Phụ huynh mong không tăng học phí
Những tưởng học phí trường công lập tại các địa phương sẽ không tăng sau thống nhất của liên Bộ: Tài chính, GD&ĐT. Nhưng thông tin Hà Nội tiếp tục đề xuất tăng học phí gấp đôi so với năm học 2021 - 2022 một lần nữa khiến nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên.
Như nhiều phụ huynh khác, anh Nguyễn Xuân Bản (quận Long Biên, Hà Nội) khá bất ngờ với thông tin tăng học phí. Anh Bản chia sẻ: “Giai đoạn này tất cả mặt hàng đều tăng giá, vợ chồng tôi đều phải cân nhắc các khoản chi tiêu của gia đình. Những năm chưa có dịch, mùa hè chúng tôi cho con đi chơi xa nhưng năm nay khoản chi tiêu này đã bị cắt. Các phí sinh hoạt khác không cần thiết cũng bị rút lại. Cho nên khi nghe tin học phí dự kiến tăng gấp đôi, hai vợ chồng không khỏi hoang mang”.
Theo anh Bản, tăng học phí nên theo lộ trình để phụ huynh có thời gian chuẩn bị kinh tế, không nên thông báo tháng 6 mà tháng 9 đã tăng. Làm như vậy, những người lao động có thu nhập không ổn định trở tay không kịp.
Đồng tình với anh Bản, chị Nguyễn Lan Anh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mong thành phố cũng như sở GD&ĐT xem xét việc tăng học phí trong năm nay. Bởi gia đình chị là công chức Nhà nước, thu nhập không cao. Do đó, tăng học phí thời điểm này là bài toán đau đầu.
Nhiều phụ huynh đề xuất Hà Nội xem xét việc tăng học phí cho năm học. Ảnh: Hải Nam |
Nên để cơ quan thứ ba tiến hành khảo sát
Trước con số hơn 72% phụ huynh đồng ý đề xuất tăng học phí năm học 2022 - 2023 mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra, đứng từ góc nhìn của chuyên gia giáo dục, TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT) phân tích: Tăng học phí phải tính đến điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Trong lúc đang “bão giá”, gần như các chi phí sinh hoạt đặc biệt là giá nhiên liệu tăng mạnh, do vậy tăng học phí cần tính toán và có lộ trình cụ thể.
Trước đó, ngày 13/6, Bộ GD&ĐT nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 - 2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá. “Do vậy, ở thời điểm này con số khảo sát đưa ra khiến dư luận hoài nghi là đúng. 72% phụ huynh đồng ý tăng học phí được sở GD&ĐT khảo sát cần có minh chứng cụ thể. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tính toán những tác động không mong muốn của việc tăng học phí.
Bên cạnh tăng học phí, điều quan trọng nhất là ngành Giáo dục Thủ đô phải đổi mới công tác quản lý nhà trường, nâng cao hiệu quả tài chính, giảm bớt những hoạt động hội nghị, hội thảo không thiết thực, gây tốn kém trong lúc cần phải tiết kiệm”, TS Vinh nhấn mạnh và thông tin thêm: Đưa ra con số khảo sát nhưng Hà Nội không công bố phương pháp khảo sát ra sao. Ví dụ, trong phiếu khảo sát nếu chỉ có câu hỏi phụ huynh đồng ý tăng học phí hay không sẽ không khoa học? Nếu trong phiếu khảo sát ghi năm học 2022 – 2023, Hà Nội dự kiến tăng 1%, 5% hay 30% hoặc câu hỏi khảo sát nói rõ tăng học phí đến mức nào thì kết quả khảo sát có ý nghĩa hơn.
Qua những phân tích trên TS Vinh đưa ra đề xuất: “Vấn đề khảo sát tăng học phí nên để cơ quan thứ ba thực hiện. Ví dụ, Sở Tài chính phối hợp với Mặt trận Tổ quốc hoặc HĐND thành phố đứng ra khảo sát. Kết quả khảo sát mới khách quan”.
Trước đề xuất tăng học phí năm học 2022 -2023 mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhìn nhận: “Việc tăng học phí ở Hà Nội đang thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ. Theo đó mức sàn là 300 nghìn đồng; mức trần là 650 nghìn đồng”.
Đồng tình với đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội là chỉ tăng học phí ở khu vực các quận nội thành lên mức sàn của Nghị định 81, còn khu vực ngoại thành giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể, TS Tùng Lâm cho rằng cần quan tâm đến khu vực khó khăn để xem nguyện vọng của người dân như thế nào? Không nên chỉ khảo sát mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, với hơn 72% phụ huynh đồng ý tăng học phí, TS Tùng Lâm cho rằng: “Nội dung phiếu khảo sát cần tỉ mỉ hơn, phân chia đối tượng, khu vực rõ ràng và nói tăng bao nhiêu % học phí trong phiếu để phụ huynh hiểu rõ. Song hành với khảo sát của Sở GĐ&ĐT, Mặt trận Tổ quốc nên phối hợp với Sở Tài chính thực hiện khảo sát độc lập để so sánh hai kết quả cho khách quan”.
Theo nội dung dự thảo tăng học phí, thành phố Hà Nội chia thành bốn vùng: 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4. Dự thảo nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81. Học phí dự kiến của Hà Nội ở mức sàn, tức mức thu thấp nhất. Năm học 2022 - 2023, với các trường chưa bảo đảm chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng/tháng. Học phí vùng 3 và 4 lần lượt dao động từ 100.000 đồng - 200.000 đồng và từ 50.000 đồng - 100.000 đồng, tùy cấp học.