Lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn khác nhau như thế nào?
Thủy Linh
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Nhiều người cho rằng lễ Vu Lan và cúng Cô hồn là một mà chưa hiểu đây là hai lễ cúng khác nhau. Ngày Rằm tháng 7 được gọi là ngày “Báo hiếu cha mẹ” (lễ Vu Lan), và cũng là ngày “Xá tội vong nhân” (cúng Cô hồn).
Tháng 7 Âm lịch là tháng khá nhộn nhịp vì có nhiều ngày lễ trong đó có Lễ Thất Tịch, Lễ Cúng Cô Hồn, Lễ Vu Lan và Tết Trung Nguyên.
Trong đó có 3 lễ lớn cùng vào Rằm tháng Bảy là Tết Trung Nguyên, Lễ cúng Cô Hồn và Lễ Vu Lan. Chính vì vậy mà có khá nhiều người bị nhầm lẫn không phân biệt được. Chuyên gia phong thủy Song Hà sẽ chỉ ra sự khác nhau giữa những lễ này.
1. Lễ Vu Lan báo hiếu
Ngày Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của một đệ tử lớn của Phật tổ là ông Mục Liên. Mẹ của ông Mục Liên vì làm nhiều điều sai trái nên bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi ngục A Tì. Ông Mục Liên vì muốn cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nên đã cầu xin Đức Phật chỉ cho cách để cứu mẹ ra.
Do nghiệp chướng kiếp trước của mẹ ông quá nặng, một mình Mục Liên không thể làm gì mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý để cầu xin cứu rỗi mới được. Sau đó, ông Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng mười phương, sắm đủ món thức thời trân, hương dâu đèn nến,... để dâng cúng các vị chư tăng thì vong linh của mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Vào đúng dịp Rằm Tháng 7 Âm, Phật dạy Mục Liên cho lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị chư tăng sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của người lập đàn được siêu thoát… Ông Mục Liên đã làm đúng như thế và quả nhiên mẹ ông được thoát khỏi ngạ quỷ và sinh về cảnh giới lành.
Câu chuyện trên là một tấm gương về lòng hiếu thảo, và là nguồn gốc của Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu. Cứ đến Rằm Tháng 7, các gia đình thường lên chùa làm lễ, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên... vào ban ngày. Sau đó về nhà làm mâm cơm chay thắp hương lên bàn thở Phật và bàn thờ gia tiên.
Nếu cúng Vu Lan báo hiếu tại nhà mà không lên chùa thì các gia đình cần chuẩn bị các khóa lễ như: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, đọc một khóa kinh là Kinh Vu Lan để hiểu rõ về ngày Báo hiếu, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu đặc biệt nhất là nghi thức bông hồng cài áo để tưởng nhớ tới đấng sinh thành. Mỗi bông hoa cài áo sẽ tượng trưng cho một ý nghĩa khác nhau.
2. Lễ cúng cô hồn
Nhiều người vẫn biết tháng 7 Âm được dân gian quan niệm là tháng "cô hồn". Từ ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan, cho ma quỷ túa ra tứ phương và đến sau 12h đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Theo đó mà cứ đến tháng này, người Việt sẽ có những nghi lễ xua đuổi ma quỷ, gọi là Lễ Cúng Cô Hồn.
Người ta quan niệm tháng này trên dương thế có nhiều quỷ đói quấy rối nên phải cúng cháo, gạo muối cho chúng để tránh xui xẻ mang đến bình an cho cả gia đình. Ngoài ra Lễ Cúng Cô Hồn còn để cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có thân nhân cúng bái trên trần gian. Nói chung, việc lập đàn lễ cúng cô hồn có ba mục đích: Tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân); Xua đuổi quỷ ma, cầu bình an cho gia chủ và Cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không ai cúng bái (cô hồn).
Bình thường để làm Lễ Cúng Cô Hồn, thực tế ta có thể lập đàn cúng ở bất kỳ ngày nào trong thời gian từ mùng 2 đến ngày Rằm, tuy nhiên thường người Việt sẽ làm vào đúng ngày Rằm hoặc sớm là ngày 14/7 âm thôi. Lễ Cúng Cô Hồn thường làm vào buổi chiều tối. Mâm cúng lễ nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa. Có thể lên chùa lễ cúng cô hồn nếu gia chủ không muốn chuẩn bị tại nhà.
