ông bố, bà mẹ vùng cao hào hứng và tỏ ra hạnh phúc khi được tận tay chăm sóc con, em mình.

Năm học này, giải pháp trên đã được cô Năm xây dựng, phát triển thành đề tài sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, theo cô Năm, công tác tổ chức sẽ quy mô hơn và được thực hiện vào đầu mỗi năm học.

“Như các năm trước, các giáo viên cũng trực tiếp đến nhà nhưng chỉ ngồi nói miệng, vận động nhau thế thôi. Vất vả, mà kết quả chưa thực sự như mong đợi. Từ năm học này, nhà trường đã chuyển hình thức vận động sang bằng việc làm, hình ảnh cụ thể thì thấy rằng hiệu quả rõ nét luôn. Đa phần các gia đình đều đồng ý cho con đến lớp ngay trong lần đầu gặp, không phải đi lại nhiều”, cô Năm cho hay.

Theo đó, giáo viên được chia thành từng nhóm, mang theo đồ dùng dạy học, đồ chơi, thậm chí máy chiếu cho 1 tiết học cụ thể. Tại các gia đình, giáo viên sẽ tổ chức lại một buổi học bất kỳ, với các hoạt động học và chơi cho trẻ. Với gia đình có điện, đảm bảo điều kiện thì sử dụng máy chiếu cho phụ huynh xem hình ảnh về các lớp học thực tế.

Cô Vũ Thị Năm cho biết, với bà con người Mông, thường thì phải tận mắt chứng kiến họ mới đặt niềm tin. Việc mang lớp học đến tận nơi, giúp bà con trực tiếp chứng kiến và hiểu. Rõ ràng đến lớp các con được chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn rất nhiều việc để con ở nhà tự chơi, không ai chăm lo, đối mặt với nhiều nguy hiểm… Trẻ hứng thú, vui vẻ đến lớp, thì phụ huynh cũng yên tâm lao động sản xuất. Từ đó tự nguyện gửi con đến lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