Những thành tựu của giáo dục vùng khó
Báo cáo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết: cho đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu phát triển sự nghiệp giáo dục. Quy mô trường lớp sắp xếp giảm được 127 trường, 362 điểm trường, 200 lớp học. Quy mô học sinh năm học này tăng trên 16.000 học sinh, tăng 8.558 học sinh bán trú. Sắp xếp, bố trí lại công tác 970 người là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Tỉnh đã đầu tư 433 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất cho thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2016 – 2020. Chất lượng giáo dục dân tộc ngày càng được nâng lên góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện trong toàn tỉnh; Ngành giáo dục đã tích cực, chủ động tham mưu kế hoạch cho tỉnh về công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất trường học để đáp ứng công tác giảng - dạy, học tập của ngành, nhất là việc đầu tư, xây dựng các trường nội trú, bán trú được quan tâm…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Yên Bái |
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, đồng thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Yên Bái trong công tác sắp xếp bộ máy, tỉnh không thực hiện giảm biên chế cơ học mà phải căn cứ tình hình thực tiễn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Quan điểm nhất quán trong thực hiện là ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Tại buổi làm việc, các cán bộ quản lý, giáo viên chia sẻ nhiều ý kiến về công tác giảng dạy, những kiến nghị với Bộ trưởng về cơ chế chính sách, tinh giản nội dung chương trình giảng dạy, công tác quản lý trường Phổ thông chất lượng cao và trường phổ thông áp dụng chương trình giáo dục chất lượng cao; Bộ tham mưu cho Chính phủ thành lập thêm loại hình trường Phổ thông dân tộc bán trú THPT, Bộ tiếp tục hỗ trợ tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị thông qua các đề án, dự án…
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao cấp ủy chính quyền tỉnh Yên Bái, trong điều kiện khó khăn vẫn dành sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn.
Thường xuyên rà soát, kịp thời chấn chỉnh đạo đức, lối sống trong đội ngũ
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh cần tránh tình trạng bức xúc trong giáo viên các nhà trường thuộc diện điều chỉnh tinh giản. Về nhu cầu biên chế giáo viên, tỉnh cần chủ động đề xuất với ngành nội vụ xem xét, bố trí giáo viên.
Trong công tác khác có mối liên hệ chặt chẽ là sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, Bộ trưởng đề nghị Yên Bái cần thực hiện sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học theo hướng tinh gọn. Việc gom các điểm trường sẽ giảm đầu mối nhân sự và đầu tư nhưng gom thế nào để có được chất lượng giáo dục tốt hơn sau khi sắp xếp mới là mục đích quan trọng. Bộ đã có hướng dẫn địa phương sắp xếp trường lớp và công tác này cần được thực hiện nhất quán từ T.Ư đến địa phương để đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
Về vấn đề bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, đạo đức đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng nhấn mạnh: bộ chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mới được Bộ ban hành rất khác với bộ chuẩn đã có từ 10 năm trước. Chuẩn mới chú trọng đến năng lực, phẩm chất, đạo đức nhà giáo; Người giáo viên đáp ứng chuẩn không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người, dạy cho học sinh đạo đức lối sống, kỹ năng sống…
Cán bộ quản lý phát biểu tại buổi làm việc |
Trước tình trạng có một số vụ việc biểu hiện sa sút đạo đức của một số giáo viên, vụ việc bạo hành trẻ đã xảy ra thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Yên Bái cần thường xuyên rà soát biểu hiện tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ nhà giáo để tránh tình trạng này xảy ra.
Đồng thời yêu cầu cán bộ quản lý, hiệu trưởng các nhà trường thường xuyên rà soát biểu hiện về tư tưởng, đạo đức, lối sống của giáo viên để thấy biểu hiện gì phải chấn chỉnh ngay; Lấy phương châm phòng hơn chống làm gốc, không để xảy ra tình trạng sa sút về đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, giáo viên. Cùng với đó là nghiên cứu thật kỹ, cập nhật thông tin, văn bản chỉ đạo mới của ngành về công tác này để chủ động chỉ đạo thực hiện.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng đổi mới CT-SGK GDPT, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các tỉnh, các trường sư phạm để thực hiện. Bộ đã có chủ trương: phân hiệu của các trường đại học sư phạm ở các tỉnh sẽ làm nhiệm vụ bồi dưỡng; Công tác đào tạo đại học sẽ do các trường sư phạm đảm nhiệm trên cơ sở đổi mới chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của CT-SGK.
Các thầy cô vùng sâu vùng xa sẽ được đào tạo qua hình thức trực tuyến, mạng trường học kết nối, kết hợp với tập huấn trực tiếp để trao đổi. Trước mắt sẽ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cốt cán trước, rồi đến đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp; trong đó ưu tiên bồi dưỡng giáo viên lớp 1 trước trong năm 2019 và một số môn tích hợp mới, rồi đến các lớp theo lộ trình đổi mới CT-SGK GDPT mới... Bộ trưởng đề nghị tỉnh Yên Bái tiếp tục dành nguồn lực chuẩn bị các điều kiện cho công tác này.