Theo ông Igor Sechin, các lệnh trừng phạt bất hợp pháp chống Nga, Venezuela, Iran cũng như tình trạng thiếu năng lượng do quá trình chuyển đổi năng lượng đã dẫn đến sự mất cân bằng trên thị trường thế giới.
Ông lưu ý rằng các quyết định của OPEC+ vào tháng 6 không dẫn đến việc ổn định giá dầu, vì thị trường còn bị tác động bởi các yếu tố khác.
Ông Sechin tin rằng về mặt lý thuyết, giá dầu toàn cầu giảm có thể đồng nghĩa với khả năng bỏ tất cả giới hạn giá đối với Nga.
Trong khi đó, tỷ trọng của đồng rúp trong thanh toán cho xuất khẩu dầu của Nga đã tăng hơn gấp 3 lần trong 2 năm và vượt quá 40%, ông Sechin lưu ý.
Ông cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục tăng và các nước đang phát triển sẽ là động lực chính tiêu thụ dầu trong những thập kỷ tới. Đến năm 2030, mức tăng trưởng nhu cầu ở nhóm các nước này sẽ đạt tới 95% mức tăng tiêu thụ toàn cầu.
Theo ông, Sechin, nhu cầu dầu tăng mạnh nhất được dự kiến ở các nước châu Á, vốn là đối tác thương mại chính của Nga. Nhờ sớm tái tập trung xuất khẩu năng lượng sang phương Đông, Nga đã duy trì được vai trò là một trong những nước dẫn đầu về năng lượng toàn cầu.
Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) được tổ chức ngày 5-8/6. Chủ đề năm nay là “Sự hình thành các lĩnh vực tăng trưởng mới trong nền tảng của một thế giới đa cực”.