Hơn 1.000 nghệ nhân thuộc các đoàn nghệ thuật dân gian 5 tỉnh Tây Nguyên, cùng các nghệ nhân không chuyên là thanh niên, sinh viên, học sinh trên địa bàn đã tham gia trình diễn các tiết mục cồng chiêng, những điệu múa khỏe khoắn, nhịp nhàng, dẻo dai trong những bộ trang phục hóa trang cầu kỳ, rực rỡ tạo nên một bữa tiệc văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Những màn trình diễn của các đoàn nghệ thuật dân gian đã mang lại cho người xem những cảm xúc và trải nghiệm tuyệt vời về một loại hình văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc của vùng cao Tây Nguyên - Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể vào năm 2005.
Lễ hội Carnaval đường phố không chỉ thể hiện chủ đề “các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết- giữ gìn- phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển bền vững đất nước”, mà còn muốn gửi gắm đến bạn bè quốc tế thông điệp: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là hình thức sinh hoạt cộng đồng, là hơi thở cuộc sống, kết nối con người với thiên nhiên, thế giới tâm linh, bởi vậy, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo đó.