Kỳ thi phải an toàn, đúng quy chế
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp (TN) THPT năm 2021, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch và phương án đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế.
Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được trình UBND tỉnh Thanh Hóa, để chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định.
Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Cũng như mọi năm, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được Sở GD&ĐT xây dựng. Sau đó, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và ban hành quyết định.
Trong phương án tổ chức kỳ thi TN THPT hàng năm, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đặc biệt quan tấm đến phương án cho tình huống bất khả kháng xảy ra trong kỳ thi, như: Thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn....
Theo đó, khi Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án chức kỳ thi TN THPT, thì các ngành, các đơn vị liên quan đều phải có trách nhiệm bảo vệ kỳ thi an toàn, đúng quy chế.
Theo đó, ngoài vấn đề “chủ công” tổ chức kỳ thi, ngành GD chịu trách nhiệm công tác in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi. Ban in sao đề thi làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly triệt để.
Lực lượng bảo vệ của Công an tỉnh bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật tuyệt đối và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Tại các Điểm thi bố trí phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn. Có đủ số lượng tủ đựng đề thi, bài thi. Tủ đựng phải đảm bảo chắc chắn, có khóa đầy đủ, có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24 giờ/ngày...
Bên cạnh đó, phương án tổ chức kỳ thi cũng sẽ có các ngành liên quan tham gia bảo vệ kỳ thi. Công an tỉnh phải phối hợp với Sở GDĐT xây dựng phương án cụ thể, bố trí đủ lực lượng tham gia bảo vệ tại các điểm thi, tại các hội đồng thi, coi thi, chấm thi, công tác vận chuyển đề thi, bài thi, đảm bảo tuyệt đối an toàn và đúng quy chế.
Lập phương án bố trí lực lượng và phương tiện sẵn sàng, kịp thời phòng cháy, chữa cháy cho tất cả các điểm thi, nhất là các khu vực: lưu giữ và in sao đề thi, làm phách, chấm thi của các kỳ thi...
Chủ động tình huống thiên tai, dịch bệnh
Trong phương án tổ chức kỳ thi TN THPT, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh phòng dịch, sức khỏe các thành viên tham gia Hội đồng tổ chức thi.
Chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện các tuyến từ xã đến huyện (thị xã, thành phố) chuẩn bị các loại vật tư y tế thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu chữa trị, chăm sóc y tế. Có phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 và ngăn ngừa các loại dịch bệnh khác.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi.
Công ty Điện lực Thanh Hóa phải xây dựng phương án ưu tiên cung cấp điện kịp thời, đầy đủ cho Hội đồng thi, các Điểm thi. Đặc biệt, phải đảm bảo có điện ổn định liên tục 24/24 giờ cho các Ban in sao đề thi và chấm thi...
Là hiệu trưởng trường THPT, nên cứ đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay THPT quốc gia trước đây, thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) lại được điều động đi làm trưởng điểm thi.
Thầy Văn không thể quên những ngày trước, trong và sau khi kỳ thi diễn ra. Với thầy Văn, ngoài vấn đề phải thực hiện nghiêm quy chế kỳ thi, thì lo nhất là tình huống thiên tai, dịch bệnh và an toàn sức khỏe cho thí sinh cũng như vận chuyển đề thi, bảo vệ đề vô cùng áp lực.
“Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới cách TP Thanh Hóa gần 250 km. Mỗi năm, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, là những ngày căng thẳng, lo âu nhất đối với với những người làm nhiệm vụ kỳ thi như chúng tôi.
Mỗi chuyến đi nhận, vận chuyển đề thi là hành trình không thể quên với trưởng điểm thi. Bởi lẽ, bên cạnh việc thực thi nhiệm vụ, chúng tôi hiểu mình đang gánh trọn niềm tin của thí sinh, xã hội”, thầy Văn tâm sự.
Cũng theo thầy Văn, Mường Lát là huyện miền núi cao, đường đi lối lại xa xôi đã đành, nhưng sợ nhất là gặp mưa lũ, sạt ở đất, chia cắt đường. Điều lo nhất trong lúc vận chuyển đề thi, mà gặp mưa lũ, sạt lở đất, gây tắc đường, thì vô cùng áp lực.
Do đó, những phương án vận chuyển, bảo vệ đề thi làm sao cho an toàn tuyệt đối, được Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và huyện xây dựng rất chặt chẽ.
Đề phòng mọi tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ tính riêng khâu vận chuyển đề thi, cũng được Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh xây dựng rất nhiều phương án.
“Tôi còn nhớ, có lần đi nhận đề vào dịp trời mưa, anh em phải dùng túi nilon bọc cẩn thận bên ngoài, dán niêm phong, rồi mới đưa vào thùng tôn khóa lại. Làm như vậy, để tránh tình huống không may gặp mưa lũ, đề thi vẫn an toàn, không bị ướt.
Ngoài ra, nhà trường phối hợp với lực lượng Biên phòng dọc tuyến quốc lộ 15C. Nếu gặp tình huống mưa lũ, sạt lở đường và bị chia cắt, lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ hỗ trợ, để áp tải đề thi về trường an toàn nhất”, thầy Văn cho hay.
Hai năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra, khiến công tác tổ chức thi càng thêm căng thẳng. Việc phòng, chống dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu, tránh xảy ra tình huống xấu nhất.
Ngoài ra, công tác dự phòng về cơ sở vật chất cũng được đặt ra. Mỗi điểm thi đều phải có phương án chuẩn bị phòng thi dự phòng.