Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, ông đồ Lê Thiên Lý lại bày mực tàu, giấy đỏ cho chữ tại Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Với ông, việc cho chữ không phải để kinh doanh mà đó là niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp.
Nhìn bàn tay tài hoa của ông vẩy chiếc bút lông trên giấy đỏ, một thoáng chữ “Phúc”, “Đức”, “Tâm”... hiện lên với những nét vẽ mềm mại trên trang giấy khiến không ít người phải trầm trồ thán phục. Vì vậy, gian hàng thư pháp của ông đồ Lê Thiên Lý lúc nào cũng rất đông người đến xin chữ lấy may mắn đầu năm mới.
Tâm sự về tình yêu với thư pháp, ông Lê Thiên Lý cho hay, niềm đam mê với thư pháp của ông được bắt nguồn từ chính người cha của mình. Từ nhỏ ông đã thuộc Tam Tự Kinh. Mới 15 tuổi ông đã thông thạo chữ Nho và những bức tranh thư pháp của ông hồi đó đã được nhiều người biết đến qua 1 số bức đăng trên báo Thiếu niên Tiền Phong.
Gian thư pháp của nghệ nhân Lê Thiên Lý luôn có đông người đến xin chữ đầu năm |
Nhưng khi lớn lên, ông đành phải rời xa sách thánh hiền, bút lông, mực tàu khi tham gia quân ngũ. Cả khi phục viên về quê nhà, cuốn theo dòng xoáy của cuộc sống mưu sinh, ông mải gắn bó với đồng ruộng, với cái cày, cái quốc vì thế ông tạm gác tình yêu với nghệ thuật thư pháp sang một bên.
Rồi những bức tranh của nhà thư pháp nổi tiếng Lê Xuân Hòa trong cuộc triển lãm thư pháp tại Văn Miếu đầu xuân năm 1998 đã thôi thúc niềm đam mê thư pháp trong ông. Sau đó, ông bỏ công lên tận Lạng Sơn, Móng Cái để tìm những cuốn sách quý về chữ Hán, về thư pháp và luyện tập ngày đêm. Ông kể, vì thư pháp mà ông sẵn sàng quyên ăn, quên ngủ. Một ngày ông dành đến 16, 17 tiếng để học và luyện thư pháp.
Công sức và sự đam mê thư pháp của ông đồ Lê Thiên Lý đã được những người yêu thư pháp ghi nhận qua 2 cuộc triển lãm tại Festival Huế năm 2006 và 2008. Hơn nữa, 2 bức thư pháp viết theo lối chữ Triện “Chiếu dời đô” và “Nam Quốc Sơn Hà” hiện đang được để tại đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý cũng rất nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Quá trình nghiên cứu thư pháp, ông Lê Thiên Lý nhận thấy thư pháp Trung Hoa và thư pháp Việt Nam từ hàng ngàn đời nay đều đi theo 5 lối viết cơ bản là Triện thư, Lễ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư. Hơn nữa, cả 5 lối viết đó đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Điều đó đã khiến ông băn khoăn và muốn làm một cái gì đó để thoát khỏi lối mòn từ ngàn đời. Chính vì thế ông đã tập trung nghiên cứu và chỉ mấy tháng sau, ông đã công bố 2 lối viết mới do chính ông sáng tạo ra là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Hai lối thư pháp này đã tạo ra 1 sự khai phá kì lạ so với thư pháp đơn thuần.
Với ông viết chữ thư pháp xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê |
Với “Nhân diện thư”, chữ viết trên bức thư pháp không chỉ giống người thật ở hình thức mà còn thể hiện được nội tâm, tính cách…của nhân vật.
Còn lối viết “Vật điểu thư” thì mỗi nét chữ lại mang dáng dấp của 1 con chim hoặc 1 bông hoa. Nét mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp đã được ông thổi vào những con chim, bông hoa đó khiến nó sống động và bay bổng như thật.
Hai lối viết thư pháp mới của nghệ nhân Lê Thiên Lý đã loại bỏ được cái thô cứng và khuôn mẫu của những lối viết thư pháp trước đó.
Không chỉ đam mê thư pháp, ông Lê Thiên Lý còn là người vực lại nét văn hóa học chữ Hán Nôm ở Hải Phòng. Ông mải miết cho chữ ở Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm 2007 đến nay. Ông cũng chính là người khởi xướng lễ hội khai bút đầu năm ở Khu tưởng niệm các vị vua vương triều Nhà Mạc tại Kiến Thụy, Hải Phòng vào ngày mùng 6 Tết hàng năm.