3. Tết Trung Nguyên
Tết Trung Nguyên (hay còn gọi là Tết Rằm tháng bảy) thực chất là một dịp gọi chung cho đại lễ Vu Lan báo hiếu và lễ Cúng Cô Hồn vì ở Việt Nam hai lễ này thường được làm chung vào Rằm tháng bảy. Gộp chung ý nghĩa của hai ngày lễ lại thì Tết Trung Nguyên là một cái tết thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, giàu tính nhân văn khi là dịp để người sống tri ân cha mẹ, nhớ tới những người đã khuất, và thấu cảm cho những mảnh đời kém may mắn vì chết đi trong hoàn cảnh không nơi nương tựa.
Tết Trung Nguyên diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, được coi là cái tết nhân văn hóa và đa nguyên hóa. Với phương hướng tôn trọng sinh mệnh và phát huy giá trị sinh mệnh, ngày tết Trung Nguyên càng có ý nghĩa và nội hàm giáo dục phong phú.
Theo đó cứ vào ngày rằm tháng 7 người dân sẽ có dịp để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ, đồng thời thể hiện sự hiếu thảo của con cháu với ông bà tổ tiên. Trong ngày này, hầu hết những người con xa quê đều cố gắng trở về quê hương, sum họp bên gia đình.
Trong ngày lễ vu lan tết Trung Nguyên, nhà phật thường khuyến cáo nên ăn chay, đến chùa thắp hương cầu khấn và nghe các vị trụ trì thuyết giảng giáo lý nhà phật, nhằm mục đích muốn chúng sinh và những người đã khuất được yên nghỉ, còn người đang sống có sức khỏe dồi dào để mãi ở bên con cháu.
Bên cạnh đó tết Trung Nguyên (ngày rằm tháng 7) người ta còn thường làm các nghi thức phóng sinh để thể hiện lòng nhân từ với chúng sinh, vừa tạo phước cho bản thân, con cháu trong gia đình vừa giúp cho những người già, người cô đơn cảm thấy hạnh phúc và ấm cúng hơn.
Ngày tết Trung Nguyên mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm để dâng lên gia tiên, thần linh, cửa phật và cúng phóng sinh để tỏ lòng hiếu thảo, hoặc dành tặng những lời chúc và món quà ý nghĩa cho cha mẹ của mình.
Ý nghĩa của tết Trung Nguyên đã thức tỉnh bao người con về đạo hiếu với mẹ cha, mang đến một lối sống đúng đạo nghĩa cho thế hệ trẻ.
Cách chuẩn bị mâm cúng tết Trung Nguyên
Thông thường lễ này sẽ được làm vào ban ngày, tránh làm làm ban đêm. Ngoài ra ngày này cũng là ngày Xá tội vong nhân nên nhiều gia đình còn sắp thêm một mâm cơm cúng trước nhà để cúng những vong linh lang thang vất vưởng không gia đình, hay được gọi là cúng cô hồn, cúng chúng sinh.
Sắm lễ tết Trung Nguyên sẽ bao gồm một mâm lễ phật, một mâm lễ Thần linh và gia tiên trong nhà, cụ thể:
- Lễ cúng Phật: Có thể chuẩn bị cơm chay hoặc đơn giản là mâm ngũ quả, cúng xong thì thụ lộc tại nhà. Khi cúng Phật, gia chủ nên đọc một khóa kinh Vu Lan để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho tổ tiên, ông bà những người đã khuất được siêu sinh.
- Lễ cúng thần linh gia tiên: Cúng Thần linh thường là gà trống để nguyên con và xôi hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng. Ngoài ra phải có thêm rượu, chè, trái cây và bình hoa tươi.
Cúng gia tiên là một mâm cơm, có thể là món mặn hoặc chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống.
Bên cạnh đó có thể chuẩn bị thêm tiền vàng và những vật dụng dành cho người cõi Âm được làm bằng giấy như quần áo, giày dép, xe cộ… với mục đích để cho những người đã khuất cũng có được một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi như dương trần.
