Chị và anh quen nhau từ thời sinh viên. Ra trường chị từ Huế theo chồng vào TP.HCM sinh sống. Do anh là con một nên hai anh chị sống chung với bố mẹ chồng.
Nhà chồng độc chiếm quyền chăm sóc đưa trẻ, chị làm mẹ mà bị tước quyền với con. |
Cuộc sống trước đấy cũng có những mâu thuẫn nhỏ, nhưng chỉ mọi thứ chỉ thực sự trở thành bi kịch từ khi chị sinh con trai. Nhà nội có điều kiện, ông bà chu cấp hết mọi chi phí nuôi nấng đứa trẻ, tưởng là điều đáng mừng, nhưng gần như vợ chồng chị không có quyền quyết định bất cứ vấn đề gì liên quan đến đứa con mình.
Từ chuyện đặt tên cho con, mẹ chồng chị cũng nhanh nhảu chọn sẵn. Đứa bé uống sữa gì, dùng tã giấy loại gì, thậm chí khi đứa trẻ bị bệnh thay vì để vợ chồng chị tự chăm sóc, bà nội cũng thu xếp để được ngủ chung phòng, yêu cầu chồng chị qua phòng khác.
Chị từng nhiều lần tâm sự với chồng rằng muốn được tự chăm sóc và dạy dỗ con, chồng chị gạt đi. Anh cho rằng chị sướng mà không biết hưởng.
Lúc con cứng cáp, chị xin được việc làm. Cũng kể từ đó là chuỗi ngày bi kịch. Mẹ chồng chị từng đặt vấn đề: “Con đi làm lương bao nhiêu mẹ sẽ trả chừng đó, để con chỉ ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái”. Do chị không vâng theo, từ đó phải hứng chịu nhiều đòn cảnh cáo chỉ để chứng minh một điều, đồng tiền chị kiếm được chẳng là gì cả.
Lãnh lương, chị dẫn con trai đi mua quần áo, bà nội cũng muốn đi cùng. Biết chị sẽ trả tiền, bà lựa chọn những bộ quần áo hàng hiệu đắt đỏ cho đứa bé. Khi con chị hai tuổi, bà nội đăng ký cho đứa bé học trường mầm non quốc tế, học phí tới 10 triệu đồng/tháng. Chị góp ý rằng, số tiền đó quá nhiều, vợ chồng chị không đủ khả năng. Lúc đó chị đã bị mẹ chồng gạt đi, bà nói đấy không phải việc chị phải lo.
Chị phân tích, cháu mới vài ba tuổi, lớn rất nhanh nên không cần mặc đồ mắc thế, lập tức bị mẹ chồng chì chiết "đi làm mà lương không mua nổi bộ quần áo cho con".
Cầm hóa đơn quần áo trên tay cả năm triệu bạc, chị rụng rời, hết nửa tháng thu nhập. Mẹ chồng chị tỏ ra đắc ý vì đã chứng minh được những đồng lương của cô con dâu không đủ mua quần áo cho cháu bà.
Những thứ đồ chơi chị mua cho con như xe đạp ba bánh, ô tô đều bị bà gom lại cất đi hết. Bà nói đồ chơi đó của Trung Quốc, rẻ tiền, nguy hiểm.
Đã ôm con ra đi, lại đành ngậm ngùi quay lại vì thương con không chịu nổi điều kiện sống sa sút. |
Đứa trẻ thấy mẹ đi làm cả ngày, về nhớ, đeo mẹ. Bà liên tục nhắc khéo là đến giờ cho bé đi ngủ, trẻ con thức khuya không tốt. Thấy mẹ con chị vẫn ríu rít, bà lên tận phòng ẵm đứa bé đi, bảo rằng từ giờ cu Bin phải ngủ ở phòng ông bà vì ở với mẹ không nền nếp.
Chị quay ra nhìn chồng: “Em nhớ con lắm, cu Bin cũng nhớ mẹ, anh nói mẹ để con ở lại với mình nha”.
Thôi thì lại quay về, sống mà như tồn tại, ít ra mẹ con chị còn chung nhà, ít ra thằng bé không phải chịu điều kiện thiếu thốn. |
Trong lúc chị chới với, trông chờ sự xử lý của chồng thì câu trả lời của anh còn khiến chị đau lòng hơn cả: “Nó ngủ chung với bà thôi, đi đâu mất đâu mà em căng vậy. Kệ nó, để nó xuống ngủ với ông bà. Ông bà già cả rồi, nay có cháu tíu tít ông bà cũng vui hơn”.
Thằng bé bị giằng khỏi tay mẹ khóc giãy lên, chị lại lần nữa bất lực bị tước quyền đối với con ngay chính trong gia đình mình.
Cả đêm chị nằm khóc, khóc đến sưng cả mắt. Chị không giàu có như nhà chồng, nhưng với thu nhập 10 triệu đồng/tháng, để nuôi một đứa trẻ không phải là không thể. Sáng hôm sau chị vẫn đi làm như bình thường, nhưng khi tới cơ quan thì xin nghỉ phép. Chị chạy xe máy vòng qua trường đón con.
Được mẹ đón thằng bé mừng rỡ, leo tót ngay lên xe máy. Chị thuê một phòng trọ giá 2 triệu đồng/tháng, định rằng đó sẽ là nơi chị sẽ sống cùng con trai. Chị nhờ bạn bè tìm nơi giữ trẻ công lập, vừa sức với thu nhập của mình để chuyển trường cho bé.
Chiều hôm đó, đến đón cu Bin không thấy, mẹ chồng và chồng chị gọi điện thoại liên tục. Chị không bắt máy. Tới tối, cu Bin than buồn vì không có ipad chơi game, không có ti vi để xem phim hoạt hình. Khuya đến, thằng bé vật vã quấy khóc, không ngủ được bởi đã quen nằm máy lạnh.
Sáng hôm sau, nhìn hai cẳng chân con tấy đỏ nốt muỗi đốt, mồ hôi nhễ nhại, chị cảm thấy day dứt. Chị hỏi Cu Bin: “Hay là mẹ chở Bin về với ba và bà nội. Từ giờ mẹ không ở đó nữa, mẹ ở đây. Lúc nào Bin nhớ mẹ, mẹ lại đón Bin nha”. Thằng bé không chịu, tay thì gãi nốt muỗi đốt cành cạch, miệng bi bô: “Con ở với mẹ cơ”.
Có người mẹ nào, dù sống chung một nhà nhưng luôn nhớ con cồn cào đến thế! |
Đúng là chị nuôi được con, nhưng sẽ không thể cho con điều kiện như bên nhà nội, thằng bé sung sướng quen rồi, giờ bắt nó chịu khổ, chị không đành lòng. Thôi thì cứ nhắm mắt cho qua một kiếp người, chị lại tồn tại tiếp trong gia đình ấy, ít ra mẹ con vẫn còn chung một nhà, ít ra con chị không phải chịu khổ, ít ra…
Chị mở điện thoại, trả lời tin nhắn của chồng, nhắn địa chỉ hai mẹ con đang ở để anh tới đón về. Chị biết quãng ngày tiếp theo sẽ không dễ sống.