Theo kiến thức phong thủy cơ bản, mâm cúng có thể làm đầy đủ các món mặn như: xôi, gà luộc, cơm, canh, cá kho,… vàng mã và theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.
- Lễ cúng chúng sinh: Gạo muối, cháo trắng, hoa quả, đường thẻ, quần áo chúng sinh, bỏng ngô, bánh kẹo, tiền vàng, nước, ly cốc nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ. Lễ cúng cô hồn không nên làm lễ mặn và thường được tổ chức vào chiều tối ngày 14 hoặc 15 tháng 7.
Văn khấn, bài cúng tết Trung Nguyên tại gia
Văn khấn, bài cúng tết Trung Nguyên
Bài khấn tết Trung Nguyên sẽ bao gồm hai phần, một phần là khấn thần linh và một phần khấn gia tiên. Thông thường gia chủ sẽ khấn thần linh trước rồi mới khấn đến gia tiên trong gia đình mình.
Văn cúng tết Trung Nguyên – Khấn thần linh:
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Kính lạy: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và Chư vị thần linh cai quản xứ này.
Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm ……
Tín chủ chúng con tên là: … ngụ tại nhà số …., đường …., phường (xã) …., quận (huyện) …, tỉnh (thành phố) …. Thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này. Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, soi xét chứng giám.
Nay gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con đội ơn Tam bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng chở che, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền đáp.
Do vậy, chúng con kính dâng lễ bạc, bày tỏ lòng thành, nguyện xin nạp thọ, phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình chúng con, người người khỏe mạnh, già trẻ bình an hương về chính đạo, lộc tài vương tiến, gia đạo hưng long.
Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
b. Văn khấn tết Trung Nguyên – Khấn gia tiên:
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh
Tín chủ (chúng) con là:....................................
Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy năm .............nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến Tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức.
Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, kim ngân, vàng bạc, thắp nén tâm hương,thành tâm kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ............., cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nhắc đến Tết Trung Nguyên, người ta sẽ giảm bớt ý nghĩa phòng tránh ma quỷ, gạt bỏ những kiêng kỵ không phù hợp của Lễ Cúng Cô Hồn mà chủ yếu tập trung vào xem xét tính nhân đạo, xây dựng đạo lý, cư xử của người sống khi nghĩ tới những vong hồn thay vì sợ hãi, hoang mang, sợ họ làm hại mình, giúp người trần có cái nhìn đúng đắn về sinh và tử, phát huy ý nghĩa giá trị của sinh mệnh, mở ra cuộc đời hiểu biết trọn vẹn âm dương.
Nói chung, Tết Trung Nguyên là dịp để người sống tri ân cùng người đã khuất, thể hiện một tấm lòng nhân đạo sâu sắc và thấm thía. Ý nghĩa của Tết này là vậy.
Vì gộp nhiều lễ bái với nhau, cũng như có một ý nghĩa sâu sắc và đầy tính nhân văn nên dịp Rằm Tháng Bảy luôn là dịp đặc biệt để gia đình quây quần với nhau, gắn bó với nhau thông qua những phong tục như đi lễ chùa, bày mâm cúng, hoạt động "giật cô hồn" mặc dù mang ý nghĩa để bài trừ xui xẻo nhưng vẫn rất vui vẻ, gần gũi chứ không nặng nề.
Tuy nhiên trong tình hình phòng chống dịch bệnh covid hiện nay thì sẽ có mộ số nghi lễ giản tiện hơn hoặc bớt đi vì điều kiện sinh hoạt khi giãn cách tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.
Với cha ông ta từ ngàn đời nay muốn chúng ta hiểu tháng 7 Âm không quá đen đủi như mọi người truyền miệng, rằng sợ xui xẻo, sợ ma quỷ này kia mà cần nhìn vào những ý nghĩa rất nhân văn của các nghi lễ.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.
GD&TĐ - TP Cần Thơ bước vào kỷ nguyên vươn mình, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng trở thành động lực chính thúc đẩy mọi lĩnh vực của đời sống.
GD&TĐ - Lương tham gia vào các hội nhóm Telegram để lấy hình ảnh, video clip "nóng" sau đó tìm cách liên hệ nạn nhân ép buộc phải chuyển tiền cho mình.